- "Không có một thành viên đàm phán nào phải sửa đổi pháp luật nhiều như Việt Nam. Riêng các cam kết về sở hữu trí tuệ đã dẫn đến việc sửa đổi nhiều bộ luật".

Ông Nguyễn Phương Minh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) khẳng định như vậy tại Lễ công bố Tháng hưởng ứng Ngày SHTT Thế giới diễn ra sáng 31/3.

Phạt nhiều nhưng thay đổi ít

Phát biểu tại Lễ công bố, ông Minh cho hay, hiện nay, tuy số tiền phạt vi phạm bản quyền từng năm rất lớn nhưng tình hình xâm phạm bản quyền nhiều năm qua không có thay đổi đáng kể, vẫn là nỗi lo của xã hội và trăn trở của nhà nước.

{keywords}
Ông Nguyễn Phương Minh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN. Ảnh: CESTI.

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, trong giai đoạn 2012-2015, các cơ quan thực thi đã xử lý 26.004 vụ việc với tổng số tiền phạt trên 68 tỷ đồng.

Việc thực thi thiếu hiệu quả được cho là do ở Việt Nam việc thực thi chủ yếu bằng biện pháp phạt hành chính với mức phạt rất nhẹ. Trong khi đó, về bản chất, quyền SHTT là quyền dân sự, phải được giải quyết ở tòa án.

Một nguyên nhân khác được cho là bắt nguồn từ chính năng lực của các cơ quan thực thi SHTT tại Việt nam.

Theo ông Nguyễn Phương Minh, trong khi khẳng định quyền SHTT là quyền dân sự thì trong cả năm 2015 các Tòa án nhân dân trên cả nước chỉ thụ lý 4 vụ liên quan đến SHTT, trong đó xét xử 3 vụ và 01 vụ trả hồ sơ cho Viện kiểm sát.

"Ngoài việc phải tăng cường năng lực của cơ quan thực thi như vẫn nhấn mạnh từ trước đến nay thì việc nâng cao vai trò của Tòa án trong quá trình xét xử các hành vi xâm phạm quyền là nhân tố quan trọng để hoạt động thực thi", ông Minh khẳng định.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng, lực lượng thực thi quyền SHTT tại Việt Nam quá mỏng nhưng lại chồng chéo khiến quá trình thanh kiểm tra còn nhiều bất cập.

"Việc chồng chéo thể hiện ở chỗ các doanh nghiệp luôn phải tiếp rất nhiều đoàn thanh tra với những câu hỏi rất giống nhau nhưng kết luận cuối cùng lại không rõ ràng", bà Hằng nói.

Bà Hằng cũng đề xuất cần có sự cải tiến nhiều hơn trong hệ thống thanh tra, giám sát thị trường trong việc thực thi quyền SHTT.

Nguy cơ phá sản, doanh nghiệp vẫn thờ ơ

Những bất cập, hạn chế trong thực thi quyền SHTT tại Việt Nam được cho là sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho Việt Nam khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết có hiệu lực.

{keywords}
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI. Ảnh: Lê Văn.

"Không có một thành viên đàm phán (Hiệp định TPP-PV) nào phải sửa đổi pháp luật nhiều như Việt Nam. Riêng các cam kết về sở hữu trí tuệ đã dẫn đến việc sửa đổi nhiều bộ luật trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ", ông Minh cho hay.

Không chỉ phải sửa đổi các quy định pháp luật cụ thể, Việt Nam còn phải chuyển từ cơ chế xử lý hành chính sang xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định TPP.

Đối với các doanh nghiệp, chế độ thực thi quyền SHTT trong TPP sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu trách nhiệm nhiều đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, thì các doanh nghiệp Việt hầu như không nhận thức một cách đầy đủ về vấn đề sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hội nhập như hiện nay.

"Các doanh nghiệp gần như không có động thái nào đặc biệt cũng không lo lắng thực sự về vấn đề này", bà Hằng nói. "Khi nhận thức không đầy đủ thì dễ vi phạm luật lệ, quy định về quyền sở hữu trí tuệ vì trong Hiệp định TPP những quy định này rất rõ ràng".

Bà Hằng cho rằng, nguyên nhân của sự "bàng quan" này chủ yếu là do nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế. "Xuất phát điểm của các doanh nghiệp Việt Nam đều nhỏ. Họ chỉ nghĩ tới thị trường xung quanh mình là chính. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào có kế hoạch xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thì phải nghĩ tới vấn đề này".

"Với cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao, Việt Nam còn lâu mới được hưởng lợi ích chung của cả xã hội, mà phải chịu những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đó là luật chơi, là sự trả giá để tạo khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xâm nhập được vào thị trường khu vực với nhiều tiềm năng lớn trên thế giới", ông Minh nói.

Lê Văn