Thảo luận về kinh tế - xã hội của Hà Nội chiều 7/12, nhiều ĐB HĐND TP đề nghị công khai chi phí cho đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, dù tinh thần chung là khen những mặt làm được của thành phố nhiều hơn.

Nói như chia sẻ của một số ĐB giờ giải lao là "phiên họp cuối cùng rồi, nhẹ nhàng thôi", hay "hãy để HĐND khóa mới giám sát hoạt động của UBND khóa mới, còn kỳ họp này mang tính chất tổng kết nhiều hơn".

"Dân trí rất cao"

Mở màn phiên thảo luận, ĐB Bùi Thị An (quận Hai Bà Trưng) kiến nghị thành phố công khai chi phí, tách bạch rõ ràng phần nào đầu tư dài hạn, phần nào đầu tư cho văn hóa, phần nào cho các hoạt động của đại lễ.

 

ĐB Vũ Đức Tân: Sao không công bố? Ảnh: LAD

"Cử tri Hà Nội dân trí rất cao. Có đánh giá từng phần một, công trình nào được, cái nào không hiệu quả, khi tách bạch thì dân sẽ hiểu, và sẽ tin lãnh đạo hơn". Theo bà An, đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được nhiều hơn những sơ xuất, khiến người dân Thủ đô và cả nước tự hào, nhưng nhiều hoạt động vẫn tạo cảm giác cập rập, thiếu hụt thời gian, "nên rút kinh nghiệm cho những đại lễ khác, không chỉ là đại lễ 2000 năm", bà An "hài hước".
Bà cũng kiến nghị Thành ủy, HĐND và UBND kiểm tra, giám sát hậu đại lễ để hạn chế tối đa những sơ xuất kiểu "vài viên gạch lở ra trong công trình rất đẹp", thể hiện sự tôn trọng chi phí, sức dân không chỉ của Hà Nội mà của cả nước, sự giúp đỡ của quốc tế.

 

 

Cũng nhấn mạnh việc cử tri thắc mắc về tổng chi phí của đại lễ, ĐB Vũ Đức Tân (quận Ba Đình) đề nghị công khai tổng chi phí, bao nhiêu từ ngân sách, bao nhiêu từ nguồn xã hội hóa, "điều này hoàn toàn đơn giản, có thể làm được, sao không công bố?", ông Tấn nêu câu hỏi.

Mạnh mẽ nhất là ĐB Nguyễn Việt Hưng (Đông Anh), tuy "không phủ nhận 21 trang báo cáo thành quả trong tổ chức hoạt động mừng đại lễ" nhưng theo ông, những công trình kỷ niệm đã thể hiện nhiều căn bệnh: nước đến chân (thậm chí đến cổ) mới nhảy, bệnh thành tích, bệnh "ngày kỷ niệm, dịp tổ chức hội nghị thì đường thông hè thoáng, sau đó lại đâu vào đấy".
Nhắc chuyện sát ngày đại lễ, các lãnh đạo "chạy sô" đi dự lễ khánh thành, gắn biển kỷ niệm, sau khi cắt băng khánh thành vẫn còn ngổn ngang những việc lớn chưa làm (như với đại lộ Thăng Long, công viên Hòa Bình), ông Hưng nói: "Đến tượng đài Thánh Gióng do Thành hội Phật giáo thực hiện mà cũng phải chạy đua, khác hẳn với thái độ sống ung dung tự tại của Phật giáo. Hà Nội cố chạy theo thời gian nên tạo những căng thẳng không đáng có, khiến cử tri phải bảo "căng thẳng thế".

ĐB Hưng cũng không quên lời hứa của Hà Nội khi được ĐBQH chất vấn ở kỳ họp trước, rằng "sẽ công khai chi phí cho đại lễ 1000 năm trong kỳ họp HĐND cuối năm". Ông đề nghị phải có quyết toán cụ thể, cũng như phải thanh tra, kiểm tra xem việc tiêu tiền ra sao, "đừng để cử tri nghi ngờ là tiền đã bị chi không đúng mục đích. Càng công khai sớm bao nhiêu thì càng sáng bấy nhiêu, hãy sáng sực rỡ chứ không chỉ sáng mờ mờ".

