Không quá khó để nhận ra rằng “mạng xã hội Facebook sẽ đóng cửa vào ngày 15/3/2011” chỉ là tin nhảm nhí nhưng nó vẫn lan đi với một tốc độ chóng mặt trên mạng Internet.


Ngày 9/1/2011, chỉ vài giờ sau khi một bài viết với tiêu đề “Facebook sẽ chấm dứt hoạt động vào ngày 15/3” được đăng trên blog “WeeklyWorldNews” nó đã lan đi với một tốc độ “nhanh hơn cả một đám cháy rừng” trên mạng Internet. Tin này ngập tràn các mạng xã hội, trở thành đề tài nóng bỏng tại những diễn đàn mạng… Nhưng nếu chỉ cần bình tĩnh một chút, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy có quá nhiều điểm bất hợp lý trong thông tin mà WeeklyWorldNews tung ra.

Lý do đóng cửa Facebook là gì? Theo Weekly World News, CEO Mark Zuckerberg đã tuyên bố rằng việc “quản lý (Facebook) đã hủy hoại cuộc sống của tôi. Tôi cần phải chấm dứt sự điên rồ này”. Một lý do thật nực cười và phi lý nhưng lại không đủ sức ngăn chặn người ta loan tin một cách hối hả cho bạn bè.

Chưa hết, chỉ cần đọc thêm những bài viết khác bên cạnh tin Facebook đóng cửa, độc giả sẽ thấy Weekly World News toàn đưa tin…vịt. Ví dụ như Mike Tyson (cựu vô địch quyền anh hạng nặng thế giới) là một người thích chơi chim bồ câu hay bà Michelle Obama (phu nhân tổng thống Mỹ) đang có bầu hoặc phi thuyền không gian của người ngoài hành tinh sẽ tấn công trái đất trong năm 2011.

Để tăng thêm sự “đáng sợ” nhằm dọa nạt người dùng nhẹ dạ, Weekly World News còn chế tác cả một phát biểu của người đại diện cho Facebook là Avrat Humarthi, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề về kỹ thuật với tuyên bố: "Nếu bạn muốn xem lại những bức ảnh của mình, tôi đề nghị bạn hãy gỡ chúng khỏi Internet vì bạn sẽ không thể lấy lại chúng sau khi Facebook ngừng hoạt động”.

Weekly World News - Nguồn gốc của tin nhảm

Rất may là trong lúc giới truyền thông chính thức chưa kịp lên tiếng thì những “người tỉnh táo” đã giúp cho sự hoang mang không đi quá xa. Lý do mà họ đưa ra để thuyết phục những người nhẹ dạ rất đơn giản nhưng cũng rất đủ sức thuyết phục: CEO Mark Zuckerberg hiện giờ không thể toàn quyền đưa ra quyết định việc “sống chết” của Facebook bởi đó còn là tài sản trị giá hàng trăm triệu USD của các nhà đầu tư khác. Mới đây nhất là việc ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã nâng tổng số vốn đầu tư của mình vào Facebook thành 450 triệu USD và định giá mạng xã hội có số thành viên đông nhất thế giới này lên tới 50 tỷ USD. Cũng mới đây, tờ Wall Street Joural đưa tin cho biết, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2010, Facebook đã có doanh thu đạt 1,2 tỷ USD, lợi nhuận ròng đạt 355 triệu USD. Liệu có ai muốn từ bỏ một “con gà đẻ trứng vàng” như thế này sau gần 7 năm “nuôi nấng” không?

Nhưng câu chuyện về “Facebook đóng cửa” và sự lan truyền nhanh như điện của nó trên mạng Internet lại nhắc chúng ta về những bài học cơ bản trong cách thức hành xử trực tuyến.

Trước hết, đó là sự cảnh giác trước những độc chiêu đánh lừa người dùng của những kẻ tấn công. Thông thường, chúng sẽ nhúng mã độc vào một địa chỉ web và ngụy trang nó dưới dạng một bài viết hay một nội dung nghe qua rất hấp dẫn hoặc giật gân, bất ngờ, thu hút sự tò mò… để rồi khi ai đó lỡ tay bấm vào đường liên kết (link), coi như họ đã sập bẫy và cầm chắc hệ quả của việc mất cắp thông tin, dữ liệu...

Thứ hai, đó là sự tỉnh táo trên môi trường mạng xã hội. Việc cân nhắc, đánh giá thông tin, xem xét độ tin cậy, tính hữu dụng của thông tin trước khi loan chúng đi trên các mạng xã hội là điều rất cần thiết và đòi hỏi những người dùng phải rất có trách nhiệm. Rốt cuộc thì “Facebook đóng cửa vào ngày 15/3” vẫn cho thấy các mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ thế nào.

Sophos – hãng bảo mật danh tiếng của Anh cũng đã đưa ra 2 bài học quan trọng: Hãy cảnh giác với những nguy cơ lây nhiễm mã độc và Hãy suy nghĩ thật kỹ càng trước khi gửi tin lên các mạng xã hội.

Theo ICTnews