Hàng loạt sóng gió ập tới
Vào ngày 9/2, Sở Việc làm Công bằng và Nhà ở California (DFEH) đã đệ đơn kiện Tesla về cáo buộc phân biệt chủng tộc tại nhà máy ở Fremont sau khi nhận được hàng trăm đơn khiếu nại và tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 32 tháng. Các nhà quản lý nói rằng công nhân da đen bị nói xấu và cô lập, đồng thời bị giao những công việc nặng nhọc nhất, không được thăng tiến và trả lương thiếu công bằng.
Một tháng đầy sóng gió với Elon Musk |
Tesla đã tuyên bố rằng họ phản đối sự phân biệt đối xử và quấy rối, đồng thời khẳng định rằng DFEH tấn công Tesla, doanh nghiệp đã cống hiến nhiều điều tốt đẹp cho California, một cách ngớ ngẩn.
Một ngày sau đó, Hiệp hội Bác sĩ về Y học có trách nhiệm (PCRM) đã đệ đơn khiếu nại công nghệ thần kinh Neuralink của Elon Musk lên Bộ Nông nghiệp Mỹ với cáo buộc ngược đãi động vật. PCRM đã thu được hồ sơ chỉ ra rằng các thí nghiệm cố gắng cấy chip máy tính vào não của những con khỉ khiến chúng đau khổ tột độ, trong số 23 con khỉ tham gia thí nghiệm, 15 con được báo cáo là đã chết.
Các nhân viên bị cáo buộc không chăm sóc thú y đầy đủ cho những con khỉ khiến chúng bị co giật và nhiễm trùng do biến chứng của ca phẫu thuật cấy ghép não. Neuralink xác nhận những con khỉ bị chết nhưng bác bỏ cáo buộc đối xử tàn ác với động vật.
Cũng trong khoảng thời gian này, SpaceX thông báo 40 trong số 49 vệ tinh được phóng vào ngày 3/2 đã bị đánh sập do ảnh hưởng từ bão mặt trời. Vụ việc có thể khiến công ty thiệt hại lên tới 100 triệu USD..
Tesla cũng thông báo thu hồi 578.607 xe sau khi Cục An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) xác định rằng Boombox - tính năng cho phép tùy chỉnh phát âm thanh qua loa ngoài gây nguy hiểm cho người đi đường.
Trong tuần này, NHTSA cũng thông báo đã mở một cuộc điều tra đối với Tesla sau khi nhận được 354 đơn khiếu nại về phanh ảo, lỗi khiến xe đột ngột dừng lại ngay cả khi không có chướng ngại vật nào.
Bình thản đối mặt
Lần cuối cùng mà Elon Musk gặp nhiều rắc rối như vậy là vào khoảng năm 2019, khi ông phải đối mặt với một loạt các vụ bê bối, nhưng hậu quả dường như không “thấm” vào đâu với tỷ phú.
Điển hình như ngay sau khi Elon Musk hút cần sa trên chương trình Joe Rogan Experience, NASA đã tiến một cuộc điều tra an toàn tại SpaceX, đảm bảo nhân viên không sử dụng chất kích thích, nhưng kết quả là NASA mất 5 triệu USD cho các chi phí khám xét.
Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) cũng kiện Musk vì những dòng tweet về việc đưa Tesla trở thành công ty tư nhân. Cuối cùng, Musk bị phạt 40 triệu USD và SEC sẽ giám sát một số bài viết của ông trên mạng xã hội. Điều này nhìn chung không ảnh hưởng gì đến sự giàu có và thành công của tỷ phú.
Đồng thời, Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia xác định rằng Tesla đang vi phạm luật lao động, nhưng biện pháp khắc phục chỉ đơn giản là Musk xóa một tweet và công ty thuê lại một nhân viên mà họ đã sa thải.
Elon Musk cũng thắng một vụ kiện phỉ báng mà các chuyên gia pháp lý chắc chắn rằng ông sẽ thua, sau khi ông gọi một thợ lặn người Anh là kẻ ấu dâm.
Cách vượt qua sóng gió
Làm thế nào Elon Musk đã vượt qua hàng loạt những bê bối trong suốt những năm qua để giữ vững vị trí người giàu nhất thế giới của mình?
Rõ ràng lợi thế đầu tiên đó là do Elon Musk là người giàu nhất trên thế giới, nên các khoản tiền phạt dường như không thực sự có nghĩa lý gì với sự giàu có của ông.
Ngoài ra, Musk có tư duy điều phối các nguồn lực của mình để “san bằng” sự chống đối và định hướng dư luận. Ryan Mac của tờ New York Times cho biết Elon Musk rất tài tình trong việc “bẻ cong” thực tế. Đó là thứ mà tỷ phú sử dụng để thuyết phục một kỹ sư hoàn thiện một bộ phận ô tô trong nhiều ngày liên tục hoặc khiến một nhân viên quan hệ công chúng nhanh chóng xóa sổ ngay những tin đồn bất lợi.
Một cựu giám đốc điều hành của Tesla cũng chia sẻ rằng: “Elon có một khả năng kỳ lạ là kể một câu chuyện mà anh ấy muốn trở thành sự thật, thuyết phục bản thân rằng nó phải là sự thật, và sau đó thuyết phục người khác”.
Tháng Hai ập đến với một loạt bê bối chồng chất mà nhiều người cho rằng Elon Musk phải từ chức mới có thể giải quyết được. Nhưng bất kỳ ai theo dõi sự nghiệp của Musk đều biết rằng ngay cả khi tất cả những “cơn bão lửa” xảy ra cùng lúc cũng không dễ “thiêu đốt” được ông.
Hương Dung (Theo Slate)
Tại sao các CEO như Elon Musk, Steve Jobs lại không xem trọng bằng cấp?
Nhiều CEO, tỷ phú nổi tiếng thế giới đều bỏ học đại học và thẳng thừng tuyên bố sẵn sàng chào đón những người tài mà không cần bằng cấp.