Chỉ còn 6 ngày tại vị, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đưa thêm một gã khổng lồ điện tử Trung Quốc vào tầm ngắm: Xiaomi, nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới.
Ngày 14/1, Mỹ thêm 9 công ty vào danh sách những doanh nghiệp có liên hệ với quân đội Trung Quốc, nâng tổng số đơn vị trong danh sách này lên 44.
Động thái bất ngờ
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xếp Xiaomi vào danh sách "công ty quân sự của Trung Quốc". Điều này đồng nghĩa với việc “Hạt gạo nhỏ” bị cấm giao dịch và nhận vốn đầu tư từ đối tác Mỹ. Lệnh cấm yêu cầu các nhà đầu tư phải rút toàn bộ vốn khỏi Xiaomi trước ngày 11/11.
Xiaomi bất ngờ bị Mỹ liệt vào danh sách công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Bên cạnh Xiaomi, Mỹ cũng cấm vận thêm 8 công ty khác của Trung Quốc trong đợt này, bao gồm sản xuất máy bay thương mại Comac.
The Verge cho rằng việc một tập đoàn công nghệ thuần túy như Xiaomi bị liệt vào danh sách "công ty quân sự của Trung Quốc" là điều đáng ngạc nhiên. Phần lớn những cái tên khác đều liên quan đến lĩnh vực công nghiệp nặng như hàng không vũ trụ, đóng tàu, hóa chất, viễn thông, xây dựng và các dạng cơ sở hạ tầng khác.
Huawei, nhà sản xuất điện thoại số 2 thế giới, cũng có tên trong danh sách, nhưng Huawei đồng thời là nhà cung cấp thiết bị viễn thông quy mô lớn nhất toàn cầu, nắm công nghệ 5G có tính chất cốt lõi, ảnh hưởng nhiều lĩnh vực.
Danh sách cấm vận của Bộ Quốc phòng Mỹ độc lập với “danh sách thực thể” do Bộ Thương mại ban hành để ngăn các công ty nước này xuất khẩu công nghệ.
Một số công ty Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei, bị xếp vào cả 2 danh sách.
Xiaomi mất gì sau lệnh cấm?
Giới đầu tư Mỹ không được phép góp vốn vào các công ty có tên trong danh sách đen của Bộ Quốc phòng. Họ bị cấm mua cổ phiếu và chứng khoán của các doanh nghiệp như Xiaomi, những người đã đầu tư sẽ phải thoái vốn hiện có trước ngày 11/11, theo Reuters.
Các công nghệ cốt lõi trong điện thoại Xiaomi, từ phần mềm đến phần cứng, đều phụ thuộc vào doanh nghiệp Mỹ. Ảnh: Xiaomi. |
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là danh sách đen này khác với “danh sách thực thể” do Bộ Thương mại ban hành. Vì vậy, không giống như Huawei hay DJI, Xiaomi vẫn có thể nhập khẩu công nghệ, mua các linh kiện và dịch vụ của Mỹ mà không cần giấy phép, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Với tư cách nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, Xiaomi phụ thuộc chặt chẽ vào các công nghệ cốt lõi của doanh nghiệp Mỹ như hệ điều hành Android (Google) và chipset di động Snapdragon (Qualcomm).
Xiaomi cũng sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng khác, nhưng smartphone vẫn là lĩnh vực kinh doanh chủ lực. Vì vậy, nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự Huawei thì Xiaomi thậm chí còn gặp khó khăn hơn.
Vẫn chưa rõ tương lai của Xiaomi sau lệnh cấm này. Reuters cho rằng mọi thứ có thể đảo ngược sau khi ông Biden lên nắm chính quyền vào ngày 21/1. Tuy nhiên, điều đó không chắc xảy ra, thậm chí họ vẫn có thể tiếp tục bị đưa vào danh sách cấm vận của Bộ Thương mại Mỹ, tương tự Huawei.
Ngay sau khi lệnh cấm được công bố, thị trường chứng khoán lập tức có phản ứng tiêu cực. Theo CNBC, cổ phiếu Xiaomi niêm yết tại sàn giao dịch Hong Kong đã giảm 10,6% khi mở cửa vào sáng 15/1.
Tính đến thời điểm này, nhà sản xuất vẫn chưa bình luận gì trước quyết định của chính quyền ông Donald Trump.
Theo Zing/Reuters,The Verge
Huawei sẽ có một năm trầm lắng
Năm nay, Huawei có khả năng ghi nhận kinh doanh 5G sụt giảm, lấn sâu hơn vào phần mềm, trong khi hi vọng mảng smartphone được ‘đặc xá’ dưới thời tân Tổng thống Mỹ.