- Nguyên Bí thư Hà Nội Nguyễn Văn Trân nhớ lại: ĐH II đã không làm như thông lệ mà để đại biểu đề nghị danh sách ứng cử vào Ban chấp hành TƯ.
Nghĩ về bầu Tổng bí thư trong Đại hội XI
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Mấy điều tâm huyết với Đại hội
Nghĩ ngợi trước thềm Đại hội Đảng XI
Thư gửi Đại hội
“Ở ĐH II, tôi được bầu vào Trung ương, là ủy viên dự khuyết. Đến ĐH III tôi được bầu là Bí thư Trung ương. Tuy đến khóa IV (năm 1976) tôi nghỉ Trung ương vì đã lớn tuổi (ông Nguyễn Văn Trân sinh năm 1916 - PV) nhưng vẫn đều đặn tham dự các ĐH sau đó. Riêng tại ĐH VII, tôi có trách nhiệm cùng các anh em xây dựng Chiến lược 10 năm. Sau khi được ĐH thông qua, tôi cũng muốn xin nghỉ hẳn, nhưng vẫn chưa được nghỉ”.
Đại biểu đều thấy thoải mái
Tham dự liên tục 9 ĐH của Đảng, ông có ấn tượng sâu sắc với ĐH nào nhất?
Ông Nguyễn Văn Trân: Chọn cán bộ
không thể làm theo khuôn khổ như cũ. Ảnh: Tuổi Trẻ
Từ ĐH II không khí đã rất dân chủ, nhưng ĐH III còn dân chủ hơn vì có nhiều người tranh luận về chủ trương xây dựng CNXH. Cũng có ý kiến ngần ngại là còn nhiều khó khăn, mình chưa làm được. Nhưng số đông thì thấy tinh thần tích cực, phải tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH bởi bấy giờ ở miền Nam đương đấu tranh, nên miền Bắc phải nhanh chóng xây dựng cơ sở vật chất để làm hậu phương lớn cho cả nước.
Còn ấn tượng của ông về ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 2, ĐH đầu tiên ông được tham dự thì sao, thưa ông?
ĐH II diễn ra khi ta mới giành chiến thắng ở biên giới, các nơi khác vẫn bị Pháp chiếm đóng. Lúc bấy giờ tôi là Bí thư Liên khu 3, lúc đó Liên khu 3 là vùng tạm chiếm, hoạt động trong địch hậu theo kiểu bí mật, lẩn lút thôi, khó khăn lắm.
Nhưng ĐH đã quyết định phải chuyển sang tổng phản công, chứ không để bị tấn công và tiếp tục cầm cự nữa. Không khí phấn khởi lắm, bởi đã đến thời điểm mình chủ động, không bị o ép nữa. Những anh em hoạt động trong địch hậu như chúng tôi rất hăng hái, vì tới đây sẽ phát động chiến tranh nhân dân.
Riêng ĐH II có cách làm nhân sự rất dân chủ. Theo thông lệ khi vào ĐH, Ban chấp hành TƯ cũ phải có danh sách giới thiệu nhân sự cho Ban chấp hành TƯ mới. Nhưng ở ĐH II không làm như thế, mà cứ để đại biểu đề nghị danh sách ứng cử thôi.
Đến ĐH XI này, tôi và một số anh em cũng đề nghị phải để đại biểu đến dự ĐH đề nghị danh sách ứng cử. BCH cũ có thể giới thiệu một danh sách, vì qua quá trình làm việc họ có thể biết những ai có năng lực, nhưng không nên lấy danh sách đó để ĐH bầu, mà phải để đại biểu đến dự ĐH kiến nghị một danh sách nữa.
Lúc bầu thì cứ công bố rõ tiêu chuẩn, rồi để đại biểu người ta bầu thôi, từ cả hai danh sách.
