Trên tờ Time, Roger McNamee, một nhà đầu tư công nghệ kỳ cựu có thâm niên hơn 35 năm tại Silicon Valley mới đây đã chia sẻ nhiều góc nhìn về Facebook cũng như tương lai của mạng xã hội. Ý kiến của Roger McNamee được  chú ý bởi ông cũng chính là cố vấn thời kỳ đầu cho Mark Zuckerberg. Roger McNamee cũng đồng thời là nhà đầu tư vào Facebook từ những ngày mạng xã hội này còn trong trứng nước.

“Tôi quý Zuck, tôi cũng là fan của Facebook. Chúng tôi thường trao đổi về những vấn đề quan trọng. Tôi chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích của mình với cậu ấy. Rất thường xuyên, Zuck nghe theo lời khuyên của tôi”, tác giả nhớ lại.

Theo thời gian, McNamee cho biết ông bắt đầu nhìn ra nhiều vấn đề nảy sinh từ Facebook. “Ban đầu, tôi vẫn ngỡ Facebook chỉ là nạn nhân. Tôi từng viết thư cảnh báo cho Zuck và Sheryl (Sheryl Sanberg, nữ CEO của Facebook). Thế nhưng sau một loạt vụ việc như vụ bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, sự phát tán của những lời dối trá xung quanh Brexit, về scandal dữ liệu người dùng Facebook bị bán cho bên thứ ba..."

"Phải mất một thời gian dài, tôi mới có thể chấp nhận thực tế rằng thành công quá nhanh và choáng ngợp đã khiến Zuck và Sheryl bị mù quáng trước những hậu quả có thể xảy đến. Và tôi không thể không lên tiếng”, tác giả viết.

{keywords}
Facebook đang ngày cho thấy những vấn đề của mình do sự tăng trưởng quá nóng. 

Theo McNamee, mô hình kinh doanh của Facebook lệ thuộc quá nhiều vào quảng cáo, vì thế cũng lệ thuộc quá nhiều vào việc “dẫn dắt sự chú ý của người dùng” để họ xem quảng cáo nhiều hơn. Một trong những cách thức hữu hiệu nhất để gây và dẫn dắt chú ý là tạo ra sự lo sợ hay giận dữ, bức xúc.

Các thuật toán của Facebook mang đến cho người dùng thứ mà mạng xã hội này muốn, vì thế News Feed của mỗi người dùng giống như một màng lọc, tạo ra một ảo giác rằng bạn bè của họ cũng có chung quan điểm, niềm tin giống như mình vậy. Việc chỉ hiển thị những bài post mà người dùng thấy hay, thấy đồng tình đã triệt tiêu tính dân chủ và minh bạch mà Facebook luôn rao giảng, trong khi trên thực tế lại giúp họ kiếm bộn tiền.

Để nuôi thuật toán và trí tuệ nhân tạo (AI) của mình, Facebook thu thập dữ liệu từ bất cứ nơi nào có thể. Nhưng thật không may cho người dùng, Facebook lại không thể bảo mật những dữ liệu này. Đôi khi, họ còn cố tình giao dịch các dữ liệu đó để đổi lấy những thương vụ giá hời. Bất cứ nhà quảng cáo nào cũng có thể bỏ tiền ra mua quyền tiếp cận sự chú ý của người dùng. Có thể nói, trong vụ bê bối liên quan đến bầu cử Mỹ năm 2016, một nhóm người Nga đã khai thác triệt để cơ chế này.

{keywords}
Việc tăng trưởng bằng mọi giá của Facebook khiến mạng xã hội này mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. 

Những người ở Facebook cũng sống trong bong bóng của chính họ. Zuck luôn tin rằng sứ mệnh của Facebook quan trọng tới mức họ có thể làm mọi việc miễn là đạt được sứ mệnh đó.

Theo McNamee , Zuck và các nhân viên của mình nghe lời chỉ trích xong cũng “để đấy” mà chẳng hề thay đổi hành vi của mình. Những điều chỉnh từ phía họ đơn giản chỉ là thêm AI, thêm code, các miếng vá lỗi ngắn hạn. Họ chưa bao giờ xem lại cách thức kinh doanh và mô hình vận hành của mình.

