- Đại biểu dự hội nghị tại Đà Nẵng đề xuất nâng cao chất lượng họp báo; việc cung cấp thông tin cho báo chí cần kịp thời, đầy đủ, tránh hiện tượng “nói một chiều” chỉ có lợi cho cơ quan, đơn vị...
Ngày 23/6, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức hội
nghị tổng kết 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng ban hành Quy chế phát
ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại Đà Nẵng.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, 5 năm qua, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông
tin cho báo chí cũng như quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí đã đạt
nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn
phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vũ
Trung
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan báo chí đều cho
rằng, việc ban hành Quy chế là rất cần thiết, đảm bảo quyền tự do ngôn luận của
công dân và của báo chí, đảm bảo sự công khai, minh bạch hóa thông tin của các
cơ quan hành chính nhà nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin chính xác của
người dân về mọi mặt đời sống.
Qua báo chí, người dân được cung cấp thông tin thường xuyên về tình hình hoạt
động, kết quả thực hiện các chỉ tiêu của các bộ, ngành, địa phương, nhìn tổng
quan về đời sống xã hội để thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật…
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại bất cập trong quy chế
phát ngôn báo chí không đồng đều giữa các cơ quan đơn vị; người phát ngôn đều
kiêm nhiệm, lại không có bộ máy giúp việc nên nhiều khi hiệu quả công tác phát
ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chưa cao.
Một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho
báo chí còn hình thức. Nhiều cơ quan báo chí phản ánh, dù thông tin không thuộc
diện bị cấm theo quy định khoản 3, điều 5 trong Quy chế nhưng nhiều người phát
ngôn và người được ủy quyền phát ngôn vẫn gây khó dễ cho phóng viên tác nghiệp.
Một số đơn vị chỉ đồng ý làm việc khi phóng viên đáp ứng đủ 3 điều kiện là có
thẻ nhà báo, có giấy giới thiệu của cơ quan, có công văn đặt lịch làm việc và đã
được xếp lịch. Tuy nhiên, một số cơ quan còn yêu cầu phải có câu hỏi từ trước
gửi đến. Đặc biệt, có nơi, mặc dù đã được cơ quan báo chí gửi công văn đến nhưng
cũng không có văn bản phản hồi.
Nhiều giải pháp, kiến nghị, đề xuất đã được đưa ra tại hội nghị như: Đối với các
bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương, cần có người
phát ngôn chuyên nghiệp, hạn chế tình trạng kiêm nhiệm.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu của đơn vị có thể thành lập phòng hoặc
bộ phận giúp việc cho người phát ngôn, cần có người thay thế khi người phát ngôn
bận hoặc đi công tác xa.
Nâng cao chất lượng thông tin, chất lượng các buổi họp báo; việc cung cấp thông
tin cho báo chí cần đảm bảo tính kịp thời, chính xác, đầy đủ, toàn diện, tránh
hiện tượng “nói một chiều” chỉ có lợi cho cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin.
Hiện Bộ Thông tin - Truyền thông đang xây dựng và chuẩn bị trình Thủ tướng sửa
đổi một số quy định trong Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
như: Quy định cụ thể chế độ làm việc của người phát ngôn cũng như bộ phận giúp
việc và chế độ phụ cấp cho người phát ngôn.
Đặc biệt, trong trường hợp đột xuất, trường hợp cần
ngay ý kiến ban đầu của cơ quan hành chính, người phát ngôn có trách nhiệm chủ
động phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí chậm nhất trong vòng 1 ngày, thay vì
2 ngày, để kịp thời định hướng và cảnh báo trong xã hội.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn khẳng định ngay sau hội nghị,
Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện nội dung dự
thảo để trình Thủ tướng thời gian tới.
Vũ Trung