Tuần này, khi tướng về hưu David Petraeus nhận trọng trách tân Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông có lẽ sẽ phải nhớ tới chiến tranh Việt Nam - nơi các chuyên gia phân tích của CIA từng sớm cảnh báo mạnh mẽ về thất bại chiến lược của Washington.

Trong chiến tranh Việt Nam, bất chấp cảnh báo của CIA, nhiều tướng lĩnh Mỹ vẫn khăng khăng cho rằng Mỹ có thể thắng thế bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự. Giờ đây, những điều tương tự đang lặp lại đối với cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan.

Ông Petraeus (giữa) tuyên thệ nhậm chức Giám đốc CIA ngày 6/9. Ảnh: AP
Nhóm phân tích chính trị của tờ Washington Post cho rằng, tân Giám đốc CIA Petraeus - vốn là Đại tướng Lục quân Mỹ, phụ trách lực lượng quân đội Mỹ và NATO ở Afghanistan từ tháng 6/2010 - sẽ phải đối mặt với một vấn đề đòi hỏi sự xử trí tinh tế, đó là mối quan hệ giữa ông với các đồng nghiệp CIA.

Hồi tháng 7, đúng vào thời điểm ông Petraeus thôi chức Tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ và NATO ở Afghanistan, các chuyên gia của CIA đã hoàn thành bản báo cáo đánh giá tình hình Afghanistan, trong đó nhận định rằng cuộc chiến tại Afghanistan đang dần rơi vào thế "bế tắc". Ông Petraeus tỏ ý không đồng tình với cách đánh giá bi quan này.

Cùng chung quan điểm với ông Petraeus là hàng loạt tướng lĩnh cấp cao Mỹ như John Allen - tân Tổng tư lệnh liên quân tại Afghanistan, James Mattis - Chỉ huy Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Mike Mullen - Tổng tham mưu trưởng các lực lượng liên quân của Mỹ…

Ông Petreus cho rằng, đánh giá của CIA là "chướng tai". Ông cũng lưu ý bản báo cáo đánh giá của CIA sử dụng quá nhiều từ "bế tắc" để miêu tả thế "người tám lạng, kẻ nửa cân" giữa các lực lượng do NATO dẫn dắt và phe nối loạn Taliban.

Trong khi đó, khác với nhận định của Tổng thống Mỹ Obama và "bộ sậu" tướng lĩnh, các nhà phân tích CIA không hề lạc quan rằng phong trào Taliban đã bị chặn đứng, kể cả ở những khu vực mà Mỹ tăng viện trong suốt 18 tháng qua.

"Bất cứ ai chứng kiến hiện trạng Afghanistan đều phải thừa nhận rằng thách thức khó khăn là có thật và đạt được tiến triển là điều không dễ dàng" - một quan chức dân sự được tiếp xúc với bản đánh giá tình hình Afghanistan của CIA nói.

Đây là lần thứ bảy CIA đưa ra báo cáo đánh giá tình hình từng khu vực của Afghanistan. Sự hoài nghi của các nhà phân tích CIA về chiến lược của Mỹ tại Afghanistan đang tạo ra nhiều thách thức cho tân Giám đốc CIA Petraeus và Nhà Trắng.

Thách thức cho ông Petraeus là việc liệu rằng ông có chấp nhận sự độc lập của các nhà phân tích CIA nhằm cung cấp những đánh giá có cơ sở về chiến lược Afghanistan do chính ông khởi xướng hay không? Tướng Petraeus có lập trường riêng mạnh mẽ về cuộc chiến ở Afghanistan, khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục nói điều mình nghĩ. Tuy nhiên, nếu các nhà phân tích của CIA có quan điểm khác với người đứng đầu của họ thì căng thẳng nhiều khả năng sẽ bùng nổ.

Nội bộ CIA và bên ngoài đang chặt chẽ dõi theo cái cách mà tân Giám đốc CIA Petraeus xử lý những va chạm không tránh khỏi nêu trên. CIA không phải là nơi ra mệnh lệnh quân sự. Các nhà phân tích tình báo của CIA luôn bực bội với sự can thiệp từ bên ngoài vào các báo cáo của họ. Nếu họ nghĩ Giám đốc Petraeus đang cố định hướng các phân tích đánh giá thì chắc chắn họ sẽ phản đối.

Trong phiên điều trần ngày 23/6 của Thượng viện Mỹ nhằm phê chuẩn vị trí Giám đốc CIA, ông Petraeus đã cam kết rằng ông sẽ trao quyền thích đáng cho các nhà phân tích CIA để đưa ra những đánh giá xác thực về các khu vực ông từng chỉ huy, như tại Iraq và Afghanistan.

Ông Petraeus tuyên bố: "Trong Phòng tình huống (Situation Room) cùng Tổng thống, tôi sẽ cố gắng thể hiện lập trường của CIA". Ông Petraeus cũng nói thêm rằng ông "nhận thức sâu sắc" việc bản thân là "lãnh đạo của một cơ quan tình báo chứ không phải là một nhà hoạch định chính sách".

Từ tuần trước, những lời đồn đoán về mối bất hòa giữa ông Petraeus và các chuyên gia phân tích CIA đã nổi lên ì xèo ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Một số người cho rằng việc Tổng thống Obama bổ nhiệm tướng Petraeus vào vị trí Giám đốc CIA là tín hiệu thay đổi trong chính sách của Nhà Trắng.

Tuy nhiên, suy luận này dường như không đúng. Các chuyên gia phân tích của CIA từ lâu đã hoài nghi về hiệu quả cuộc chiến ở Afghanistan, trong khi Tổng thống Obama tiếp tục ủng hộ quân đội.

Khó khăn ngày càng gia tăng đối với Tổng thống Obama. Năm 2009, ông Obama đã thông qua mục tiêu ngăn chặn đà tiến của phong trào al-Qaida ở Afghanistan bằng cách áp dụng chiến lược chống nổi dậy trong phạm vi rộng.

Tổng thống Obama có thể phải xem xét lại kế hoạch Afghanistan tiêu tốn hơn 100 tỷ USD/năm và cấp độ triển khai binh lính Mỹ tại đây nếu quan điểm bi quan của CIA về tình hình Afghanistan được nhiều người đồng tình. Điều trớ trêu là tân Giám đốc CIA Petraeus có thể một lần nữa trở thành tâm điểm cuộc chiến giữa CIA và quân đội, trong trường hợp Tổng thống Obama chọn cách tiếp cận chống khủng bố giới hạn hơn nữa.

Nhà Trắng hiện có vẻ hài lòng với kế hoạch rút dần quân đội Mỹ khỏi Afghanistan từ nay đến năm 2014, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai được cải thiện nhưng không đáng kể.

Về mặt "kỹ thuật", khi trút bỏ bộ quân phục của mình, ông Petraeus đã vượt qua ngưỡng phân cách giữa vai trò quân sự và tình báo. Nhưng cuộc chuyển giao thực thụ vẫn nằm ở phía trước.

Ngày 6/9/2011, tại Nhà Trắng, với sự chủ trì của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông David Petraeus đã tuyên thệ nhậm chức Giám đốc thứ 20 của CIA. Ông Petraeus thay thế người tiền nhiệm Leon Panetta, nay chuyển sang làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Sinh năm 1952, ông Petraeus có sự nghiệp lục quân kéo dài 37 năm. Ông được coi là vị tướng có công lớn giúp thúc đẩy chiến lược điều chỉnh của Tổng thống Obama ở Afghanistan.


V.Giang (theo Washington Post, The Australian)