{keywords}
Hai bố con tại tu viện Shwenandaw Monestery Mandalay - tu viện vàng còn lại duy nhất của Cung điện hoàng gia. Ảnh: NVCC

Chuyến trải nghiệm Myanmar theo hình thức du lịch bụi của bố con anh Phạm Trung Tiến (Long Biên, Hà Nội) thực ra cũng giống như nhiều chuyến đi trước đó của 2 bố con. Anh chia sẻ đã từng đưa con gái đi du lịch Malaysia, Singapore, Thái Lan… đều theo hình thức “đi bụi”.

“Nhưng chuyến đi này là dài nhất và vất vả nhất khi nhiệt độ ngoài trời thường xuyên trên 40 độ C”.

Chuyến đi được khởi hành vào tháng 6 năm ngoái - thời điểm hay bị "chê" vì đó là mùa mưa ở Myanmar. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, anh biết rằng mùa mưa chỉ ở Yangon và miền Nam đất nước, nơi mà 2 bố con chỉ ở lại 2 ngày. Vì thế, anh chọn mua vé vào tháng 6, vừa rẻ vừa tiện thời gian nghỉ hè của con.

Như các chuyến đi trước, để tiện di chuyển liên tục bằng các loại xe công cộng, 2 bố con anh chuẩn bị hành lý gọn nhẹ nhất có thể. Dĩ nhiên, các loại thuốc cơ bản như thuốc đau bụng, thuốc chống dị ứng, bông băng… là không thể thiếu, bởi vì ở một số điểm dừng chân, thuốc là thứ rất khó mua.

Để chọn điểm đến, anh đọc các bài đánh giá của du khách trên mạng. Mặc dù không thể chính xác hoàn toàn, nhưng bố con anh sẽ hỏi thêm thông tin từ chính những người dân bản địa mà mình gặp trên đường. Lợi thế của cả 2 bố con là đều sử dụng tiếng Anh tốt nên có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin ở bất cứ đâu.

Về mặt tinh thần, cô con gái Hiền Anh vẫn luôn sẵn sàng đối diện với sự khắc nghiệt của thời tiết giống như các chuyến du lịch dạng khám phá mà từ trước đến nay cô bé được bố dẫn theo.

Khâu chuẩn bị quan trọng nhất, theo ông bố này, là kiến thức và kỹ năng xử lý các tình huống xấu xảy ra. Đúng như mục tiêu muốn con gái trưởng thành qua những trải nghiệm, anh dạy con cách xử lý những trường hợp xấu nhất như bố bị ốm, bị tai nạn thì làm thế nào để gọi về Việt Nam, liên lạc với Đại sứ quán…

{keywords}
Hiền Anh làm quen với chú chó tên La của bà lão ăn xin trên cây cầu gỗ U-Bein dài nhất thế giới. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về tổng chi phí 17 triệu cho 11 ngày ăn ở, đi lại ở Myanmar, anh Tiến nói: “17 triệu là tổng chi phí cho cả vé máy bay, nhà nghỉ, khách sạn, xe buýt, thuê xe máy, tiền vé vào cổng các điểm tham quan… Hai bố con vẫn được ngủ máy lạnh đủ 11 đêm, ăn uống đủ chất, kèm cả bia”.

Anh chia sẻ, để đạt chi phí tối thiểu này, cần một sự tính toán về lộ trình, phương tiện cực kỳ chính xác, bởi vì đặt càng sớm càng rẻ… và phải tính luôn cả việc “không được phép ốm”.

Đó cũng là điều anh lưu ý khi đi du lịch cùng trẻ con. “Cần cân nhắc nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe như cự ly các chuyến di chuyển, đảm bảo ngủ đủ thời gian, ăn các thức ăn có đủ chất, nhất là rau. Với trẻ con, cần rèn cho trẻ ý thức ăn đủ chất để đảm bảo sức khỏe là một nhiệm vụ, cân nhắc khi ăn một số thức ăn lạ hoặc cách nấu khác biệt”.

Chia sẻ về sở thích du lịch bụi, ông bố 2 con cho biết, việc đi tự do, không theo lộ trình của các công ty du lịch sẽ giúp mình học hỏi được nhiều hơn và tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hoá bản địa nơi mình đi qua.

Cũng nhờ thế mà 11 ngày ở Myanmar của 2 bố con anh là 11 ngày trải nghiệm vô số những điều thú vị mà không sách vở hay tour du lịch sang chảnh nào có thể mang lại.

Một trong số những kỷ niệm đáng nhớ nhất của 2 bố con là dịp được về nhà cậu bé phục vụ ở nhà nghỉ để ăn bữa cơm truyền thống.

