Phụ huynh có nên lo lắng về Thử thách Momo?
Câu chuyện về Momo Challenge mới xuất hiện thời gian gần đây khi một tờ báo ở Indonesia cho biết một cô bé đã tự tử sau khi tham gia Thử thách Momo trên WhatsApp. Nhiều kênh truyền thông cho rằng thử thách này là nguyên nhân dẫn tới cái chết cho cô bé.
Trước tin đồn về việc xuất hiện hàng loạt các video có nội dung tương tự trên Youtube, nhiều bậc phụ huynh cho biết họ đang cảm thấy thực sự lo lắng.
Thế giới mới chỉ ghi nhận một trường hợp về cô bé Callie ở Anh hoảng loạn đến mức đập đầu vào tường, không dám đi vệ sinh một mình và nằm mơ thấy ác mộng sau khi tiếp xúc với Momo. Một bé gái 5 tuổi khác cũng tại Anh đã tự cắt tóc mình sau khi nghe theo Momo xúi dại. Ngoài ra là 2 trường hợp tự sát của các em bé 12 và 16 tuổi ở các quốc gia Châu Mỹ.
Momo Challenge hay Thử thách Momo được cho là có tác động mạnh tới sự phát triển tâm sinh lý của trẻ nhỏ. |
Tuy vậy, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức về các nạn nhân của Thử thách Momo. Bên cạnh đó, số lượng nạn nhân của Momo hiện mới chỉ dừng lại ở một vài trường hợp lẻ tẻ. Con số này thấp hơn rất nhiều thống kê về số lượng trẻ em bị điện giật hay đuối nước. Do đó, các bậc phụ huynh không nên lo lắng thái quá về những tin đồn liên quan đến Thử thách Momo.
Làm sao để bảo vệ trẻ trước Momo và các nội dung xấu trên mạng?
Thực tế cho thấy trong thời đại số, xung quanh các em nhỏ xuất hiện nhiều mối nguy hiểm gây tác hại lớn hơn rất nhiều so với Momo. Giống như thuốc lá, đó là những hiểm họa không hiện hữu ngay trước mắt mà có tác hại tích lũy một cách lâu dài.
Dễ nhận thấy nhất là việc trẻ em hiện nay được tiếp cận với các thiết bị di động từ quá sớm. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, trẻ em là đối tượng dễ chịu những ảnh hưởng xấu của bức xạ điện từ trên điện thoại di động hơn nhiều so với người lớn. Điều này dẫn tới các ảnh hưởng về sức khỏe như việc rối loạn nhịp tim, giảm khả năng tập trung, thoái hóa hệ thần kinh,...
Do hệ thần kinh còn non nớt, trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi sóng điện từ phát ra từ các thiết bị di động. |
Không những vậy, điện thoại di động rất ít khi được vệ sinh. Do đó, đây là nơi trú ngụ lý tưởng cho các mầm bệnh. Việc tiếp xúc với các thiết bị di động từ sớm trong khi cơ thể chưa thực sự phát triển toàn diện cũng kéo theo nhiều vấn đề về mắt. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới việc tỷ lệ cận thị ở trẻ em có xu hướng ngày một gia tăng.
Việc gây ám thị của các đoạn video có nội dung xấu trên Internet chỉ là một trong số vô vàn nguy cơ mà trẻ em phải đối mặt khi tiếp xúc với các thiết bị di động từ lúc còn quá nhỏ. Các đoạn video liên quan tới Thử thách Momo cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong kho nội dung xấu đang trôi nổi trên Internet.
Do vậy, thay vì lo lắng bởi tin đồn liên quan tới Thử thách Momo, điều mà các bậc phụ huynh cần làm là hạn chế thời gian xem TV cũng như các thiết bị di động của trẻ.
Thay vì lo lắng bởi các tin đồn thất thiệt về Thử thách Momo, các bậc phụ huynh nên cách ly bé khỏi các thiết bị di động khi còn quá nhỏ, giao tiếp với con và đưa trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời để phát triển khả năng nhận thức. |
Cha mẹ cũng không nên lạm dụng các thiết bị di động và những đoạn video trên Youtube như một công cụ để dỗ con. Việc cách ly bé với môi trường này cho đến khi bé có nhận thức đầy đủ là hành động cần thiết. Cha mẹ cũng có thể chủ động trong việc chọn lựa nội dung thông tin cho con mình thay vì phó mặc điều đó cho công cụ gợi ý của Youtube.
Hơn hết, các bậc phụ huynh nên giao tiếp nhiều hơn với các bé, cùng bé tham gia các hoạt động ngoài trời, từ đó hình thành cho bé một nền tảng tư duy rộng mở và khả năng giao tiếp tốt. Không có phương pháp bảo vệ trẻ em nào tốt hơn việc giáo dục và nâng cao khả năng nhận thức cho trẻ. Nếu làm được điều đó, không chỉ Thử thách Momo mà tất cả các nội dung xấu trên Internet sẽ không phải là điều đáng lo ngại.
Trọng Đạt