Việt Nam tham gia chụp bức ảnh đầu tiên về lỗ đen vũ trụ
Các nhà khoa học của dự án Kính thiên văn Chân trời sự kiện (EHT) đã công bố việc lần đầu tiên con người chụp được hình ảnh của một lỗ đen vũ trụ.
Lỗ đen trong tấm ảnh vừa được chụp nằm ở trung tâm thiên hà xa xôi Messier 87 (M87). Đây là một thiên hà khổng lồ trong cụm thiên hà Virgo. Lỗ đen này cách Trái đất khoảng 55 triệu năm ánh sáng và có khối lượng khoảng 6,5 tỉ lần khối lượng Mặt trời.
Hình ảnh lỗ đen đầu tiên con người chụp được. Lỗ đen này cách Trái đất khoảng 55 triệu năm ánh sáng và có khối lượng khoảng 6,5 tỉ lần khối lượng Mặt Trời. Nó nằm ở vị trí trung tâm của thiên hà Messier 87. |
Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, đại diện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, các nhà khoa học Việt Nam cũng tham gia đóng góp vào khám phá quan trọng này. Đó là những chuyên gia hiện đang làm việc tại Đài thiên văn Đông Á mà Việt Nam là một nước thành viên. Đây là một kỳ công được thực hiện bởi một nhóm gồm hơn 200 nhà nghiên cứu.
“Các nhà vật lý thiên văn Việt Nam không trực tiếp phân tích dữ liệu cụ thể từ dự án EHT, nhưng chúng tôi làm việc với dữ liệu ghi nhận được từ Kính thiên văn James Clerk Maxwell của Đài thiên văn Đông Á, một trong những đài thiên văn thành viên của EHT” TS. Phạm Ngọc Điệp, Phòng Vật lý thiên văn và Vũ trụ, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết.
Hình bên trái là hình ảnh mô phỏng bằng đồ họa. Hình bên phải là ảnh chụp thực tế từ dự án Event Horizon Telescope. |
Theo TS. Phạm Ngọc Điệp, những hợp tác quốc tế như vậy mở ra cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam được làm việc với những kính thiên văn hiện đại nhất, những dữ liệu tốt nhất và những dự án tiên phong của khoa học
Kính thiên văn Chân trời sự kiện là hệ kính ảo có kích thước tương đương với Trái đất. Hệ thống này gồm 8 kính thiên văn vô tuyến được thiết kế để chụp ảnh lỗ đen. Đây cũng là hệ kính có độ nhạy và độ phân giải cao nhấ từ trước đến nay.
Thuyết tương đối rộng của Einstein 100 năm vẫn chính xác
Theo các thành viên của dự án Kính thiên văn Chân trời sự kiện, thành công này mở ra một cơ hội cho các nhà khoa học nghiên cứu về lỗ đen. Đây cũng là vật thể lạ lùng nhất trong Vũ trụ.
Trước đó, lỗ đen từng được dự đoán là có tồn tại bởi thuyết tương đối rộng của Einstein. Khám phá này được thực hiện đúng vào dịp kỉ niệm 100 năm thí nghiệm lịch sử lần đầu tiên xác nhận tính đúng đắn của thuyết tương đối rộng.
Lỗ đen là những vật thể vũ trụ khác thường, có khối lượng khổng lồ nhưng lại có kích thước cực kì nhỏ gọn. Sự hiện diện của chúng ảnh hưởng đến môi trường xung quanh theo những cách hết sức cực đoan: làm cong không thời gian và nung nóng đến nhiệt độ siêu cao mọi vật chất quanh nó.
Hình ảnh mô phỏng hố đen siêu khối lượng ở trung tâm thiên hà M87. |
"Nếu đắm mình trong một vùng sáng, như một đĩa khí phát sáng, chúng tôi hy vọng một lỗ đen sẽ tạo ra một vùng tối tương tự như một cái bóng – đây là điều được thuyết tương đối rộng của Einstein dự đoán nhưng chúng ta chưa từng quan sát thấy trước đây", ông Heino Falcke từ Đại học Radboud, Hà Lan, chủ tịch Hội đồng khoa học của EHT giải thích.
Theo ông Heino Falcke: "Bóng của lỗ đen, hiệu ứng gây ra bởi sự uốn cong không gian do hấp dẫn và bắt ánh sáng của chân trời sự kiện sẽ cho chúng ta biết thêm nhiều điều về bản chất của những vật thể hấp dẫn này và cho phép chúng ta đo được khối lượng khổng lồ của lỗ đen ở tâm M87."
Một khi chắc chắn đã chụp được bóng của lỗ đen, các nhà khoa học có thể so sánh kết quả quan sát với các mô hình tính toán đồ sộ có tính đến những hiệu ứng vật lý của sự biến dạng không gian, vật chất siêu nóng và từ trường mạnh. Nhiều đặc điểm của hình ảnh quan sát được cho thấy chúng phù hợp một cách đáng ngạc nhiên với những dự đoán lý thuyết.
Trọng Đạt