Có 4 ngày nghỉ lễ dịp 30/4-1/5, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1988, Hà Đông, Hà Nội) đã lên kế hoạch về quê nội và ngoại.

Trước đó, thực hiện việc giãn cách xã hội nên gia đình anh chị không có điều kiện về thăm quê. Nay tranh thủ ngày nghỉ, anh chị cho cháu về thăm ông bà.

Năm ngoái, gia đình chị Hồng đi du lịch tại Đà Nẵng. ‘Vợ chồng tôi và con trai đi chơi 3 ngày 2 đêm ở Đà Nẵng.

Sau đó, một dịp nghỉ lễ nữa trong năm 2019, chúng tôi cũng đi Vũng Tàu và tour miền Tây. Chuyến đi gồm 3 người lớn và 1 trẻ em trong vòng 5 ngày. Chi phí cho chuyến du lịch khoảng 20 triệu đồng’, chị Hồng nói.

{keywords}
Khách du lịch ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên năm nay, các kế hoạch đi du lịch đã bị gác lại. ‘Ngoài lý do muốn về quê thăm ông bà, chúng tôi vẫn ngại xuất hiện tại các điểm công cộng, sân bay… khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn’, chị Hồng nói.

Tương tự nhà chị Hồng là gia đình anh Lê Văn Đại (SN 1986, chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội). Không chọn đi du lịch xa, anh chị và con thuê phòng nghỉ tại một khu nghỉ dưỡng ở Vĩnh Phúc trong 2 ngày 1 đêm và di chuyển bằng ô tô cá nhân.

‘Do phải ở nhà quá lâu nên dịp này, tôi tranh thủ đưa vợ con ra ngoài giải tỏa tâm lý bức bí’, anh nói.

Bà Trần Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông của Lữ hành Fiditour, cũng cho biết: Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, các công ty lữ hành phần lớn tập trung phục vụ dịch vụ khách sạn và xe, các tour trọn gói chưa hồi phục được như trước đây.

‘Lượng khách giảm rất nhiều so với năm ngoái. Hiện, chúng tôi chỉ đang phục vụ phần lớn là khách lẻ, khách gia đình do mọi người lo ngại việc đi đông người.

Ngoài ra, khách cũng rất chủ động phòng tránh cho bản thân khi đi cùng gia đình hoặc nhóm bạn bè – những người mà họ nắm rõ lịch sử y tế của nhau. Họ cũng không đồng ý ghép đoàn với khách lạ’.

Cũng theo bà Thu, thay vì đi máy bay đến các điểm xa, khách chọn đi ô tô cá nhân đến các điểm gần. Ở TP.HCM, nếu phải đi đường hàng không, khách chọn các điểm du lịch có chặng bay ngắn như Phú Quốc, Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang…

‘Tâm lý chung của khách hàng là không muốn tham quan ở những điểm đông người. Phần lớn, khách du lịch đều đến thẳng điểm nghỉ dưỡng thay vì di chuyển nhiều nơi’, bà Thu thông tin.

Tuy nhiên theo bà Thu, nhu cầu đi du lịch đã bắt đầu tăng lên. Do đợt dịch bệnh, nhiều gia đình ở nhà quá lâu, bị stress. Họ đã đặt các chuyến du lịch vào mùa Thu (tháng 8, 9) với tâm lý thời điểm đó dịch bệnh đã được kiểm soát.

Để đảm bảo an toàn cho khách, các hãng lữ hành cũng có nhiều chính sách, đưa ra các combo quà tặng như: khẩu trang, nước rửa tay mini, các tài liệu khuyến cáo… Ngoài ra, các hướng dẫn viên được 'training' kỹ càng về kiến thức phòng dịch cho du khách.

‘Các xe cũng được khử trùng liên tục. Chúng tôi cũng phối hợp với khách sạn, nhà hàng... ở địa phương để có chính sách đảm bảo an toàn cho khách.

Cụ thể, khách sạn, nhà hàng… sẽ có những quy định riêng như bố trí đoàn ăn như thế nào, phòng nghỉ ra sao để thực hiện việc giãn cách. Tuy nhiên mọi việc đều phải tạo tâm lý thoải mái, không tạo sự căng thẳng cho khách khi đi du lịch, nghỉ dưỡng, bà Thu chia sẻ.

Khác với các đoàn khách đông, khách lẻ theo gia đình thường có kế hoạch đi du lịch bất ngờ.

‘Nhiều khách lẻ đặt tour sát ngày nghỉ. Có gia đình không xác định đi du lịch nhưng đến thời điểm cận ngày lại bất chợt đổi ý, muốn đi. Họ bốc máy lên gọi, hỏi về phòng khách sạn, dịch vụ… Nếu còn phòng, họ lên đường luôn’, bà Thu chia sẻ.

{keywords}
Khách nước ngoài đến Việt Nam vào tháng 2/2020.

Ông Đào Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa (Lào Cai), cũng cho biết: Hiện tại, các khách sạn, nhà hàng… tại Sa Pa đã mở cửa, đón khách trở lại nhưng lượng khách lên chưa nhiều.

‘Các du khách không quá lo lắng trước dịch bệnh do nhiều ngày nay không phát hiện ca lây nhiễm dịch Covid-19 từ cộng đồng.

Tuy nhiên vấn đề tài chính, thời gian… đã khiến lượng khách năm nay sụt giảm mạnh so với năm ngoái. Cụ thể, sau thời gian dài nghỉ vì dịch bệnh, nhiều người đang chuẩn bị đi làm trở lại. Bên cạnh đó, nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi kinh tế nên chi phí dành cho du lịch, nghỉ dưỡng cũng hạn chế’, ông Hùng phân tích.

Cũng theo ông Hùng, tại thời điểm này, các dịch vụ tại Sa Pa đã được hoàn thiện, giá dịch vụ giảm 30-50 % so với thời điểm trước.

‘Lượng khách chưa hồi phục nên tâm lý những người làm dịch vụ du lịch ở đây là chủ yếu mở đón khách như ‘mở hàng đầu năm’’, ông Hùng nói thêm.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa cũng thông tin, khách chủ yếu là gia đình, khách lẻ.

‘Người dân đi du lịch vào thời điểm này không quá lo lắng nhưng nên tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, tránh dịch bệnh’, ông Hùng nhấn mạnh.

Những trải nghiệm thú vị nhất nên thử ở Đông Nam Á

Những trải nghiệm thú vị nhất nên thử ở Đông Nam Á

Đông Nam Á là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới với vô vàn trải nghiệm thú vị như: bơi cùng cá mập voi, ngắm núi lửa phun trào, xem động vật hoang dã,…

Ngọc Trang