TikTok rút lui khỏi thị trường Ấn Độ trước lệnh cấm. (Nguồn: Reuters) |
Mới đây, ByteDance đã phải gửi email cho hơn 2.000 nhân viên tại Ấn Độ để thông báo sa thải họ. Theo Press Trust of India, phía giới chủ cho biết họ tin vào sự hồi phục nhanh chóng của doanh nghiệp và mong muốn có thể quay lại thị trường Ấn Độ dù không thể biết chắc là lúc nào.
Một nguồn tin thân cận với công ty nói với Nikkei rằng ứng dụng TikTok về cơ bản đang rút khỏi Ấn Độ. Nhân viên sẽ được nhận ba tháng lương và trợ cấp bồi thường tương ứng với số năm làm việc. ByteDance sau đó đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Từ bỏ thị trường rộng lớn
Ứng dụng TikTok rất được ưa chuộng ở Ấn Độ, với mức độ phổ biến của ứng dụng đã tăng vọt sau khi ra mắt tại đây vào năm 2018. Theo RedSeer Management Consulting, TikTok có khoảng 167 triệu người dùng ở Ấn Độ tính đến tháng 6/2020 trước khi có lệnh cấm.
ByteDance thành lập văn phòng tại Bangalore, Mumbai và New Delhi và tuyển mộ nhân viên địa phương để tận dụng tối đa sự bùng nổ. Ứng dụng còn được các công ty Ấn Độ sử dụng cho chiến thuật quảng cáo của mình và vào năm 2019, ByteDance đã công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ đô la vào thị trường này.
Nhưng tình thế đã thay đổi vào tháng 6/2020, khi Bộ Công nghệ Thông tin công bố lệnh cấm đối với TikTok và 58 ứng dụng di động khác mà họ cho là có hại cho "chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ". Theo Đạo luật Công nghệ Thông tin, Bộ cho biết họ đã nhận được "nhiều khiếu nại từ nhiều nguồn khác nhau" rằng các ứng dụng đã "đánh cắp và lén lút truyền dữ liệu của người dùng trái phép tới các máy chủ có địa điểm ngoài Ấn Độ."
Do đó, TikTok đã bị xóa khỏi kho ứng dụng của Apple và Google. Khi những người đã có ứng dụng cố gắng phát video, một thông báo cho biết TikTok đang tuân thủ lệnh cấm với ưu tiên hàng đầu là bảo vệ quyền riêng tư và sự an toàn của người dùng Ấn Độ.
ByteDance không đạt được nhiều thuận lợi trong các cuộc đàm phán với chính phủ để tiếp tục hoạt động. Các phương tiện truyền thông địa phương vào tháng 1 đã đưa tin rằng 59 ứng dụng đó hiện đã bị cấm vĩnh viễn ở Ấn Độ, có khả năng dẫn đến quyết định rút khỏi thị trường của công ty.
Xuất phát từ nỗi lo chính trị
Lệnh cấm của Ấn Độ đối với TikTok một phần được tác động bởi cuộc tranh chấp tại biên giới Himalaya với Trung Quốc, dẫn đến cuộc đụng độ chết người đầu tiên trong gần 45 năm vào tháng Sáu. Chính phủ Ấn Độ cũng đã nâng số lượng ứng dụng vào danh sách đen vào tháng 9 và tháng 11, nâng tổng số lên 220.
Ngay cả khi TikTok cuối cùng được phép quay trở lại, cũng sẽ không dễ để ứng dụng lấy lại thị trường. TikTok từng chiếm 85% đến 90% tổng thời gian xem trên các ứng dụng chia sẻ video, theo RedSeer. Nhưng nhiều ứng dụng tương tự đã ra mắt kể từ lệnh cấm, thu hút những người nổi tiếng và những người dùng nổi tiếng khác.
Phiên bản tiếng Trung của TikTok, Douyin (cũng của ByteDance), có hơn 600 triệu người dùng. TikTok là một trong những ứng dụng do người Trung Quốc sở hữu đầu tiên đã đạt được thành công rộng rãi ở nước ngoài.
Ấn Độ, cùng với Mỹ, là một trong những thị trường lớn nhất trong số hơn 100 quốc gia có mặt tại đó, với hàng chục triệu người dùng ở Nhật Bản và Châu Âu. Theo CB Insights, ByteDance được định giá lên tới 140 tỷ USD. SoftBank Group là một trong những nhà đầu tư của doanh nghiệp này.
Những nỗi lo chính trị của TikTok không chỉ ở riêng Ấn Độ. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa đóng TikTok và tương lai của ứng dụng này ở thị trường Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Ngoài ra, TikTok cũng tạm dừng dịch vụ ở Hong Kong sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia ở đó từ mùa hè năm ngoái.
Theo Baoquocte/Press Trust of India
TikTok 'trở mặt' với Tencent
Phát súng chống độc quyền đầu tiên giữa 2 nền tảng hàng đầu tại Trung Quốc đã nổ ra, cả TikTok và Tencent đều đang sẵn sàng cho một cuộc chiến pháp lý mới.