"Người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh đang là ''tâm điểm'' của mạng xã hội những ngày gần đây với hành động dũng cảm, không màng hiểm nguy để cứu sống bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A chung cư.
Từ một người làm nghề lái xe tải ít ai biết đến, Mạnh bỗng chốc trở nên nổi tiếng. Trang Facebook cá nhân của anh thu hút gần 30.000 lượt theo dõi, cùng hàng nghìn bạn bè mới.
Mạnh cũng được cộng đồng mạng ngưỡng mộ, đặt cho những cái tên thể hiện sự trìu mến, thán phục như ''người hùng không khoác áo choàng'', ''siêu nhân'', "siêu Mạnh"..
Như thường lệ, khi có bất kỳ ai trở nên nổi tiếng, thì danh tính của họ bỗng nhiên được ..."cấp số nhân" trên mọi nền tảng mạng xã hội, giải trí.
Bằng những từ khóa cơ bản, chúng ta có thể tìm thấy hàng loạt tài khoản Facebook, Instagram, TikTok,... có tên Nguyễn Ngọc Mạnh, thu hút từ hàng trăm, tới hàng chục ngàn lượt theo dõi.
Đặc điểm của các tài khoản này là đều tự nhận mình là "bản thật", thậm chí còn dẫn về đúng Facebook cá nhân của Nguyễn Ngọc Mạnh để tăng thêm độ tin cậy.
Cá biệt có tài khoản Tiktok mang tên manh.ngoc.330 đã nhanh chóng thu hút hơn 200 ngàn lượt follow chỉ sau ít ngày thành lập. Trong đó, một video có nội dung Mạnh được vợ tặng áo khoác, đăng tải hôm 2/3, đã nhanh chóng thu hút hơn 7,2 triệu lượt xem và hàng trăm lượt thích.
Bên cạnh đó, nhiều video khác trong tài khoản này cũng thu hút trung bình từ 400 - 500 ngàn lượt truy cập.
Trên "mặt trận" Facebook, cũng dễ dàng tìm thấy hàng chục, cho tới hàng trăm group, fanpage được tạo kèm từ khóa như "Người hâm mộ Nguyễn Ngọc Mạnh", "Nguyễn Ngọc Mạnh người hùng", "Nguyễn Ngọc mạnh Fanclub",... mọc lên "như nấm".
Theo tìm hiểu của Dân trí, đây thực chất là một số page bán hàng, chia sẻ kiến thức, lối sống,... được đổi tên và ảnh đại diện thành Nguyễn Ngọc Mạnh để nhằm thu hút người tham gia.
Một số trang còn đăng kèm số tài khoản ngân hàng, ví điện tử,... kèm theo lời cảm ơn tới người hâm mộ, trong khi "chính chủ" để chuộc lợi bất chính, cũng như đã làm mất đi hình ảnh của "người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh.
Dường như đã lường trước tình trạng này, chị Thùy - vợ "người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh vào ngày 2/3 đã lên tiếng cảnh báo cộng đồng mạng trên Facebook.
Chị cho biết chồng chỉ dùng duy nhất một Facebook có tên "Nguyễn Ngọc Mạnh", không có tài khoản mạng xã hội nào khác. Đồng thời cũng không nhận đại diện cho bất kì sản phẩm quảng cáo, hay lập fanpage, Tiktok.
Bên cạnh đó, chị cũng cho biết gia đình không chia sẻ số tài khoản ngân hàng hay thông tin cá nhân nên những thông tin trên mạng xã hội đều là giả mạo.
Trên thực tế hiện nay, tình trạng giả mạo tài khoản Facebook diễn ra khá phổ biến và nạn nhân thường là những người nổi tiếng. Mục đích của kẻ xấu đó là nhằm lợi dụng danh tiếng của "nạn nhân" để quảng cáo, bán hàng, lừa đảo nạp thẻ, chiếm đoạt tài sản hay tệ hơn nữa là bôi nhọ, vu khống người khác…
Tháng 10/2020, một nhóm tội phạm người Việt bị phát hiện đã lấy hình ảnh của người nổi tiếng và người ở nước ngoài, từ đó lập facebook, Zalo, Viber ảo, lừa bán hàng và chiếm đoạt số tiền 16 tỉ đồng.
Luật pháp Việt Nam cũng quy định việc mạo danh, giả danh cá nhân, tổ chức để lừa đảo hoặc thực hiện các giao dịch dân sự, hành chính là hành vi bị pháp luật ngăn cấm và chế tài.
Tuy nhiên từ việc lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của nạn nhân, một số kẻ xấu đã dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích và dạng tội phạm này đang có xu hướng gia tăng khi tận dụng sự tiến bộ, phát triển của công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo.
Chia sẻ với báo chí, Nguyễn Ngọc Mạnh cũng cho biết sau khi vụ việc cứu bé gái rơi từ tầng 12A chung cư được lan truyền rầm rộ trên mạng xã hội, có rất nhiều người liên lạc ngỏ ý muốn chuyển tiền để cảm ơn nhưng anh và gia đình đều từ chối.
Theo Dantri
Ảnh chế, "bão like" ca ngợi người cứu cháu bé rơi từ tầng 12
Mạng xã hội từ đêm qua đã ngập tràn những bức ảnh chế ca ngợi hành động dũng cảm của anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, Hà Nội) vì hành động cứu cháu bé ngã từ tầng 12 thoát hiểm trong gang tấc.