“Tôi đề nghị cậu bé phục vụ ở bếp dẫn tôi về nhà cậu chơi và ăn một bữa cơm ở nhà cậu. Cậu ấy bảo nhà chỉ có 2 mẹ con, chẳng có gì ăn ngon đâu. Nhưng tôi khẳng định lại rằng đó chính là điều tôi muốn. Có lẽ cậu ấy chưa gặp một vị khách nào đề nghị như thế”.

Chiều hôm đó sau giờ làm, 2 bố con đi xe máy điện thuê chạy theo cậu thanh niên. Nhà cậu nằm ở một khu làng cách nhà nghỉ khoảng hơn 10 km. “Cảnh 2 bên đường có đoạn giống như những cánh đồng bên Campuchia, có đoạn lại giống như một nơi xa xôi mình từng đọc trong cuốn truyện "Trăm năm cô đơn" từ thời nhỏ. Cô gái của mình cũng cảm xúc theo phong cảnh”.

Hai bố con được cậu dẫn đi khắp làng, rồi về nói chuyện với mẹ cậu, và ăn một bữa cơm quê truyền thống Myanmar đích thực. Ngoài ra, cả hai còn được ăn một số loại quả lạ không có ở Việt nam. Anh bảo, đó là cơ hội mà có lẽ rất ít khách du lịch bình thường có được.

{keywords}
Hai bố con xin về nhà người dân bản địa để ăn một bữa cơm truyền thống. Ảnh: NVCC
{keywords}
Được ăn những thứ quả mà ở Việt Nam không có. Ảnh: NVCC

Chuyến du lịch bụi cũng cho 2 bố con anh thấy những hình ảnh đời thường đáng yêu như cảnh một gia đình đàn hát say sưa ở trung tâm thương mại để bán đồ lưu niệm, cảm giác thú vị khi được trải nghiệm mặc váy đi khắp nơi, hay chỉ đơn giản là hình ảnh những người đàn ông cởi trần, say mê ngồi đọc sách trong nhiệt độ 43-45 độ C…

Mặc dù điều kiện kinh tế của người dân Myanmar có thể còn hạn chế, nhưng có những điều thú vị đáng nể của người dân đất nước này mà anh phát hiện ra. “Đó là trình độ tiếng Anh và năng lực giao tiếp quốc tế của dân chúng nói chung vượt xa Việt nam. Người dân cũng chăm đọc sách hơn dân ta rất nhiều lần. Trật tự và tính tự giác của họ cũng rất cao, gần như họ luôn tuân thủ luật pháp và không tìm cách lách bất cứ khi nào có thể”.

Theo anh, chính những hình ảnh này sẽ giúp truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần tự học, niềm ham thích khám phá của con gái, hơn là bất cứ bài rao giảng đạo đức nào về nghĩa vụ học tập.

Để con có được niềm say mê với những điều mới mẻ trong cuộc sống, ông bố này cho rằng đó là cả một quá trình, từ cách dạy con biết trân trọng những điều có ý nghĩa trong cuộc sống đến sự tự hào khi vượt qua chính bản thân mình.

“Khi con khát khao cảm nhận hạnh phúc vì được biết những điều mới mẻ thì con sẽ đủ sức mạnh để vượt qua những vất vả về thể chất. Qua những chuyến đi, tôi mong con trưởng thành để có năng lực đánh giá đúng các giá trị sống, giá trị của hạnh phúc; có năng lực để tự bảo vệ bản thân khi bố không còn ở bên cạnh con nữa”, anh Tiến nói.

{keywords}
Trò chuyện với vị tu sĩ người Việt Nam gặp trên cầu U-Bein. Ảnh: NVCC
{keywords}
Anh Tiến trải nghiệm phong tục mặc longyi của đàn ông Myanmar. Ảnh: NVCC
{keywords}
Hai bố con ghé thăm thành cổ Inwa. Ảnh: NVCC
{keywords}
Quan sát cuộc sống thường nhật của người dân làng Hpyuk Sein Pin. Ảnh: NVCC
{keywords}
Thành phố cổ Inwa nằm cách trung tâm thành phố Mandalay khoảng 30 phút đi ô tô. Ảnh: NVCC
Mẹ 2 con tư vấn đi xuyên Việt 14 ngày, chi tiêu đáng giá từng xu

Mẹ 2 con tư vấn đi xuyên Việt 14 ngày, chi tiêu đáng giá từng xu

Chuyến đi xuyên Việt bằng ô tô của gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung (Hà Nội) kéo dài 14 ngày với tổng chi phí 45 triệu đồng.

Nguyễn Thảo