- Lấy chồng đã bảy năm, chị Nguyễn Thị Hiền (Hải Dương) không thể ngờ, những sóng gió, bi kịch của đời chị mới chỉ bắt đầu.
Sống như cái bóng
Gày gò, xanh xao, với đôi mắt lúc nào cũng buồn da diết, gương mặt người thiếu phụ 32 tuổi nom già hơn tuổi rất nhiều. Những nét xuân sắc vẫn còn trên gương mặt chị, nhưng tất cả đều bao phủ một nỗi u buồn cam chịu.
Chị lấy chồng năm 25 tuổi – cái tuổi không còn bồng bột gì, và người chị lấy làm chồng cũng từng là đồng nghiệp với chị - hai người cùng dạy học ở một trường Giáo dục thường xuyên của tỉnh. Yêu nhau và tìm hiểu nhau hơn một năm, họ lên xe hoa, ai cũng khen hai người xứng đôi vừa lứa.
“Hồi mới yêu, tôi tin tưởng anh phần vì sự quyết đoán, xốc vác trong tính cách, phần vì anh luôn yêu và lo toan cho tôi rất nhiều. Dù đôi khi lợn cợn thấy anh có hơi xét nét, kĩ tính, nhưng tôi chậc lưỡi nghĩ rằng, không có ai vẹn toàn, lấy nhau rồi sẽ cùng nhau sửa đổi để vợ chồng hài hòa hơn” – chị Hiền buồn bã nhớ lại.
Không ngờ, sau khi kết hôn, anh thay đổi hẳn. Sự quyết đoán, xốc vác biến thành sự gia trưởng đến mức độc đoán. Nhất nhất mọi quyết định lớn nhỏ trong nhà phải thông qua anh. Ngay cả chuyện công việc, sinh hoạt trong gia đình, anh cũng là người chỉ đạo.
Chị Hiền nhớ lại những đổi thay đáng sợ của chồng: “Lấy nhau được một năm, anh bỏ nghề dạy học, đi làm kinh doanh bên ngoài. Công việc thuận lợi nên kinh tế gia đình khá lên trông thấy. Anh khuyên tôi cũng nên nghỉ việc, chuẩn bị sinh con, ở nhà chăm anh là đủ. Nhưng tôi yêu nghề, nên nhất định không nghe. Ban đầu anh chỉ dằn dỗi, rồi sinh ra “nói nhiều”, cứ ra vào quẩn quanh chì chiết chuyện tôi không chịu nghỉ làm, chăm lo cho anh và gia đình. Tôi không phục, hai vợ chồng to tiếng…”.
Là giáo viên, tính tình thùy mị, chị không thích cãi vã, nên lại im lặng, cho rằng rồi không khuyên nhủ được, anh sẽ bó tay. Nhưng rồi anh ngày càng quá quắt. Biết rất rõ công việc của chị, nhưng hễ hôm nào vợ bận rộn, đi dạy về muộn hoặc có hội thi, bài giảng quan trọng phải đầu tư thời gian, luyện tập là anh bực dọc, đá thúng đụng nia. Lâu dần, anh hay sinh sự, có khi vợ đi làm về muộn anh còn điện thoại, chửi mắng té tát. Cũng từ đấy chị mới nhận thấy ở anh sự chua ngoa, phũ phàng.
“Anh dùng những lời lẽ tục tĩu – xưng tao, mày với vợ và dọa nạt tôi như côn đồ. Không ít lần, tôi phải vội vội vàng vàng xong việc để chạy bổ về nhà khi anh gọi. Bởi tôi biết nếu trái ý anh là thể nào cũng to chuyện. Trong quan hệ vợ chồng, anh cũng không còn chiều chuộng, thương tôi như trước mà thô lỗ hơn rất nhiều. Mỗi lần gần gũi nhau, tôi cũng lo lắng, sợ hãi thay vì hạnh phúc. Mâu thuẫn vợ chồng ngày càng sâu sắc, còn tôi thấy mình như một cái bóng vậy” – chị Hiền khóc, nói.
Chị bảo, đi đâu thì thôi, về nhà là chị lầm lũi lo thu xếp nhà cửa, sợ trái ý chồng dù việc nhỏ. Anh vẫn mang tiền về nhà cho vợ, nhưng ki ke từng tí vì “cô không chịu nghe lời”. Vì sợ mất thể diện, sợ bố mẹ đau lòng, chị âm thầm chịu đựng.
