- “Đến phòng khám sản, chứng kiến cảnh mấy bà bầu, bụng đã to vượt mặt, bước từng bước nặng nề đi dọc cả một hành lang mà không tìm được chỗ ngồi vì gần nửa số ghế chờ đã bị mấy ông, mấy anh chiếm mất, mới thấy, đàn ông Việt mình, sao mà kém thế !...”


Không đủ ghế, bà bầu phải đứng ngồi vạ vật cho dù cái bụng đã to vượt mặt hay mới chỉ đang nhu nhú là chuyện không phải xa lạ đối với bất cứ ai đã từng đến với phòng khám sản 56 Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Ghế dành cho bà bầu, nhưng đàn ông ngồi la liệt.

Thế nhưng, điều mà người ta bức xúc không phải vì bà bầu không có đủ ghế để ngồi do khu khám sản quá chật chội mà là vì, gần nửa số ghế chờ mà bệnh viện bố trí để dành cho các bà bầu ngồi khi chưa tới lượt khám đã bị những người đàn ông trẻ tuổi, ăn vận lịch sự... chiếm mất.

Có những người, khi thấy bà bầu đến xin chỗ còn cố tình làm ngơ, mắt nhìn đi hướng khác, hoặc rút điện thoại ra bấm bấm để lảng tránh mỗi cái chuyện phải đứng lên để nhường ghế cho bà bầu. Lại có những người đàn ông, chỉ tròn mắt lên nhìn khi thấy bà bầu đến hỏi xin ghế, rồi từ chối thẳng thừng và ung dung ngồi ở cái ghế mà một người đàn ông có văn hóa không nên ngồi.

Nhiều bà bầu, bụng to vượt mặt, phải đi xin chỗ từng người đàn ông.
Hôm 22/5, có mặt tại một phòng khám sản, được tận mắt chứng kiến câu chuyện “đòi ghế” của một bà bầu khiến cho người viết khi về cứ miên man suy nghĩ mãi.

Số là, một chị bụng bầu đã ở tuần thứ 31, quê tận Hưng Yên, lên Hà Nội để khám kiểm tra trước khi sinh.

Ngay từ bàn chỉ dẫn bước vào, bà bầu này trông đã rất mệt mỏi. Sau khi đặt giấy khám, bà bầu đi ra tìm một chỗ để ngồi, nhưng đi dọc cả dãy chờ không một ghế nào trống. Bà bầu đành đứng sát vào cạnh tường, tựa lưng và đứng chờ cho đỡ mỏi. Được một lúc, thì bà bầu mon men ra chỗ 2 người đàn ông rất trẻ đang ngồi chễm chệ trên ghế và nhẹ nhàng:

- Anh làm ơn nhường ghế cho em được không?

- Trên kia vẫn còn ghế, chị lên kia tìm xem. Chỗ này em ngồi để giữ cho vợ - một trong 2 người đàn ông nói.

Bà bầu hướng ánh mắt về phía người đàn ông còn lại. Anh này cũng ngẩng lên nhìn bà bầu 2 giây, 3 giây, rồi lại cúi xuống, tay mân mê cái điện thoại.

Thấy vậy, một bà bầu khác một bên cạnh, huých nhẹ cánh tay vào người đàn ông thứ 2 rồi bảo:

- Anh nhường ghế cho người ta đi. Đàn ông gì mà kém vậy?

Dường như cảm thấy bị xúc phạm vì cái từ “kém”, người đàn ông này lập tức nổi giận, nên nói rất to:

- Làm sao phải nhường?

- Anh cũng đưa vợ bầu đi khám mà không biết thương bà bầu à?


- Đứng một tí thì đã chết ai?


- Đúng rồi, đứng một tí thì không chết được, nhưng nó là biểu hiện của lối hành xử có văn hóa, là phép lịch sự tối thiểu mà một người Việt ai cũng biết.

....


Thấy nói to, chị bầu ở Hưng Yên đành rời đi chỗ khác. May thay, một bà bầu nhưng cái bụng vẫn còn nhỏ gọi chị bầu to kia lại và nhường ghế.

Chứng kiến cảnh ấy, một chị ngồi cạnh tôi thì thầm: “Đàn ông bây giờ, nhiều người chán thật đấy. Đã đến tận đây rồi mà còn tranh với bà bầu một cái ghế!”.

Không xin được chỗ, thì đành ngồi vạ vật.

Ngồi mỏi quá thì đứng.

Đứng mỏi quá thì đi lại cho thoải mái.

Trong khi đó, ở phía ngoài, một phụ nữ bán mía chuẩn bị cả một chồng bìa các-tông để cho các bà bầu mượn ngồi cho đỡ mỏi trong lúc chờ khám, dù các bà bầu này có mua mía hay không.
Minh Minh

BẠN NGHĨ GÌ VỀ CÂU CHUYỆN NÀY?