Cái này cũng có kinh nghiệm thực tế khi tôi làm Bí thư Hà Nội, hai lần ĐH ở Hà Nội chúng tôi cũng phản đối việc Ban chấp hành cũ lập danh sách cho ĐH bầu, mà cứ để ĐH tự chọn lựa. Hồi đó cách làm mới quá, không phải ai cũng đồng ý, Ban Tổ chức TƯ cũng không tán thành, nhưng vẫn để Hà Nội làm. Hai lần Đại hội chúng tôi làm như thế, kết quả rất tốt. Sau ĐH các đại biểu đều cảm thấy rất thoải mái, không bị Ban chấp hành cũ áp đặt. Họ đều thấy đây là cách làm dân chủ.
Ông có biết vì sao cách làm này chỉ áp dụng được ở ĐH II, và ở ĐH Đảng bộ Hà Nội thời ông làm Bí thư, mà không tiếp tục sau này?
Chính vì tư tưởng cán bộ chưa thông, chưa thấy dân chủ là rất tốt, là quan trọng, mà cứ muốn theo ý mình, mình nhận định anh A, anh B là tốt thì phải đưa vào danh sách. Họ chưa thấy rằng dân chủ là để toàn dân, hay toàn lực lượng người ta bầu.
Tôi và một số đồng chí đã đề nghị, ĐH nên trực tiếp bầu Tổng bí thư. Nếu tất cả đại biểu bầu Tổng bí thư thì mức độ tín nhiệm sẽ cao hơn, công việc làm sẽ tốt hơn.
Đổi mới từng bước ngắn
Tại cuộc họp báo trước thềm ĐH Đảng XI sáng 10/1, ông Trần Lưu Hải, Phó Ban Tổ chức TƯ cũng đã khẳng định "trong Điều lệ Đảng khóa X chưa đề cập đến việc ĐH bầu trực tiếp Tổng Bí thư, nhưng nếu đa số đại biểu tham dự yêu cầu thì ĐH sẽ tiến hành bầu". Quan điểm của ông?
Tôi hy vọng thế. Dân chủ là vấn đề lâu dài, không phải một lúc mà làm được ngay đâu. ĐH II đã có tinh thần dân chủ rồi, nhưng qua quá trình Đảng lãnh đạo có kết quả từ lúc bí mật cho đến lúc thành công, cho nên quan điểm tư tưởng cũ vẫn duy trì. Chúng ta nhận thức rằng phương thức lãnh đạo của Đảng phải đổi mới, nhưng thường đổi mới về chính trị chậm hơn đổi mới về kinh tế, tình hình thực tế diễn ra rồi mới dần dần đổi mới về tư tưởng được. Chúng ta mong muốn đổi mới chính trị đi liền với đổi mới kinh tế, nhưng thực tế lại đi sau. Trung Quốc đổi mới từ năm 1978, nhưng đổi mới chính trị đến giờ vẫn còn "ngúc ngắc".
Ở từng ĐH đều có đổi mới chính trị nhưng từng bước ngắn, chứ chưa phải đổi mới một cách mạnh mẽ được. ĐH X vẫn xác định tiếp tục đổi mới, trước hết là đổi mới về dân chủ trong Đảng, chỉ khi nào thực tế chín muồi thì mới thay đổi mạnh mẽ được.
Vậy ở thời điểm ĐH XI này, thực tế đã chín muồi để đổi mới chính trị chưa, thưa ông?
Bây giờ phải thay đổi mạnh, nhiều anh em góp ý kiến phải mở rộng dân chủ trong Đảng. Ví dụ lựa chọn cán bộ không thể làm theo khuôn khổ như cũ, mà việc bầu cử ứng cử phải được mở rộng tự do, để cho nhiều người có thể tham gia được.
Chúng tôi luôn xác định, phải có Đảng lãnh đạo mới có thành công. Nhưng Đảng phải đổi mới cách lãnh đạo bằng đường lối chính sách, còn thực hiện thì bộ máy Nhà nước. Bác Hồ nói chính quyền của ta là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Quản lý nhà nước phải do chính quyền, Đảng không làm thay.
