'Tử thi' tỉnh dậy, la hét giữa đám tang
Năm 2011, Fagili Mukhametzyanov, 51 tuổi, sống ở thành phố Kazan, tây nam nước Nga, quyết định mở nắp quan tài trong đám tang của bà Fagilyu, người vợ 49 tuổi được thông báo là 'đã chết' vì lên cơn đau tim.
Khi tang lễ đang diễn ra, bà Fagilyu bất ngờ tỉnh dậy và hét lớn khi nhận ra mình đang nằm trong quan tài. Người phụ nữ 49 tuổi được đưa ngay tới bệnh viện nhưng sự 'hồi sinh' của bà không kéo dài lâu.
Bà Fagilyu (lúc còn sống) và chồng. Ảnh: Europics
'Mắt của bà ấy trợn tròn khiến nhiều người kinh hãi. Chúng tôi đã đưa bà ấy tới viện nhưng Fagilyu chỉ sống thêm được 12 phút trong phòng chăm sóc tích cực trước khi chết. Lần này không còn 'phép lạ' như trước", ông Mukhametzyanov nói.
Vị hôn phu của bà Fagilyu vô cùng tức giận với các bác sĩ vì đã thông báo sai về tình trạng của vợ. Một số nguồn tin cho rằng điều đó là dễ hiểu vì có thể lần chết 'thứ 2' của bà Fagilyu là do quá sốc trước việc có thể bị chôn sống.
Bất ngờ thở lại sau khi được đưa vào nhà xác
Vụ việc xảy ra với một phụ nữ ở Nam Phi năm 2018. Theo TimesLive, người phụ nữ chưa rõ danh tính gặp phải một tai nạn giao thông nghiêm trọng và nhân viên y tế của công ty cứu thương Distress Alert khi đó khẳng định 'không còn dấu hiệu của sự sống' ở nạn nhân.
'Thi thể' của người phụ nữ được gửi đến nhà xác Carletonville ở tỉnh Gauteng. Tại đây, nhân viên nhà xác cho 'thi thể' vào một túi đựng xác và để trong ngăn kéo lạnh.
Khi một trong số nhân viên tới kiểm tra 'thi thể', người này phát hiện người phụ nữ vẫn còn thở. Nạn nhân được đưa ngay tới bệnh viện ở Đông Johannesburg để cấp cứu. Một cuộc điều tra về sự cố chẩn đoán sai về tình trạng bệnh nhân được thực hiện sau đó.
Năm 1996, một nhà xác ở Anh cũng gặp phải trường hợp tương tự. Daphne Banks, người phụ nữ tới từ hạt Cambridgeshire được tìm thấy vẫn còn thở trong nhà xác bệnh viện sau khi người này tự tử vào đúng dịp năm mới.
Sau khi kiểm tra, cảnh sát không nhận ra Daphne vẫn còn sống và phủ lên người bà một tấm khăn trắng. Một nhân viên nhà xác nhận thấy tấm khăn phập phồng ở phần ngực của nạn nhân và phát hiện người này còn sống.
'Tử thi' ngáy trong túi đựng xác
Tù nhân Gonzalo Montoya Jiménez. Ảnh: The Sun
Năm 2018, Gonzalo Montoya Jiménez, một tù nhân tại nhà tù ở vùng Asturias của Tây Ban Nha, được thông báo đã chết bởi 3 bác sĩ khác nhau, theo truyền thông địa phương.
Nhưng khi các nhân viên nhà xác đang đánh dấu các vị trí mổ trên cơ thể Jiménez, họ nghe thấy tiếng ngáy phát ra từ túi đựng xác.
Các bác sĩ cho rằng tù nhân này bị chứng bắt thế (Catalepsy) - là tình trạng ngưng hoạt động, ngừng phản ứng với kích thích và người mắc có xu hướng giữ nguyên tư thế bất động. Điều này có thể lý giải nguyên nhân khiến 3 bác sĩ chẩn đoán sai.
Chứng bắt thế có thể được gây ra bởi các rối loạn thần kinh cũng như việc cai nghiện ma túy. Sau khi tỉnh lại, Jiménez được đưa tới bệnh viện và theo dõi tại phòng chăm sóc tích cực.
Jiménez được chăm sóc tích cực sau khi 'chết đi sống lại'. Ảnh: The Sun
Rơi vào trạng thái chết trong 11 tiếng
Một phụ nữ được cho là đã chết tại Bệnh viện hoàng gia Berkshire ở thị trấn Reading, Anh vào tháng 10/2012, nhưng 11 tiếng sau điều bất ngờ đã xảy ra.
Đó là trường hợp của Tasleem Rafiq. Các bác sĩ đã dành 45 phút để cố gắng cứu chữa cho Rafiq khi bà bất tỉnh. Nhân viên y tế đã lấy mẫu xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ oxy sau khi các nỗ lực hồi sức không thành công. Rafiq được tuyên bố đã chết.
Không còn hy vọng, gia đình người phụ nữ được vào nhìn mặt người thân lần cuối. Bác sĩ cho biết bệnh nhân được tiêm adrenaline và có thể sẽ có các cử động không kiểm soát nhưng đó không phải là dấu hiệu của sự sống.
'Mẹ nằm với đôi mắt trợn tròn. Chúng tôi ngồi và cầu nguyện cho bà. Tôi ngồi bên phải giường còn em trai thì ngồi bên trái. Bất ngờ, em trai tôi nói: 'Mẹ đang nhìn về phía anh kìa'. Chúng tôi vội vàng gọi y tá để hỏi xem chuyển động ở mắt có phải dấu hiệu tích cực. Y tá trả lời rằng điều đó là bình thường khi được tiêm adrenaline', Fazaen, con trai của bà Rafiq, chia sẻ với Independent.
Trong 2 giờ tiếp theo, kịch bản này lặp đi lặp lại nhiều lần khiến gia đình bà Rafiq cố thuyết phục các y tá rằng người phụ nữ có thể vẫn còn sống. Một bác sĩ được gọi tới để kiểm tra. Ông nói mạch của bà Rafiq có đập nhẹ.
Bác sĩ tiếp tục kiểm tra thêm 2 lần nữa và kết luận bà Rafiq còn sống. Các bác sĩ gọi đây là 'phép lạ' khi não của người phụ nữ không bị phá hủy dù thiếu oxy trong máu.
Năm 2014, một trường hợp tương tự xảy ra với cụ bà Janina Kolkiewicz, 91 tuổi, sống tại thị trấn Ostrow Lubelski, Ba Lan. Sau 11 tiếng được thông báo 'đã chết' và nằm trong nhà xác, bà Kolkiewicz bất ngờ tỉnh lại.
Người đàn ông ở Cần Thơ 'chết đi sống lại' bỗng hết câm, mù
Ông Nguyễn Văn Bé (71 tuổi), bây giờ nói chuyện không cần tìm giấy bút, chạy xe máy khắp vùng mà không cần vợ dẫn đi.
Theo Dân Việt