Trước khi lấy chồng, tôi thường được nghe những câu chuyện “kinh hoàng” của mấy chị cùng cơ quan khi phải ở chung nhà với bố mẹ chồng. Những câu chuyện ấy, nghe xong tôi thường bỏ ngoài tai, vì đúng thực tôi không tin lắm.

Không biết có phải vì tôi quá non, quá ngây thơ hay không mà tôi luôn nghĩ, đã là vợ chồng, mình coi bố mẹ chồng là bố mẹ thì có bố mẹ chồng nào nỡ đối xử với con dâu tệ bạc.

Và cũng vì luôn tin vào những điều tốt đẹp như thế nên khi lấy chồng, tôi đã một mực nói với chồng rằng chúng mình sẽ về ở với bố mẹ khi được anh hỏi em muốn ở đâu (dù lúc đó chúng tôi hoàn toàn có thể ở riêng và bố mẹ cho thoải mái lựa chọn).

Bố mẹ chồng tôi đều đã 70, sức khỏe yếu nhưng khi biết tôi mang bầu, hai ông bà dường như không cho tôi làm bất cứ việc gì. Sáng, hai vợ chồng ngủ đến 8h dậy rồi đèo nhau đi làm, tối chúng tôi trở về thì cơm đã dọn sẵn, hai ông bà đã ăn xong và lên phòng nghỉ. Chưa hết, tôi có thói quen mang cơm trưa đi làm nên ông bà luôn dậy sớm, đi chợ và nấu đồ ăn chuẩn bị sẵn cho tôi. Bữa cơm hôm nào cũng có rất nhiều món, mỗi thứ 1 tí nhưng bày đầy cả mâm, hôm nào trên mâm cũng có 7-8 món. Bố mẹ tôi cũng không cho tôi rửa bát vì sợ tôi lạnh tay và bụng chạm vào thành. Tôi nhớ những ngày mùa đông rét, mẹ vẫn hay tranh rửa bát với tôi. Bà bảo: “Con không được rửa đâu đấy, nước bắn vào bụng lạnh, chạm bụng vào thành, ảnh hưởng đến đứa bé”. Những hôm hai vợ chồng ăn sau, bà nói chồng tôi phải dọn dẹp rửa bát cho tôi, không được để vợ làm.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Những ngày tôi được nghỉ làm, tôi ngủ đến trưa mới dậy, ăn xong thì nghỉ ngơi rồi mẹ rủ tôi đi bộ. Hai mẹ con đi bộ với nhau, tôi ngại không dám nắm tay bà. Nhưng bà lại rất chủ động, nắm tay tôi và hỏi con có thích ăn gì không, hỏi tôi thích đi đường nào để mẹ dẫn đi…Vừa đi, hai mẹ con vừa nói chuyện. Bà kể cho tôi nghe về những người hàng xóm, về bố mẹ và về chồng tôi. Có lần bà còn bảo: Con cứ thoải mái sinh con cho khỏe mạnh, không phải lo gì hết, có gì khó khăn thì nói với bố mẹ!”

Cuộc sống vợ chồng cũng không thể tránh khỏi những lúc va chạm. Mỗi lần chúng tôi to tiếng, bố mẹ lại đứng ra bênh vực tôi. Bà bảo với chồng tôi: Mày thử mang bụng bầu hộ vợ xem có khó chịu trong người không? Đàn ông con trai thì phải bỏ qua, phải nhường vợ chứ…

Hôm tôi sinh trong bệnh viện, hai ông bà tức tốc đi từ quê lên (tôi sinh sớm hơn dự tính – hôm đó ông bà về quê ăn giỗ), gương mặt tỏ rõ sự lo lắng. Tôi thấy hai ông bà cứ đi ra đi vào rồi hỏi tôi thấy thế nào, muốn ăn gì để bố mẹ mua. Đến khi tôi sinh xong, xuất viện, bố chồng tôi là người đi thanh toán toàn bộ viện phí và đảm nhiệm nhiệm vụ hằng ngày hầm chân giò và đu đủ cho tôi ăn.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, giờ con trai tôi đã được 16 tháng, tôi không thuê giúp việc nữa. Hằng ngày, vợ chồng tôi đi làm, hai ông bà ở nhà trông cháu giúp. Bố mẹ chồng tôi nói: Đêm hôm con phải thức trông thằng ku, rồi lại dậy mấy lần pha sữa nên cứ ngủ đi, khi nào đi làm thì dậy. Và thế là vẫn giữ thói quen cũ, bà dậy sớm vo gạo nấu cháo cho cháu rồi đi chợ mua thức ăn. Còn bố, sau khi quét dọn nhà cửa sẽ nấu cơm (sức khỏe mẹ yếu nên việc gì bố tôi cũng nhận làm, không để mẹ động tay vào việc gì). Ông thường chuẩn bị cơm trưa ngay từ sáng, phần để cho tôi mang đi làm, phần để buổi trưa hai ông bà ăn, phòng trừ trường hợp cháu quấy quả không nấu được.

{keywords}
Ông và cháu. Ảnh: Hồng Ngọc

Ở nhà, ông bà sẽ cho cháu ăn 2 bữa cháo, 2 bữa sữa và váng sữa, trái cây… Buổi chiều tôi đi làm về, tôi sẽ tắm cho con, cho mình và chơi với con. Tôi thường có thói quen tắm xong thì lau nhà, nhưng khi vừa mang cây lau nhà vào đẩy thì ông đã bảo trưa nay bố lau cả rồi. Bữa cơm chiều nhiều hôm bố tôi cũng tranh nấu vì ông bảo: bà trông cháu đã mệt rồi, con chơi với con cho bà nghỉ, cả ngày đi làm con nó nhớ lắm.

Đến quần áo của vợ chồng cái con thay ra, bố cũng thường đi 1 vòng thu gom rồi mang bỏ vào máy giặt. Buổi sáng, khi tôi đi thu cất quần áo, bao giờ cũng thấy mọi thứ đã xong xuôi, thậm chí bố còn gập gọn để sẵn, tôi chỉ việc mang về phòng và cất vào tủ…

Tôi mang cơm đi làm và kể với mọi người là bố mẹ chồng chuẩn bị cho. Các chị vẫn hay trêu tôi: bố mẹ chồng em đúng là của hiếm, hiếm có khó tìm…

Tôi vẫn nghĩ người già thường khó tính, hay để ý, mình phải lựa, phải khéo hơn để đẹp lòng bố mẹ. Và tôi luôn tâm niệm bố mẹ chồng cũng là bố mẹ mình, nào có bố mẹ chồng nào nỡ đối xử với con dâu tệ bạc nếu con dâu thực tâm coi như bố mẹ đẻ. Có lẽ vì suy nghĩ như vậy nên đến giờ phút này, tôi vẫn không tin những chuyện kinh hoàng về mối quan hệ con dâu với bố mẹ chồng khi sống chung mà các chị ở cơ quan là sự thật!

Hồng Ngọc