Muốn đổi mới trong Đảng, trước hết những tư tưởng cũ còn muốn nắm độc quyền trong Đảng phải thay đổi. Muốn thay đổi thì Đảng phải như Bác Hồ nói, Đảng lãnh đạo nhưng phải là đày tớ của nhân dân thì mới làm được. "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", đảng viên gương mẫu, trong sạch đi trước, lại có những chủ trương hợp với quyền lợi của nhân dân thì dân tin tưởng sẽ thực hiện được. Đấy là dân chủ đấy.
Bây giờ khó khăn nhất là có chuyện tham nhũng, hối lộ nhiều quá, xảy ra cả trong Đảng viên của đảng, như vậy là Đảng chưa trong sạch.
Không để sót người xứng đáng
Vậy theo ông, làm sao để Đảng thật sự trong sạch?
Muốn Đảng trong sạch, theo tôi trước hết phải giữ vững nguyên tắc sinh hoạt Đảng, thường xuyên phê bình và tự phê bình.
Nếu thường xuyên và nghiêm túc phê bình và tự phê bình thì sẽ thực hiện được dân chủ. Họp hành mà ai cũng có quyền nói, dám nói thì là dân chủ, dân chủ trong Đảng trước hết thì ra ngoài dân mới thực hiện dân chủ được. Nếu trong Đảng mà không có dân chủ, thì ra ngoài dân, chính quyền cũng không có dân chủ đâu.
Đảng phải làm trước, như thế để Đảng trong sạch. Đảng viên trong sạch, cán bộ trong sạch thì chắc chắn nhân dân sẽ tin theo. Mọi công việc mình đề ra mới có thể thực hiện được.
Ông có nói việc lựa chọn cán bộ không thể làm theo khuôn khổ như cũ, mà việc bầu cử, ứng cử phải được mở rộng tự do, để cho nhiều người có thể tham gia được. Nghĩa là ai cũng được quyền ứng cử và đề cử?
Chúng ta không từ chối việc BCH cũ giới thiệu một số ứng cử viên, nhưng phải để tùy đại biểu lựa chọn. Chỉ cần xác định tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ, còn đủ tiêu chuẩn thì ai cũng có quyền ứng cử và đề cử, các ĐB tín nhiệm ai thì bỏ phiếu.
Về tiêu chuẩn, cũng phải xóa quan điểm cũ, căn cứ vào giai cấp, thành phần, ngành nghề, quá trình, học vấn... Giờ có cần những tiêu chuẩn đó không? Theo tôi là không cần, mà cần những tiêu chuẩn khác. Tôi xin mạnh dạn đề cử những tiêu chuẩn sau cho người ứng cử:
1, Dám nghĩ, dám nói, dám
làm.
2, Có quan điểm quần chúng, lăn lộn với quần chúng, được quần chúng tin yêu.
3, Sức khỏe phải đảm bảo.
Cứ đủ 3 tiêu chuẩn này, ai có thể thì cứ ứng cử, rồi tùy đại biểu lựa chọn thôi. Phải quan niệm về tài năng không phải là do đến lớp học, do bằng cấp, cái đó chỉ là phần phụ thôi. Phải lăn lộn trong cuộc sống, hiểu biết nguyện vọng của quần chúng mới phát triển ra tài năng.
Câu hỏi cuối cùng, ông mong đợi điều gì ở ĐH Đảng XI?
Tôi mong đợi các ĐB sẽ sáng suốt chọn được những người có đức, có tài tham gia BCH Trung ương khóa tới. Tôi rất mong Bộ Chính trị sẽ chấp thuận việc để các đại biểu tham dự ĐH giới thiệu một danh sách riêng ứng cử vào Trung ương. Những lần trước Chủ tịch đoàn chỉ hỏi có ai giới thiệu thêm ai không, chứ chưa thành một danh sách riêng. Phải để đại biểu có quyền đề cử, ứng cử, thì mới không để sót những người thật sự xứng đáng.
-
Khánh Linh