Đây là cảnh báo từ Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khi phát biểu trên chương trình Andrew Marr của hãng tin BBC.
Ông Matt Hancock nói: "Nếu chúng ta nghĩ họ (mạng xã hội) cần phải làm những việc họ từ chối làm, thì chúng tôi có thể và chúng tôi phải ra luật."
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock. Ảnh: BBC |
Trước đó, Bộ trưởng Hancock đã kêu gọi các hãng truyền thông xã hội "thanh lọc" những nội dung có thể dẫn tới hành vi tự sát hoặc gây hại cho bản thân người dùng sau vụ một thiếu niên tự sát.
Molly Russell, 14 tuổi, đã tự sát vào năm 2017 sau khi xem nội dung về tự tử trên mạng xã hội.
Trả lời phỏng vấn BBC, cha cô bé nói rằng ông tin rằng Instagram đã giết con gái ông.
Instagram đã phản ứng với cáo buộc trên và cho biết mạng này cộng tác với các nhóm chuyên gia, để tư vấn các vấn đề "phức tạp và nhiều sắc thái" về sức khỏe tâm thần và tự gây hại bản thân.
Dựa trên lời khuyên của chuyên gia rằng chia sẻ câu chuyện và kết nối với những người khác có thể hữu ích để phục hồi, Instagram cho biết, họ "không xóa nội dung nhất định." "Thay vào đó (chúng tôi) cung cấp cho mọi người xem hoặc đăng bài viết, hỗ trợ nhắn tin hướng họ đến các nhóm có thể giúp đỡ."
Nhưng Instagram cho biết thêm họ đang tiến hành đánh giá đầy đủ các chính sách và công nghệ của mình.
Trước đó, Facebook, công ty sở hữu Instagram, đã đưa ra lời xin lỗi.
Gã khổng lồ Internet cho biết nội dung đồ họa gây tác động đến người dùng khiến họ tự hại bản thân hoặc tự sát "không có chỗ trên nền tảng của chúng tôi."
Molly Russell, 14 tuổi, đã tự tử sau khi tìm kiếm các nội dung liên quan tới trầm cảm, rối loạn lo âu, ngược đãi bản thân và tự tử trên mạng xã hội. Ảnh: Telegraph |
Paccorus, một tổ chức từ thiện hoạt động để ngăn chặn nạn tự tử ở thanh thiếu niên, cho biết họ đã liên lạc với khoảng 30 gia đình và các gia đình này đều tin rằng phương tiện truyền thông xã hội có một phần vai trò trong các vụ tự tử của con cái họ.
Ông Hancock nói rằng ông "bàng hoàng" khi biết về cái chết của Molly và cảm thấy "vô cùng lo lắng để đảm bảo thanh thiếu niên được bảo vệ."
Trong một bức thư gửi tới Twitter, Snapchat, Pinterest, Apple, Google và Facebook (sở hữu Instagram), Bộ trưởng Hancock đã "hoan nghênh" các bước kiểm soát nội dung gây hại đã được các công ty thực hiện nhưng cho rằng "cần nhiều hành động khẩn cấp hơn."
Ông viết: "Thật kinh khủng khi vẫn dễ dàng truy cập nội dung này và tôi không nghi ngờ gì về tác hại mà những nội dùng này có thể gây ra, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi." "Đã đến lúc các nhà cung cấp internet và phương tiện truyền thông xã hội đẩy mạnh và thanh lọc nội dung này một lần và mãi mãi."
Ông nói thêm rằng chính phủ Anh đang biên soạn một Sách Trắng đề cập đến "tác hại trực tuyến" và cho biết sẽ xem xét nội dung về nạn tự tử và tự làm hại bản thân.
Ông Hancock giải thích: "Rất nhiều phụ huynh cảm thấy bất lực trước truyền thông xã hội. Nhưng chúng tôi không bất lực. Cả chính phủ và các nhà cung cấp truyền thông xã hội đều có nghĩa vụ phải hành động."
"Tôi muốn biến Vương quốc Anh thành nơi an toàn nhất để trực tuyến cho mọi người - và đảm bảo rằng không có gia đình nào phải chịu đựng sự dằn vặt như cha mẹ của Molly phải trải qua."
Molly bị phát hiện đã chết trong phòng ngủ vào tháng 11/2017. Gia đình cô sau đó phát hiện ra rằng cô đã xem các tài liệu trên mạng xã hội liên quan đến lo lắng, trầm cảm, tự làm hại bản thân và tự tử.
Theo VietnamPlus
Mark Zuckerberg vận động Trung Quốc bỏ lệnh cấm Facebook
Mạng xã hội nước ngoài bị cấm ở đất nước tỷ dân, nhưng Mark Zuckerberg vẫn đang cố gắng để có thể thâm nhập thị trường tiềm năng này.