Người đàn ông đeo khẩu trang, mang kính, đầu đội mũ bảo hộ trắng cầm máy quay đi dọc theo lối vào nhà kho. Anh ta hướng ống kính đến dãy máy đào, chằng chịt cáp kết nối Internet. “Đây là lô hàng dành cho bạn, nó vẫn còn mới, thậm chí chưa bắt đầu khai thác Bitcoin”, người này cất giọng giới thiệu bằng tiếng Quan Thoại.
Những mỏ đào Bitcoin khổng lồ bắt đầu di tản khỏi Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Đoạn video cùng lời chào mua được gửi đến một doanh nhân kinh doanh tiền mã hóa sống ở Thụy Sĩ.
Theo Wired, đây là hoạt động đang diễn ra thường xuyên trong 2 tuần qua tại Trung Quốc. Cuộc di tản các mỏ đào Bitcoin khổng lồ khỏi quốc gia đông dân nhất hành tinh đã bắt đầu.
Từ lâu, Trung Quốc đã trở thành trung tâm khai thác Bitcoin của thế giới. Theo số liệu từ Đại học Cambridge, tính đến tháng 4/2021, hơn 65% mỏ đào Bitcoin đặt tại quốc gia này. Tuy nhiên, mọi chuyện đột ngột thay đổi kể từ ngày 21/5, sau thông điệp rõ ràng của chính phủ: kiểm soát chặt việc khai thác và giao dịch Bitcoin.
Cuộc tháo chạy vội vã
Theo Robert Van Kirk, Giám đốc điều hành Kaboomracks - sàn giao dịch thiết bị khai thác tiền mã hóa có trụ sở tại Mỹ, các “thợ mỏ” Trung Quốc đang điên cuồng bán tháo máy móc của họ, mặc dù thông báo của chính quyền chưa hiệu lực tức thì.
“Những người khai thác nhận ra rằng hoạt động ở Trung Quốc có thể rủi ro hơn so với dự tính. Vì vậy, họ quyết tâm rời đi", Van Kirk cho biết.
Các giàn khai thác Bitcoin đã qua sử dụng được rao bán với giá rẻ, thậm chí thấp hơn tới 40% thông thường. Cách đây ít hôm, nhà sản xuất Canaan của Trung Quốc tiết lộ giá máy đào đã giảm khoảng 20-30% kể từ đầu tháng 5.
Didar Bekbauov là người sáng lập Xive - công ty có trụ sở tại Kazakhstan, chuyên giúp các thợ mỏ tìm kiếm nơi đặt máy và hợp đồng mua điện ở Trung Quốc.
Trong 2 tuần qua, mỗi ngày Bekbauov nhận được hàng loạt cuộc gọi từ đại diện của các công ty khai thác tiền mã hóa tại Trung Quốc, tìm cách chuyển đến Kazakhstan.
Hơn 65% cơ sở khai thác tiền mã hóa đang đặt tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
“Những người này chờ Trung Quốc thông báo rõ ràng và họ tìm kiếm phương án B, trong trường hợp chính phủ hạn chế hoặc cấm hoàn toàn việc khai thác”, Bekbaouv nói.
Kazakhstan chiếm hơn 6% sản lượng khai thác tiền mã hóa trên thế giới. Các mỏ đào ở đây được hưởng lợi nhờ điện than rẻ và khí hậu tương đối lạnh.
Một lợi thế khác là quốc gia này giáp với khu vực Tân Cương, nơi diễn ra hơn 1/3 hoạt động khai thác tiền mã hóa tại Trung Quốc. Bekbaouv ước tính các mỏ đào tại quốc gia này sẽ tăng gấp đôi công suất trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng có thể Kazakhstan chỉ là điểm trung chuyển của các thợ đào trong quá trình tìm kiếm những khu vực lý tưởng để xây dựng lại hệ thống khai thác đắt đỏ.
Gian nan tìm miền đất hứa
Chỉ trong vòng vài giờ sau tuyên bố hôm 21/5 của chính quyền Trung Quốc, ông Alex Brammer, Phó chủ tịch công ty kinh doanh tiền mã hóa Luxor Tech (Mỹ) bắt đầu bị các thợ đào “dội bom” điện thoại.
“Hàng loạt cuộc gọi từ những công ty khai thác rất lớn, họ tìm kiếm vị trí đặt máy đào trên khắp Bắc Mỹ”, Alex Brammer cho biết. “Chúng tôi nhận được các câu hỏi kiểu như: Bạn có thể chứa 20.000 máy trong 14 ngày không”.
Brammer dự đoán hàng loạt mỏ đào tiền mã hóa sẽ di tản khỏi Trung Quốc trong vòng từ 1-3 tháng tới.
Quá trình xây dựng các mỏ đào khổng lồ tốn rất nhiều thời gian. Ảnh: QZ. |
Van Kirk cho rằng các doanh nhân không phải là người Trung Quốc sẽ bắt đầu tìm đến doanh nghiệp của mình. “Chúng tôi có khách hàng ở Trung Quốc, nhưng là người phương Tây. Họ đang muốn tìm vị trí thích hợp tại Mỹ hoặc Canada”.
Không riêng Bắc Mỹ, Bắc Âu và Mỹ Latinh cũng là những nơi được các thợ đào để mắt đến. Theo Brammer, một số doanh nhân muốn chuyển công việc kinh doanh của họ đến khu vực ổn định về mặt chính trị, khuôn khổ pháp lý hoàn thiện và thuận lợi. Do đó, Mỹ - quốc gia hiện đứng thứ 2 thế giới về khai thác Bitcoin - trở thành điểm đến hấp dẫn.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không hề đơn giản.
Theo Brammer, việc chuyển hàng chục nghìn máy móc từ Trung Quốc sang Mỹ là “một cơn ác mộng”, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch toàn cầu gây ra sự thiếu hụt container vận chuyển. Chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc cũng khiến cho thuế suất nhập khẩu lên đến 25%.
Ngay cả khi các máy đào đã được chuyển đến Mỹ, việc thiết lập một cơ sở khai thác mới cũng mất thời gian dài. Brammer ước tính một mỏ quy mô lớn phải mất từ 12-24 tháng xây dựng.
Edward Evenson, Giám đốc phát triển kinh doanh của công ty khai thác Bitcoin Braiins, tỏ ra lạc quan hơn. Ông cho rằng hầu hết công ty khai thác lớn hơn sẽ chỉ vận chuyển máy mới từ các nhà sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Họ có đủ nguồn lực để thực hiện điều đó nhanh chóng.
Theo Zing/Wired
Đào Bitcoin thực sự 'ngốn' điện khủng khiếp thế nào?
Gần đây, lĩnh vực khai thác Bitcoin đã chứng kiến nhiều thay đổi khi Elon Musk, người luôn ủng hộ Bitcoin, bày tỏ lo ngại về các tổn hại nghiêm trọng đến môi trường do khai thác loại tiền điện tử này.