- Các cơ quan chức năng vừa bắt quả tang một vụ trộm cước viễn thông quốc tế chiều về với quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội do các đối tượng quốc tịch Trung Quốc tiến hành.

{keywords}.

Chia sẻ trong cuộc họp giao ban Quý I của Bộ Thông tin & Truyền thông sáng 3/4 tại Hà Nội, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Nguyễn Văn Hùng cho biết, hai đối tượng thực hiện hành vi kinh doanh VoIP trái phép chiều về nói trên là Nong Wei Jie và Su Yong Ri, đều mang quốc tịch Trung Quốc. Trong đó, Su Yong Ri đang là nhân viên kinh doanh của một Công ty Xây dựng có trụ sở ở Thanh Xuân, Hà Nội.

Thanh tra Bộ và Công an đã tiến hành khám sát địa điểm lắp đặt hệ thống thiết bị trộm cước ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính và đường Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, phát hiện hai đối tượng này đã thuê đường truyền tốc độ rất cao (FTTH tốc độ 10Gigabit/giây) của FPT và SIM của các mạng di động để kinh doanh trái phép. Cụ thể, cơ quan chức năng đã tịch thu 6700 SIM trả trước của Viettel cùng 18 bộ SIM truy cập Internet di động, mỗi bộ SIM kết nối được với cùng lúc 8 SIM để chuyển trái phép lưu lượng dữ liệu về Việt Nam.

Đáng chú ý, sau khi bắt giữ và điều tra thêm, lực lượng thanh tra còn truy được 500 SIM trả sau mà các đối tượng sử dụng để kết nối. Cả 500 SIM này đều đăng ký dưới một tên thuê bao duy nhất là Nguyễn Văn Long, sinh năm 1987 ở Thanh Oai (Hà Nội). Cơ quan công an cho biết, hai đối tượng Wei Jie và Yong Ri đều chỉ là đồng phạm còn chủ mưu không có mặt tại Việt Nam.

Thời gian qua, Viettel và VNPT đã tiến hành nâng giá cước thanh toán quốc tế chiều về thêm 2 cent/phút. Với tổng lưu lượng gọi chiều về quốc tế ước tính khoảng 4-5 tỷ phút/năm, doanh thu mà các nhà mạng có thể tăng thêm rơi vào từ 80-100 triệu USD/năm. Việc tăng giá cước này đã được sự chấp thuận của cơ quan quản lý trên cơ sở cân nhắc lợi ích của Nhà nước, nhà mạng cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, đại diện Bộ TT&TT khẳng định. Những hành vi phá giá cước của một số doanh nghiệp, cá nhân dịp gần đây có thể đẩy thị trường tới chỗ cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Theo thống kê của các doanh nghiệp viễn thông, tỷ trọng của kinh doanh lậu không phép hiện lên đến 15-20% tổng lưu lượng chiều về quốc tế của các mạng. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng đây là một tỷ trọng khá lớn và yêu cầu Cục Viễn thông cụ thể hóa bằng văn bản việc phòng chống hiện tượng kinh doanh lậu viễn thông quốc tế chiều về. Thứ trưởng cũng đề nghị các nhà mạng phối hợp chặt chẽ với Bộ, Thanh tra và lực lượng công an để kiểm tra chặt lưu lượng dữ liệu hay khâu đăng ký thông tin thuê bao, nhất là khi các đối tượng chủ yếu kinh doanh lậu thông qua việc sử dụng SIM trả trước.

Y Lam