- "Nhìn thẳng vào sự thật để thấy thực tế đau lòng là tình trạng xa dân, vô cảm với dân… đang dần trở thành phổ biến. Thực trạng này giảm lòng tin vào Đảng. Đây là điều không được phép xem thường vì mất lòng tin của dân là mất dân; mất dân là mất Đảng, mất chế độ" - ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam tha thiết.
Tham gia thảo luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phát biểu của ông Nam về mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị đã gây sự chú ý của hội trường.
Hệ thống chính trị phải tôn trọng quy luật thị trường
"Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đòi hỏi một hệ thống chính trị tôn trọng những quy luật khách quan của thị trường, quan tâm đến sự bình đẳng về cơ hội phát triển và nâng cao năng lực để đón bắt các cơ hội phát triển cho tất cả mọi người dân và mọi vùng của đất nước, gắn kết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, tôn trọng sự bình đẳng và tạo cơ hội thuận lợi cho tất cả các chủ thể kinh tế đều phát triển, hợp tác. Nền kinh tế này cũng đòi hỏi một hệ thống chính trị không quan liêu, có quyết tâm chính trị và giải pháp hữu hiệu đẩy lùi tham nhũng, thất thoát và lãng phí các nguồn lực phát triển của xã hội", ông Nam đề xuất.
Theo ông, trong hệ thống đó, cán bộ các cấp phải trong sạch, bản lĩnh chính trị vững vàng, công tâm, đoàn kết, trí tuệ và có tư duy đổi mới.
Đảng cầm quyền phải theo Hiến pháp và pháp luật
Khẳng định đổi mới chính trị không phải là thay đổi hệ thống chính trị đang có bằng một hệ thống chính trị khác, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội nói vấn đề then chốt, quyết định thắng lợi 25 năm Đổi mới là giữ vững sự lãnh đạo của Đảng.
Ông Đỗ Hoài Nam: Phải
đổi mới cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ...
"Nhìn thẳng vào sự thật để thấy một thực tế đau lòng là hiện nay, tình trạng xa dân, vô cảm với dân, mất dân chủ với dân, hành dân, sách nhiễu dân đang dần trở thành phổ biến. Thực trạng này đang làm một bộ phận nhân dân giảm lòng tin vào Đảng. Đây là điều không được phép xem thường vì mất lòng tin của dân là mất dân; mất dân là mất Đảng, mất chế độ", ông Nam ưu tư.
Do đó, ông đề nghị Đảng phải tiếp tục tự đổi mới toàn diện, đồng bộ và hài hòa cả nội dung lẫn phương thức lãnh đạo.
Nội dung lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, toàn cầu hoá có nhiều điểm mới và chưa có tiền lệ đối với Đảng, đòi hỏi Đảng phải tự giải đáp từ tổng kết thực tiễn đổi mới, nâng cao tầm nhìn và tư duy khoa học, chứ không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm đã có.
"Cầm quyền vì dân và dựa vào dân, cầm quyền theo Hiến pháp và pháp luật, cầm quyền một cách khoa học, cầm quyền dân chủ sẽ tạo những nền tảng bền vững để Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trường tồn. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì Đảng sẽ mất vai trò cầm quyền và lãnh đạo" - ông nói.
Tập trung luận giải một số vấn đề về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, ông Đỗ Hoài Nam cho rằng, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội trước hết là lãnh đạo về mặt chính trị, đảm bảo cho Quốc hội giữ vững định hướng chính trị của Đảng về phát triển đất nước trong các quyết định của Quốc hội. Đảng cũng cần tạo điều kiện để các tổ chức Quốc hội và đại biểu Quốc hội có nhiều cơ hội và khả năng xem xét, thảo luận dân chủ trong việc lựa chọn các phương án để quyết định tốt nhất theo thẩm quyền mà vẫn bảo đảm sự lãnh đạo, định hướng của Đảng.
Ảnh: Hoàng Long
Công khai,̀ dân chủ lựa chọn cán bộ
Ông Đỗ Hoài Nam khẳng định dân chủ, công khai, công bằng trong công tác cán bộ đang đòi hỏi phải đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh lãnh đạo của hệ thống chính trị.
Từ đó, ông đề xuất cụ thể hoá tiêu chuẩn cán bộ vì phần lớn những tiêu chuẩn này còn dừng lại ở mức độ định tính, chưa phù hợp với từng loại chức danh, cương vị, nhiệm vụ được giao.
"Thực hiện cơ chế lựa chọn ứng viên có số dư cho việc tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ. Các ứng viên phải trình bày đề án, trả lời các câu hỏi có liên quan. Trên cơ sở đó, những người có thẩm quyền bỏ phiếu đánh giá, lựa chọn", Chủ tịch Viện Khoa học xã hội kiến nghị.
Thảo Lam - Hạ Anh