Hậu quả là khi bị lên án với những bằng chứng cho thấy Facebook lan truyền tin giả, Facebook chỉ diễn đi diễn lại 1 bài duy nhất: chối bỏ, trì hoãn, đánh lạc hướng và che giấu. Facebook chỉ miễn cưỡng trong sạch khi không còn lựa chọn nào khác, và luôn tiết lộ thông tin ít ỏi nhất có thể. Sau đó, họ chuyển sang Kế hoạch B: Xin lỗi, và hứa làm tốt hơn.

Một minh chứng rõ rệt nhất cho “quy trình” hành xử này là mới đây, Facebook vừa thông báo sẽ phối hợp với chính phủ Đức để ngăn chặn nạn tin giả can thiệp vào kết quả bầu cử châu Âu, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.

Động thái này chỉ diễn ra sau khi Facebook phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ chính phủ các nước, khi mà những cáo buộc về việc mạng xã hội này để mặc cho tin giả và quảng cáo chính trị lan truyền, thao túng kết quả bầu cử Mỹ ngày càng dày đặc hơn. CEO Sheryl chỉ biết nói “Chúng tôi xin lỗi. Chúng tôi sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới” mà không chia sẻ bất cứ biện pháp cụ thể nào hơn.

{keywords}
Facebook đang trói chân mọi người vào trong ma trận tưởng tượng của họ. Mạng xã hội này cũng quá tự tin vào việc dù có điều gì xảy ra, người dùng sẽ không bỏ Facebook bởi nhu cầu kết nối tới mọi người. 

Bạn nghĩ rằng người dùng của Facebook khi biết tất cả những điều này sẽ bực tức Facebook? Đúng là có, nhưng gần 1,5 tỷ người vẫn dùng Facebook mỗi ngày. Họ dùng nó để duy trì quan hệ với bạn bè hay họ hàng ở xa. Họ thích chia sẻ hình ảnh và suy nghĩ của mình với người dùng. Họ không muốn tin rằng một nền tảng như vậy lại phải chịu trách nhiệm cho những bê bối, những câu chuyện đáng xấu hổ ngoài kia, bất chấp thực tế là vô số kẻ xấu đang khai thác lỗ hổng của Facebook và Google, lợi dụng sự tin tưởng của người dùng để phát tán tin giả hay những thông điệp cực đoan.

Chúng sẽ còn tiếp tục làm vậy cho đến khi nào chúng ta thực sự nhận thức được mối nguy hiểm, và buộc Facebook phải ra tay ngăn chặn.

Người dùng cần phải làm gì?

Từ góc độ người dùng, McNamee nhấn mạnh cần nhận thức rằng Facebook là một mối đe dọa đến sự riêng tư của chính chúng ta. Người dùng phải có quyền chọn xem những phiên bản News Feed chưa qua “bộ lọc” của Facebook, chưa bị can thiệp thô bạo bởi thuật toán để dẫn dắt sự chú ý của chúng ta. Người dùng phải có toàn quyền kiểm soát dữ liệu mà họ cung cấp cho Facebook sẽ được sử dụng như thế nào, phải được biết tên của từng tổ chức/cá nhân tiếp cận được với dữ liệu của mình.

Mặt khác, người dùng cần luôn ý thức bảo vệ dữ liệu của mình. Cần có những giới hạn nhất định về dữ liệu cung cấp cho Facebook.

Về mặt pháp lý và chính sách kinh tế, tác giả cho rằng các nhà lập pháp nên thiết lập ra những giới hạn thị trường cho những ông lớn như Facebook, Google hay Amazon. Việc ngăn chặn họ bành trướng quá rộng sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế. Bước đầu tiên là ngăn cản các vụ thâu tóm, mua lại hay chia sẻ dữ liệu giữa các công ty con, các nền tảng mà họ đang đồng sở hữu.

Các thiết chế pháp lý đủ mạnh sẽ buộc những doanh nghiệp này phải thay đổi mô hình kinh doanh. Xét theo quy chuẩn hiện nay, biện pháp này nghe có vẻ hà khắc, nhưng để hướng tới mục tiêu lâu dài là bảo vệ người dùng, bảo vệ nền kinh tế thì dường như khó có cách nào khác.

Tuấn Nghĩa (Theo Time)