Theo Nikkei Asian Review, đối tác chuỗi cung ứng của Apple, hãng GoerTek sẽ bắt đầu thử nghiệm sản xuất AirPods tại nhà máycủa họ ở Việt Nam từ mùa hè này.
AirPods là sản phẩm tăng trưởng nhanh nhất của Apple với doanh số tăng 75%, từ 20 triệu máy trong năm 2017 lên 35 triệu máy vào năm ngoái.
Apple đã gửi thư đến các nhà cung cấp linh kiện khác, yêu cầu hỗ trợ Goertek trong thời gian đầu chuyển đổi dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
"Các nhà cung cấp được yêu cầu giữ nguyên mức giá linh kiện trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm. Mức giá các linh kiện sẽ được xem xét khi sản lượng tăng lên", nguồn tin cho biết.
Tai nghe không dây AirPods của Apple. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Apple từ lâu đã sản xuất EarPods truyền thống (kết nối với iPhone qua dây dẫn) tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, AirPods vẫn chỉ được sản xuất tại Trung Quốc bởi các nhà cung cấp Inventec, Luxshare-ICT và GoerTek.
Động thái tiến hành sản xuất thử nghiệm, thường là bước đầu trước khi đi đến sản xuất hàng loạt, tại Việt Nam khi Apple tìm nguồn cung ứng 15% đến 30% sản lượng bên ngoài Trung Quốc, nơi lợi thế về chi phí và nhân lực đang bắt đầu giảm dần.
Tháng trước, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp tính toán chi phí cho sự đa dạng hóa đó.
AirPods là tai nghe không dây bán chạy nhất thế giới, chiếm 60% thị phần và mở ra danh mục điện tử tiêu dùng mới khi ra mắt vào cuối năm 2016. Cả Samsung, Huawei và các thương hiệu âm thanh truyền thống khác như Jabra và Bose sau đó đều đã chạy đua để cho ra đời tai nghe không dây, cạnh tranh với đối thủ.
Các lô hàng tai nghe không dây trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 48 triệu chiếc trong năm 2018 lên 129 triệu chiếc vào năm 2020, theo Counterpoint.
Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng tại Viện nghiên cứu Kinh tế Đài Loan cho biết: "Rất có khả năng Apple sẽ áp dụng chiến lược 'Trung Quốc + 1' trong nỗ lực đa dạng hóa sản xuất". Điều đó có nghĩa là công ty sẽ tăng lượng sản xuất ở các nước bên ngoài Trung Quốc mà không cắt giảm đáng kể sản lượng Trung Quốc khi bắt đầu.
Việt Nam đã nổi lên như một sự thay thế mạnh mẽ, nhờ sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc, có lợi cho công tác hậu cần và nguồn lao động có tay nghề cao với chi phí nhân công thấp hơn.
Ngoài Apple thì nhiều hãng công nghệ lớn khác cũng đang di chuyển hoặc tăng sản xuất tại Việt Nam để tránh thuế quan khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức với Việt Nam khi lực lượng lao động hạn chế (dân số Việt Nam bằng khoảng 1/10 Trung Quốc) và có dấu hiệu thiếu hụt lao động tiềm năng nếu nhiều nhà máy lắp ráp điện tử cùng chuyển đến.
Hải Phong (theo Nikkei Asian Review)
Sáng lập Foxconn khuyên Apple di dời dây chuyền iPhone
Ông Terry Gou nói rằng Apple nên di dời dây chuyển sản xuất iPhone tới lãnh thổ Đài Loan trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt.