- Dự án luật Hộ tịch trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay (13/9) có thể "đi vào lịch sử": cấp sổ hộ tịch cá nhân thay thế hơn chục loại giấy tờ như khai sinh, chứng minh thư, sổ hộ khẩu..., đồng thời xây dựng mã số định danh công dân.

'Đi vào lịch sử'

Theo dự án luật, sổ hộ tịch cá nhân được cấp khi đăng ký khai sinh.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường,  tha thiết mong UBTVQH chấp nhận những đổi mới nêu trong dự luật bởi sẽ giúp thống nhất về quản lý, tạo đột phá trong cải cách hành chính. Sổ hộ tịch cá nhân nhằm thay thế các loại giấy tờ đơn lẻ khác như giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu...

Nhiều nước tiên tiến cũng quản lý công dân theo cách trên, chẳng hạn Nhật Bản, đã làm từ thời Minh Trị.

Tán thành ý tưởng, song Ủy ban Thường vụ QH cũng băn khoăn về cách làm, lộ trình.

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, việc cấp mã số chỉ hiệu lực khi nhà nước quản lý công dân bằng dữ liệu điện tử.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, luật Hộ tịch sẽ tạo đột phá trong cải cách hành chính. Ảnh: H.Anh

Về thời hạn cấp mã số, ông Thi cho rằng, trong giai đoạn quá độ vẫn phải song song quản lý theo hai hệ thống nhưng nên có lộ trình. Trước mắt, có thể cấp cho trẻ em mới khai sinh (tính từ khi luật có hiệu lực) và trẻ em dưới 14 tuổi. Còn những công dân đã được cấp số chứng minh thư, nên có lộ trình chuyển đổi để họ cũng được cấp mã. Như vậy mới tiện cho việc quản lý thống nhất.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng hào hứng cho rằng, nếu các đề xuất trên được thông qua, thì cả Bộ trưởng Tư pháp và Chủ nhiệm UB Pháp luật QH đều xứng đáng “đi vào lịch sử”.

Còn theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, trước mắt có thể thấy ngổn ngang nhiều việc những điểm mới trong luật đều mang tinh thần cải cách, xóa đi tình trạng mỗi người dân hiện có tới ngót nghét gần 15 loại giấy tờ nhân thân. Tuy nhiên để ý tưởng về cách quản lý công khai, minh bạch này đi vào thực tiễn lại đòi hỏi các bộ đang nắm giữ quyền cấp giấy tờ cho công dân (Bộ Công an, Nội vụ) phải hợp tác với nhau để thống nhất.

Nên thận trọng

Một số ý kiến tỏ ra nghi ngại liệu chủ trương cấp sổ hộ tịch và mã số công dân có phải là cải cách hành chính hay sẽ gây khó cho dân.

“Ý tưởng tốt, nhưng tính khả thi đến đâu? Hay lại giống như chủ trương trả lương qua tài khoản, nhiều người nói sẽ chống tham nhũng tốt lắm, nhưng liệu có đúng không”, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu.

Theo ông Hiện, quản lý công dân cứ làm như hiện nay cũng quá tốt rồi bởi từng người dân đã có chứng minh thư, hộ khẩu... Liệu có cần thêm sổ hộ tịch? Chưa kể sự lộn xộn ở giai đoạn quá độ, người có sổ, có mã số, người không.

Ông Hiện cho rằng cái khó hiện nay mỗi khi cần chứng minh nhân thân hoặc xác nhận nhân thân không phải do giấy tờ mà do thái độ phục vụ của công chức xã, phường.

Một vị quan chức, bạn ông, có lần cần ra phường xin xác nhận, nhưng chỉ ăn mặc bình thường và vào bộ phận một cửa để làm thủ tục, nhưng chờ hết vị này uống nước xong, lại đến vị kia mà không xong được việc. Ngày hôm sau, rút kinh nghiệm, ông mặc complet, tên tuổi chức vụ đàng hoàng, xách cặp đi thẳng vào ủy ban thì có ngay vị phó chủ tịch phường ra đón tiếp, giấy tờ xác nhận chỉ hơn 10 phút là xong. Theo ông Hiện, cứ làm tốt những việc hiện nay là đủ.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì lưu ý "liên quan đến công dân phải thận trọng”.

Do ý kiến chưa ngã ngũ nên cơ quan soạn thảo đồng ý tạm rút dự án luật về chuẩn bị kỹ hơn để trình QH vào kỳ họp đầu năm 2013, thay vì cuối năm nay như dự kiến.

Lê Nhung