{keywords}
Nhà mạng dùng dịch vụ VAS để tăng thời gian người dùng dành cho thiết bị di động, bán thêm được các dịch vụ khác cho khách hàng.

Nhà mạng cần dịch vụ nội dung để tăng doanh thu 

Với việc phải cạnh tranh khốc liệt với ngày càng nhiều các ứng dụng OTT như Messenger, VoIP và WhatsApp, cũng như các ứng dụng di động và TV kết nối Internet, các nhà mạng không thể tạo khác biệt nếu chỉ dựa trên cơ sở hạ tầng và hoạt động. Các ứng dụng truyền thông xã hội, đặc biệt là Google và Facebook, thống trị thị trường truyền thông nên mọi người không còn dựa vào nhà mạng nhiều như trước đây khi cần liên lạc.

Tiếp đó, yêu cầu về băng thông ngày càng lớn trước sự ra đời của Internet of Things, 5G và các công nghệ khác dẫn đến các nhà mạng phải đảm bảo nâng cấp gần như liên tục cơ sở hạ tầng của họ chỉ để theo kịp nhu cầu, trong khi cơ sở hạ tầng đó không còn quan trọng đối với tăng trưởng và lợi nhuận như trước. Nhà mạng khó tồn tại lâu nếu không áp dụng 5G trong tương lai gần.

Đồng thời, nếu cần số hóa, các ngành đều phải phụ thuộc hạ tầng, ứng dụng của nhà mạng. Khi doanh thu viễn thông truyền thống gặp áp lực, nhà mạng cần phải nhanh chóng triển khai các mô hình kinh doanh số hóa mới để tham gia vào việc chuyển đổi số của toàn cầu. Trước tiên, nó phải mở khóa giá trị của mình thông qua cuộc chuyển đổi số của riêng mình.

Một phần trong quá trình chuyển đổi số viễn thông là ứng dụng các dịch vụ giá trị gia tăng (VAS) do các nhà cung cấp nội dung (CP) cung cấp, để gia tăng lợi nhuận từ nguồn thu mới và mô hình lại các trải nghiệm khách hàng.

VAS làm lợi cho cả nhà mạng và khách hàng của họ. Các nhà mạng cung cấp dịch vụ gia tăng trên nền chức năng chính, mang đến sự thuận tiện cho khách hàng, giúp nhà mạng tiết kiệm cả thời gian và chi phí. Nhà mạng dùng VAS để tăng thời gian người dùng dành cho thiết bị di động, bán thêm được các dịch vụ khác cho khách hàng, tạo ra sự hòa hợp trong các dịch vụ mà nhà mạng cung cấp và tạo ra yếu tố khác biệt, thu hút thêm nhiều khách hàng hơn.

Trong thời đại 4.0, nhiều hãng viễn thông bắt đầu theo đuổi các luồng doanh thu mới để duy trì lợi nhuận. Chẳng hạn, Verizon tăng khả năng tiếp cận qua truyền thông, Orange S.A đưa ra nhiều dịch vụ tài chính, ngân hàng di động.

Nhà mạng chia sẻ tới 70% doanh thu cho các CP

Hội nghị thượng đỉnh ConnecTechAsia năm 2019 được tổ chức tại Singapore đặc biệt chú trọng vai trò trung tâm của các công ty công nghệ và nhà mạng trong việc xây dựng sự tăng trưởng của người dùng, phát triển các mô hình kiếm tiền tốt hơn và giảm tỷ lệ gián đoạn cho các nhà cung cấp nội dung ở Châu Á. Mối quan hệ cộng sinh mà những người tạo nội dung đã tạo dựng với các công ty viễn thông và công nghệ trong khu vực trở nên đặc biệt mạnh mẽ. Khi thị trường phát triển, các mô hình kinh doanh chia sẻ doanh thu cũng tăng để giúp duy trì các loại quan hệ đối tác này.

Rohan Tiwary, người đứng đầu Đối tác Phát thanh, Truyền thông & Giải trí của Google tại Châu Á Thái Bình Dương, lưu ý rằng việc tạo ra các mô hình thỏa thuận tiến bộ là rất quan trọng để có thể hỗ trợ nhu cầu của các nhà cung cấp nội dung khi có nhiều lựa chọn và kiểm soát hơn, cũng như các thể loại và định dạng mới xuất hiện.

Một câu hỏi đặt ra sau khi tập trung phát triển dịch vụ nội dung, thì nhà mạng nước ngoài sẽ chia sẻ doanh thu như thế nào cho các CP? Có rất nhiều mô hình kinh doanh và tỷ lệ ăn chia, tuy nhiên thông thường tỷ lệ CP sẽ nhận được là 70% và nhà mạng thu 30%.

Tại Nhật Bản và Châu Âu, tỉ lệ ăn chia từ 65% tới 85%, ưu tiên nhà cung cấp dịch vụ VAS. Đơn cử, tại Nhật Bản, nhà mạng NTT Docomo đã chia sẻ 70% doanh thu với các công ty VAS. Điều này sẽ giúp cho các CP có đủ tiền để đầu từ sáng tạo nội dung và đem đến nhiều dịch vụ cho khách hàng. Vodafone India là nhà mạng duy nhất tại Ấn Độ chia sẻ doanh thu 70% với công ty VAS – nhưng chỉ áp dụng với dịch vụ D2C. Dịch vụ D2C cho phép thuê bao sử dụng dịch vụ trực tiếp từ Internet bằng smartphone, chẳng hạn một người có thể tải bài hát từ cổng Hungama trên điện thoại bằng mạng Vodafone.

Tại Trung Quốc, năm 2015, China Mobile điều chỉnh cho nhà cung cấp dịch vụ nắm 85%, chỉ khi họ tự marketing và chăm sóc khách hàng liên quan tới các sản phẩm VAS. Nếu không, China Mobile sẽ nắm từ 30 tới 50%.

Trong khi các nhà mạng thế giới đang dành tỷ lệ ăn chia tốt hơn cho các CP, thì tại Việt Nam các CP đang nhận trung bình khoảng 30%, thậm chí có CP chỉ nhận được tỷ lệ ăn chia là 25% doanh thu. Vì vậy, các CP cho rằng với tỷ lệ này không đủ cho các CP tái đầu tư cho các nội dung mới hấp dẫn để cung cấp cho các khách hàng của nhà mạng. Vì thế nhiều CP đã lựa chọn con đường rời bỏ cuộc chơi này. Vì vậy, điều này đang đặt ra một nguy cơ là các nhà mạng sẽ không có nội dung phong phú để cung cấp cho khách hàng của mình và cũng ảnh hưởng đến chính nguồn thu của các nhà mạng, khi khách hàng không sử dụng dịch vụ nội dung, do chúng quá nghèo nàn.

 Du Lam - Thái Khang 

Thế giới mở cửa chào đón CP để hình thành hệ sinh thái mạnh

Thế giới mở cửa chào đón CP để hình thành hệ sinh thái mạnh

Quy mô thị trường dịch vụ giá trị gia tăng di động toàn cầu ước đạt hơn 700 tỷ USD năm 2022. Trong bối cảnh đó, các nhà mạng trên thế giới đang tích cực thúc đẩy sự hình thành của một hệ sinh thái MVAS.