Tốt nghiệp loại khá trường ĐH Văn hóa, nhưng đã hơn 3 năm nay, chị Nguyễn Thị Hằng (27 tuổi) chấp nhận làm nhân viên tạp vụ ở Hà Nội vì chưa tìm được công việc phù hợp.

>> Cử nhân thất nghiệp về quê làm công nhân

Học đại học, làm nhân viên tạp vụ

Cũng bằng đại học, cũng làm việc trong một khu văn phòng cao cấp ở Cầu Giấy, Hà Nội nhưng chị Nguyễn Thị Hằng lại có nỗi tủi thân riêng. Công việc của chị là nhân viên tạp vụ. Nghĩ đến tấm bằng Đại học loại khá – ĐH Văn hóa vẫn “nằm yên” ở nhà của mình, chị không kìm được nỗi buồn tủi và lo lắng.

Chị Hằng nhớ lại, lúc ra trường, chị chỉ nghĩ đơn giản vì chưa có kinh nghiệm làm việc bao giờ, nên chấp nhận làm bất cứ việc gì, miễn là có thu nhập và va chạm với thực tế.

“Rồi từ từ sẽ tìm được một công việc tốt, phù hợp” – cô cử nhân tràn trề hi vọng khi mới rời ghế nhà trường.

Nhưng thực tế cuộc sống không suôn sẻ như chị nghĩ. Tìm mãi không được một vị trí phù hợp với ngành học, nên chị vào làm nhân viên trực tổng đài điện thoại với “đồng lương ba cọc ba đồng, không đủ sống”.

“Làm được một thời gian, tôi bỏ việc, không mơ mộng ở lại Hà Nội nữa mà quyết định về quê, mong tìm một công việc hợp với chuyên ngành mình học tại quê nhà. Khổ nỗi, gia đình không có mối quan hệ, cũng chẳng có đủ “cơ” để “chạy chọt” nên cuối cùng tôi lại phải trở ra Hà Nội kiếm việc” – chị kể. 

{keywords}
Chị Hằng: “Phải gắng sức làm ăn và tích cực tìm kiếm một công việc, một cơ hội khác”.

Trở lại Hà Nội, trở lại cảnh ở trọ, xuôi ngược rải hồ sơ đi xin việc, hỏi han người này, người kia mà không ăn thua, chị Hằng càng thấm thía nỗi lo sợ thất nghiệp. Không muốn bố mẹ ở quê lo lắng, không muốn sống dựa vào gia đình thêm nữa nên cuối cùng chị chấp nhận đi xin làm tạp vụ.

Bỏ bằng đại học ra khỏi hồ sơ, chị nộp xin vào làm tại một công ty chuyên cung cấp dịch vụ dọn dẹp văn phòng và được nhận. Sức khỏe tốt, ngoại hình ổn, lý lịch trong sáng, hơn nữa công ty này cũng đang cần người. 

“Công việc thuần túy tay chân nhưng cũng không đơn giản, tôi và đồng nghiệp phải chịu nhiều áp lực và thời gian. Cả ngày đi làm, ngoại trừ giờ ăn trưa vội vàng, hầu như lúc nào cũng bị quản lí, săm soi rất chặt chẽ. Ban đầu, tôi chỉ có ý định làm tạm để mưu sinh, nhưng đến giờ cũng đã được ba năm rồi…” – chị Hằng buồn bã nói.

Tìm đâu một cơ hội?

Ngoại hình xinh xắn, là người con gái chăm chỉ, dễ thương, nhưng chị Hằng thành thật chia sẻ đến nay chị vẫn chưa muốn lập gia đình. Một trong những lí do là bởi cuộc sống hiện tại của chị quá khép kín, hơn nữa công việc còn bấp bênh, lo cho bản thân còn chưa yên tâm huống hồ lo cho một tổ ấm nhỏ.

Làm nhân viên tạp vụ, công việc lao động tay chân vừa vất vả, vừa o ép về thời gian, lương lại thấp, chỉ đủ chi trả những chi phí tối thiểu ở thành phố của một cô gái độc thân. Với chị, công việc này ban đầu chỉ là “bước đệm”, một nghề mưu sinh giúp chị có tiền xoay sở trụ lại Hà Nội, tiếp tục học thêm ngoại ngữ hoặc một ngành nghề khác, hỗ trợ cho chuyện tìm công việc tốt hơn sau này. Nhưng rồi, ngày nào cũng như ngày nào, mệt lử vì công việc, phờ phạc sau cả ngày trời đi làm, thời gian đọc sách, hoặc ngoại ngữ cứ ít dần. Kiến thức chuyên ngành lâu không động đến chị cũng sợ đang dần mai một.

“Đôi lúc nhìn thấy các bạn “dân” văn phòng ở chỗ làm, họ cũng học đại học như mình nhưng tìm được công việc phù hợp, tôi cũng cảm giác mặc cảm, tự ti hay khi bạn bè hỏi về công việc lại thấy buồn...” – chị tâm sự.

Buồn, nhưng vẫn phải làm, vì trong tình hình kinh tế khó khăn hiện tại, chị thật sự không dám mạo hiểm bỏ đi công việc mang lại nguồn thu nhập duy nhất cho mình. Vừa làm, chị vẫn kiên trì thu vén chút thời gian để học thêm, tìm kiếm thông tin nghề nghiệp chứ không bỏ cuộc.

“Có những đêm về nhà suy nghĩ, thấy chạnh lòng vì bạn bè cùng tuổi nhiều người đã có công việc ổn định, yên bề gia thất còn mình vẫn lận đận mãi… Nhưng cũng phải gạt đi, phải gắng sức làm ăn và tích cực tìm kiếm một công việc, một cơ hội khác” – đó là mong mỏi, trông đợi lớn nhất của chị.

Dịu Anh

Bạn hãy chia sẻ câu chuyện của mình theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc email doisong@vietnamnet.vn! Trân trọng cảm ơn!