Theo Wall Street Journal, Samsung đã chinh phục lại thành công nhiều thị trường đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, sau khi đánh mất vị trí số 1 tại đây trong 2 năm 2014 - 2015.

"Đại gia di động Hàn Quốc đang tìm cách khôi phục lại ngôi vị của mình ở những thị trường này. Một chiến lược đơn giản đang giúp hãng tìm lại được thị phần đã mất", WSJ phân tích. Bằng cách giảm giá bán ra của các mẫu điện thoại, công việc kinh doanh của hãng đang khởi sắc và hấp dẫn khách hàng trở lại. Lấy thí dụ, họ máy Galaxy J giá rẻ mang đến cho người dùng một số tính năng vốn chỉ có ở các model cao cấp của Samsung, nhưng giá bán khởi điểm chỉ có 130 USD.

Thế nhưng rõ ràng là chiến lược này tuy hiệu quả, cái giá phải trả cũng không hề nhỏ.

{keywords}
Giá bán trung bình giảm nhanh của smartphone Samsung, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận mà hãng có thể bỏ túi.

Tỷ suất lợi nhuận của Samsung sẽ bị ảnh hưởng nặng do giá bán sản phẩm hạ thấp.Giới phân tích phố Wall đánh giá, việc tăng sức cạnh tranh bằng giảm giá tại các thị trường mới nổi không phải là giải pháp dài hạn cho Samsung. Lợi nhuận Q4/2015 của mảng smartphone tại Samsung đã giảm tới 60% so với thời điểm 2 năm trước.

Năm ngoái, tỷ suất lợi nhuận ròng của Samsung là 8.9%, thấp xa so với con số 40% của đại địch Apple. Nó cũng giảm mạnh so với mức 16.1% mà Samsung lập được vào năm 2013. Các quan chức Samsung hứa rằng họ có thể tăng tỷ suất lên bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất, cũng như tinh gọn danh mục sản phẩm tung ra thị trường. Tuy vậy, hãng cũng thừa nhận việc giảm giá vật liệu sản xuất không thể tiến hành chỉ trong một sớm một chiều.

Lĩnh vực duy nhất mà Samsung có thể kiểm soát nhanh hơn là giá bán. Hiện điện thoại của Samsung có giá cao hơn khoảng 25% so với những con dế nội địa do Ấn Độ sản xuất, thay vì mức 40% như trước đây. Việc này giúp hãng trở lại với ngôi vị hãng smartphone số 1 thị trường Ấn Độ, song chắc chắn, Samsung sẽ cần phải cải thiện tỷ suất lợi nhuận hoặc tiết kiệm chi phí sản xuất nếu như không muốn tự "mỡ mình rán mình".

Tương tự, tại Indonesia, nơi Samsung từng có một thời gian ngắn bị hạ bệ bởi đối thủ giá rẻ Evercoss Indonesia trong quý II năm ngoái, hãng cũng đã giành lại được vị trí số 1 trong quý III nhờ Galaxy J. Tuy vậy, giá bán sỉ bình quân của smartphone Samsung cũng đã giảm xuống chỉ còn 145 USD trong 9 tháng đầu năm 2015, rẻ hơn khoảng 25% so với cách đấy một năm.

Còn tại Trung Quốc, nơi Samsung tụt xuống vị trí số 6 về thị phần hồi năm ngoái, hãng đã tung ra họ máy Galaxy A tầm trung với nhiều tính năng mạnh ngang ngửa smartphone cao cấp. "Những ngày tồi tệ nhất đã qua. Doanh số tại Trung Quốc chắc chắn sẽ có sự bật lại trong vài tháng tới", Samsung khẳng định. 

Việc Samsung dồn lực mạnh tay cho phân khúc smartphone giá rẻ là một canh bạc dễ dàng biến thành một cuộc chạy đua vũ trang giữa các đại gia quốc tế với các đối thủ nội địa. Xiaomi hồi tháng 2 đã ra mắt một mẫu smartphone đầu bảng hoàn toàn mới, sử dụng cùng một chipset tối tân mà các smartphone cao cấp của Samsung đang dùng - nhưng giá chỉ có 250 USD. Tháng 3 vừa qua, Apple cũng tung ra iPhone SE với giá 399 USD, đảm bảo rằng cuộc chiến giá smartphone sẽ thập phần quyết liệt trong năm nay.

Hôm thứ Năm tuần trước, Samsung cho biết lợi nhuận dự kiến của hãng trong quý I/2016 là 6,6 nghìn tỷ won, nhờ sự ăn khách của bộ đôi Galaxy S7 mới. Nhưng kể cả với cú hích đó, lợi nhuận chắc chắn vẫn không tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch Bin Lin của Xiaomi cũng nói cứng rằng, ông không lo ngại về giá bán của loạt smartphone Samsung mới, bởi Samsung chỉ có thể cạnh tranh về giá bằng cách tự thu hẹp lại lợi nhuận của mình. "Chi phí của họ tốn kém hơn chúng tôi. Đó là một chiến lược không bền vững về dài hạn", Lin bình luận. Hơn nữa, nguy cơ đối với Samsung là việc chạy đua về giá cũng làm xói mòn hình ảnh của hãng như là một thương hiệu cao cấp.

T.C