Theo WSJ hôm 11/8, TikTok - ứng dụng quay video nổi tiếng thế giới – bị “tố” lén lút thu thập dữ liệu người dùng từ những smartphone chạy hệ điều hành Android, vi phạm chính sách bảo mật của cửa hàng ứng dụng Google.
Theo đó, ứng dụng này được cho là đã ghi lại thông tin địa chỉ MAC – một nhận dạng kỹ thuật số cố định có trên mỗi chiếc điện thoại thông minh cho phép công ty mẹ của TikTok là ByteDance theo dõi người dùng ngay cả khi họ đã thay đổi cài đặt quyền riêng tư.
Ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức đặt bút ký sắc lệnh về ứng phó "mối đe dọa" đến từ TikTok. Ảnh: Fox Business. |
Dựa vào những phân tích của WSJ, các phiên bản cập nhật trước đây của TikTok đã có hành vi thu thập địa chỉ MAC trên điện thoại người dùng trong ít nhất 15 tháng . Tuy nhiên, hành động này được cho là đã dừng lại sau khi ứng dụng này phát hành bản cập nhật mới vào tháng 11/2019.
Theo thống kê của Sensor Tower, TikTok đang sở hữu 89 triệu lượt tải về từ cửa hàng ứng dụng Google Play tại Mỹ.
“Chúng tôi cam kết bảo vệ quyền riêng tư và an toàn của cộng đồng sử dụng TikTok. Để bắt kịp với những thách thức bảo mật ngày một phát triển, chúng tôi đã liên tục cập nhật và phiên bản hiện tại của TikTok không thu thập địa chỉ MAC. Chúng tôi luôn luôn khuyến khích người dùng tải xuống phiên bản mới nhất”, đại diện của TikTok chia sẻ với Business Insider.
Từ năm 2015, Google đã cấm các nhà phát triển ứng dụng có hành vi thu thập địa chỉ MAC của người dùng, chính sách này vốn được Apple áp dụng từ lâu trước đó. Các chuyên gia bảo mật cho biết, TikTok đã qua mặt các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của hệ điều hành Android bằng cách khai thác một lỗ hổng và che giấu dấu vết thông qua một lớp mã hóa bổ sung.
“Chúng tôi đang điều tra những tuyên bố này”, đại diện TikTok lên tiếng.
Ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức đặt bút ký sắc lệnh về ứng phó "mối đe dọa" đến từ TikTok, cấm mọi giao dịch giữa Mỹ với ByteDance, công ty Trung Quốc hiện sở hữu ứng dụng này.
Với thời hạn 45 ngày cho đến ngày 15/9, TikTok đang không có trong tay nhiều sự lựa chọn và phải đối mặt với khả năng “bán mình” cho một công ty Mỹ trước khi bị cấm cửa khỏi thị trường tiềm năng này.
Từ lâu, TikTok đã phải nhận nhiều cáo buộc do nghi ngờ có hành vi cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc, dấy lên nhiều làn sóng tranh cãi. Cái mác “Made in China” là một trong những lý do mà TikTok phải hứng chịu làn sóng tẩy chay từ các thị trường lớn trên thế giới như Ấn Độ.
“Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp bất kỳ dữ liệu nào cho chính phủ Trung Quốc và cũng sẽ không hành động như vậy nếu được yêu cầu”, người phát ngôn của TikTok cho biết.
Theo những nghiên cứu gần đây của các chuyên gia, TikTok đã không còn xâm phạm vào dữ liệu người dùng nhiều như mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng khẳng định vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh chính phủ Trung Quốc đã từng “rình mò” dữ liệu của người dùng Mỹ thông qua TikTok.
Với ông Trump, kể từ khi ban hành lệnh trừng phạt lên TikTok và công ty mẹ ByteDance, giới chuyên gia đã nhiều lần bày tỏ sự nghi ngờ về tính hợp pháp của quyết định này liệu có vi phạm Tu chính án thứ nhất về các hoạt động kiểm duyệt của chính phủ.
Phản ứng với sắc lệnh mà Tổng thống Donald Trump vừa ký, TikTok cho biết họ sẽ kiện Tổng thống Mỹ để đảm bảo sự công bằng của pháp luật.
Theo Zing
Mark Zuckerberg run sợ trước viễn cảnh Mỹ cấm TikTok
Là đối thủ trên thị trường mạng xã hội, ai cũng cho rằng Mỹ cấm TikTok sẽ mang lại lợi thế cho Facebook. Tuy nhiên, có vẻ như CEO Mark Zuckerberg lại đang có suy nghĩ khác.