“Thu nhập hơn 20 triệu một tháng nhưng anh chỉ mang theo cân táo tàu đến nhà tôi ra mắt”, chị Thúy kể.

Chị Thúy (Duy Tân, Cầu Giấy) bảo, đàn ông hoang quá cũng không nên nhưng keo kiệt, bủn xỉn quá thì khó sống chung. Vì thế mà chị quyết “bái bai” anh chàng người yêu keo kiệt dù “nhà anh có điều kiện”.

“Ai đời đến nhà người yêu ra mắt mà chỉ mang theo cân táo tàu lép kẹp, lại còn hăm hở khoe với tôi là mặc cả khéo, có 15 ngàn một cân”, chị Thúy ngán ngẩm kể lại.

{keywords}
Ảnh minh họa

Ngay từ ngày mới yêu nhau, chị Thúy đã ngờ ngợ anh có tính keo kiệt. Cả công ty, một mình anh nhập hội “mang cơm hộp” với chị em phụ nữ. Anh bảo cơm chợ mất vệ sinh, vì thế mà cũng không bao giờ dẫn chị đi ăn vặt ở hàng quán. Lương tháng hơn 20 triệu, anh chỉ để lại 2 triệu tiêu vặt, còn lại gửi hết vào tài khoản rồi đưa thẻ cho mẹ giữ.

“Đi xem phim, anh mang nước và bim bim theo vì ở rạp bán đồ ăn đắt gấp 3 lần bên ngoài. Có lần gặp phải nhân viên soát vé khó tính, họ nhất quyết không cho mang đồ ăn ngoài vào rạp theo đúng quy định. Mình bảo bỏ đồ ăn ra ngoài nhưng anh kêu đã mất tiền mua thì phải ăn không phí. Thế là anh đứng đôi co với người ta cả chục phút để được mang mấy gói bim bim vào rạp.

Lần khác hai đứa đi chơi thì xe bị chết máy giữa đường, mình bảo vào tạm hiệu nào đó để sửa, anh không chịu, đòi dắt bộ gần 3 cây số về tiệm anh mua xe bảo hành cho đỡ mất tiền sửa lại không sợ người ta đổi đồ. Còn nhiều chuyện vụn vặt nữa mình không nhớ hết, đến cân táo tàu là mình chán hẳn”, chị Thúy nói.

Cốc trà đá cũng đòi ‘share’

Cứ nhớ lại anh chàng đồng nghiệp trước đây của mình, chị Linh (nhân viên ngân hàng) lại cười thắt cả bụng.

Chị kể: “Chàng là trưởng phòng, hồi ấy lương chục triệu là thuộc dạng cao nhất công ty rồi, chúng mình nhân viên quèn có 3-4 triệu thôi. Thế nhưng liên hoan, hội họp gì không bao giờ chàng đóng tiền, lúc nào cũng nghĩ mình là trưởng phòng nên đương nhiên được free, trong khi các trưởng phòng khác vẫn đóng bình thường. Công ty có thông lệ, phòng nào doanh thu cao nhất tháng sẽ được thưởng 5 triệu đồng. Các phòng khác đều bỏ ra để mời cả công ty đi karaoke, riêng phòng chàng thì chàng chia cho mỗi người một ít mang về.

Trưa mọi người không ngủ nên thường mua hoa quả lên phòng họp chém gió. Dù không nói ra nhưng tự ngầm định, hôm nay người này mua thì mai người khác mua. Chàng vẫn lên ăn đều với mọi người, thậm chí hôm nào có đồ thừa chàng còn khuân về bàn mình để ăn tiếp. Thế mà đến lượt chàng thì lờ đi không thèm mua gì cả. Chị văn phòng biết tính chàng nên ra mặt nhắc, thế mà chàng cứ trơ trơ ra.

Cái vụ uống trà đá mới ‘chuối’. Chả là ba đứa đi ăn cơm trưa về thì gặp chàng đang ngồi trà đá, cả lũ mới nháy nhau vào ngồi thử xem chàng có chịu mời trà đá hay không. Vừa ngồi được dăm phút thì chàng rút ra tờ 2 nghìn đưa cho mình bảo chút trả tiền trà giúp anh với nhé, anh lên trước có việc”.

Quỵt cả tiền thưởng của nhân viên

Còn chị V. Anh (nhân viên marketing) thì “phát ớn” với ông sếp vừa keo kiệt, vừa bẩn tính của mình. Chị kể: “Trưởng phòng mình, lương chả biết bao nhiêu nhưng đi ô tô đi làm. Thế mà đi ăn với nhân viên toàn giả vờ quên ví rồi để nhân viên trả, về thì lơ luôn. Phòng đi hát hò, ăn uống gì thì cứ đến cuối giờ là bắt đầu kêu anh có việc phải về trước, xong cũng chẳng thèm để lại tiền. Có đứa sinh viên đến thực tập ở phòng, con bé làm được việc nên hết khóa thực tập được sếp lớn yêu cầu thưởng cho 1 triệu. Tên trưởng phòng nhận hộ rồi ém nhẹm luôn, hôm con bé lên lấy dấu nhận xét, mình hỏi nó nhận được tiền thưởng chưa, nó mới há hốc mồm ra bảo tiền thưởng gì ạ, mình biết ngay là tên kia quỵt, bảo con bé đi đòi nhưng con bé ngại. Thế là hắn nuốt luôn 1 triệu của em sinh viên thực tập”.

K. Minh

(còn nữa)