Điều khiến chị phẫn uất nhất là sự giả dối của anh ngày càng “nặng”. Bề ngoài, anh cực kì chiều chuộng chị trước mặt mọi người, đối tốt với bố mẹ vợ nhưng chỉ là “bề nổi” để bố mẹ chị tin rằng hai vợ chồng vẫn hạnh phúc. Anh được lòng người ngoài, nhưng về nhà với vợ thì lộ rõ sự keo kiệt, tính toán từng li từng tí. Anh bắt đầu ghen tuông vô cớ. Công việc kinh doanh bận rộn, anh đi sớm về khuya thất thường nhưng chưa bao giờ nói với vợ. Trái lại, chị đi đâu, làm gì, với ai anh đều “quản lí”. Từ khi chị có thai, anh vui sướng, hạnh phúc nhưng càng kiềm tỏa chị kinh khủng hơn. Những lúc gần gũi nhau nhất, anh ngọt ngào nếu chị chịu bỏ việc thì anh yêu chiều không tiếc… Cuối cùng, vì quá mệt mỏi, chị buông xuôi, quyết định bỏ việc.
Bênh con, chửi vợ
Chị Hiền kể, chồng đã không giữ lời. Sau khi chị nghỉ việc, anh tỏ ra cực kỳ hả hê, có chiều và “dịu” tính hơn nhưng chỉ được một thời gian. “Tôi không hiểu, mình đã làm theo ý anh mà anh vẫn không buông tha. Anh cắt dần những mối liên hệ của tôi trong cuộc sống: Hạn chế gặp bạn bè, hạn chế về thăm gia đình, hạn chế đi chơi, thậm chí, hạn chế lên mạng...” – chị tâm sự.
Lấy lý do có con nhỏ, chồng chị “cấm” chị đi đâu xa. Đi đâu cũng phải về trong ngày, kể cả về nhà mẹ đẻ cách đó hơn 100km. Bỏ nghề nên bè bạn của chị cũng thưa thớt dần, ai cũng có công việc riêng.
Sau khi sinh, chị trẻ và đẹp ra, nhưng tâm hồn thì dần héo úa: “Chồng ki ke từ chuyện mua cái áo, cái quần, sợ tôi “mặc đẹp để thằng khác ngắm”; sợ tôi nói xấu chồng. Nhà có chiếc máy vi tính nối mang, anh tự ý “cắt” internet vì “mất thời gian, đàn bà có chồng rồi đừng ham hố những thứ vớ vẩn”.
Sự vô lý của chồng làm chị càng thất vọng tràn trề. Chị tự xao dịu bằng cách dồn vào yêu thương, chăm sóc con. Ngược lại với chị, anh có cách dạy con thô lỗ và cục cằn. Cũng từng là giáo viên, vậy mà anh sinh thói hay chửi bậy, nói bậy, kể cả trước mặt con.
Chị bảo, con trai còn nhỏ, nhưng đã lây nhiễm thói hư đó của chồng: Mặt thằng bé lúc nào cũng vênh vênh, ánh mắt khi không vừa ý lại gườm gườm nhìn chị. Nhiều lần con hư, chị phạt thì anh bênh vực bằng cách chửi vợ không thương tiếc bằng ngôn ngữ tục tĩu. “Những lúc ấy tôi cảm thấy vừa nhục nhã vừa tủi thân. Con trai bé bỏng, tâm trí nó như tờ giấy trắng vậy mà đã biết lấy bố ra để dọa mẹ, ăn nói trống không nhiều khi rất hỗn” – chị Hiền cay đắng cho biết.
Nhiều khi quá ấm ức, chị tâm sự với mẹ nhưng chính mẹ ruột cũng không hiểu chị. Chị chia sẻ: “Mẹ tôi thường không tin hết vì chồng tôi vẫn tỏ ra tử tế trước mặt bố mẹ. Mẹ còn bảo, hay tôi có sai sót gì nên chồng mới cư xử như vậy. Mẹ bảo, làm vợ thì phải biết nhún nhường, biết nhịn cho nhà cửa yên ấm… Ngoài thói nóng nảy nó biết lo toan cho gia đình, nhiều người mơ chẳng được. Đàn bà lấy chồng thì phải theo chồng… Nghe chính mẹ mình nói ra những điều đó, tôi khắc khoải, bế tắc. Nghĩ đến ly hôn là tôi khóc, tự thấy mình yếu đuối vì lo sợ: Nếu chia tay, con tôi anh sẽ giành nuôi mất, bởi tôi vô công rồi nghề, tách biệt với nhịp sống làm việc quá lâu. Tôi không biết mình sẽ đi đâu về đâu”…