Tổng kết phiên thảo luận, Phó chủ tịch HĐND Lê Quang Nhuệ dù cảm thông với thành phố về việc "đã đầu tư rất nhiều công sức, nguồn lực, nên muốn được khánh thành đúng dịp đại lễ", cũng đề nghị thành phố sớm quyết toán các hạng mục liên quan đến đại lễ, bởi những công trình 50, 100 năm sau vẫn sử dụng được thì không thể gọi là chi phí mừng đại lễ, nhưng "đừng để vì không tiếp cận được thông tin mà cử tri đồn thổi".

Không thể sớm cấy, chiều gặt

Ngoài chủ đề hậu đại lễ, các ĐB cũng rất quan tâm tới những điều kiện để phát triển bền vững, chứ không chỉ chạy theo tăng trưởng. Trong đó, chất lượng, quy hoạch nguồn nhân lực là trăn trở của ĐB Bùi Thị An cũng như ĐB Ngô Văn Ny (huyện Từ Liêm), ĐB Đỗ Thị Xuân Phương (huyện Đông Anh).

 

ĐB Nguyễn Việt Hưng: Đừng để cử tri nghi ngờ. Ảnh: LAD 

Theo bà An, rất cần tách bạch rõ ràng cán bộ quận, huyện nào làm được việc, cán bộ nào bị kỷ luật, để phát hiện được những cán bộ có tâm, có tài, đưa lên những vị trí cao hơn. "Tuy không thể rạch ròi như mớ rau, con cá, nhưng cũng cần đánh giá cụ thể, còn hiện tại vẫn cứ chung chung", bà An băn khoăn.

 

 

ĐB Bùi Xuân Hộ (huyện Thanh Oai) thì cho rằng cần đẩy nhanh các quy hoạch ngành, cũng như phải chú trọng đến chất lượng phát triển, bởi không thể đầu tư ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng xuống cơ sở nhưng không quan tâm đánh giá hiệu quả. Còn ĐB Nguyễn Việt Hưng lại quan tâm đến năng suất lao động cũng như chỉ số ICOR (chỉ số sử dụng hiệu quả đồng vốn). Theo ông Hưng, báo cáo kinh tế - xã hội mới chỉ đề cập đến thành tích huy động nguồn vốn xã hội tăng 19% so với năm ngoái, nhưng "nếu không sử dụng hiệu quả đồng vốn thì không góp phần làm tăng trưởng kinh tế, vậy thì có cần huy động nhiều vốn không? Trung bình của các nước Đông Nam Á là 5 đồng vốn làm ra 1 đồng GDP, còn ta phấn đấu thế nào?".

Riêng ĐB Triệu Đình Phúc, Bí thư huyện ủy Thanh Trì rất "kiên trì" chất vấn về cơ sở lý luận cũng như đạo lý của con số 18 xã trong chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của năm 2011. Theo ông Phúc, Hà Nội có tới 400 xã, lại đặt mục tiêu phấn đấu trên 40% (tương đương 160 xã) sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011 - 2015, đây là sự nghiệp lâu dài bởi liên quan đến hạ tầng kinh tế - xã hội, ít nhất cũng phải 4, 5 năm.
"Nếu sớm cấy, chiều gặt, đầu năm ra chỉ tiêu, cuối năm có kết quả thì mỗi năm cũng phải phấn đấu 35, 40 xã. Năm tới chỉ 18 xã thì các năm sau sẽ thế nào?". Kết quả là Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng phải khẳng định rằng, Hà Nội đã phấn đấu đến năm 2015, tất cả các xã trên địa bàn đều đạt một số chỉ tiêu nông thôn mới, nhưng sẽ tập trung đồng bộ hơn, sâu sát hơn ở 40% các xã, nghĩa là "10 xã của Thanh Trì sẽ phải hoàn thành đủ 19 chỉ tiêu nông thôn mới", ông Hùng khẳng định.

Sau phiên thảo luận, nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2011 của Hà Nội đã được thông qua.

  • Khánh Linh