Chúng tôi đứng bên trong công viên trên đường Nguyễn Văn Trị (P. Hòa Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) nhìn ra sông. 

Dòng chảy vẫn lững lờ. Đặc tính cố hữu của con sông Đồng Nai hiền hòa từ bao đời nay vẫn thế. Bên này sông nhìn sang bên kia, con sông thật hùng vỹ. Chúng tôi đứng thật lâu nhìn những con tàu, những chiếc đò ngang, những sà lan qua lại trên sông. Xa xa, cầu Hóa An như mờ ảo trong sương. 

{keywords}
Cồn Gáo (ảnh Daniel P. Cotts chụp năm 1966 - Ảnh tư liệu).

Trong lúc còn đang miên man, một giọng nói từ phía sau vọng tới: 'Anh thấy sông Đồng Nai có đẹp không?'. Quay lại, một người đàn ông trung niên trong trang phục bảo vệ. Anh hỏi nhưng không cần chúng tôi trả lời. Anh nói tiếp: 'Giá như trên sông ở đoạn gần bờ bên kia, cách cầu khoảng 200 mét về phía hạ lưu vẫn còn hiện hữu một cù lao nhỏ thì đẹp biết mấy. Cù lao ấy người dân nơi đây thường gọi là Cồn Gáo'.

'Tại sao gọi là Cồn Gáo và tạo sao nó biến mất, anh biết không?', chúng tôi hỏi. Anh bảo vệ chậm rãi trả lời: 'Tôi sinh ra ở vùng này nên tôi biết Cồn Gáo ngay từ lúc còn nhỏ. Hồi đó, chúng tôi thường lội ra đó chơi. Cồn được bồi bởi cát và phù sa nên trên cồn có rất nhiều cây, đặc biệt là cây gáo.

Cây gáo cao hơn 30 m, thân to, tròn và thẳng cho gỗ rất tốt. Nhiều người lớn tuổi thường kể cho tôi nghe, cơn đại hồng thủy năm 1952 đã nhấn chìm một vùng rộng lớn ven sông Đồng Nai của thành phố Biên Hòa'.

{keywords}
Vị trí Cồn Gáo (trong vòng tròn). Anh bảo vệ xác định nơi có phao màu xanh là Cồn Gáo ngày xưa.

Nước rút đi, những cây gáo trên cồn không còn. Rồi liên tiếp những năm sau đó, trên cồn xuất hiện vài nóc nhà lá của dân chài trên sông. Họ vừa chài lưới vừa nuôi heo. Thỉnh thoảng những người lặn cát trên sông cũng ghé vào cồn… Những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 60, vào dịp nước ròng, học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du ở gần đó, thường hay lội ra cồn để chơi, tắm và đùa giỡn.

Sông Đồng Nai ngày xưa không rộng như bây giờ. Do ảnh hưởng bên lở bên bồi mà bồi thì ít, lở thì nhiều nên sông càng ngày càng rộng. Người dân 2 bên bờ Đồng Nai qua lại giao thương với nhau bằng những chuyến đò ngang.

Năm 1972 cầu Hóa An được xây dựng. Cầu kiên cố với hàng trụ bê tông cốt thép đóng sâu xuống lòng sông. Không biết, việc xây cầu có ảnh hường gì đến Cồn Gáo hay không nhưng nhiều người vẫn suy đoán hàng trụ cầu dày đặc đó đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy khiến cho cồn bị sạt lở', anh bảo vệ trầm ngâm nhớ lại.

Điều quan trọng nhất - anh nói tiếp: 'Sau năm 1975, nhu cầu xây dựng tăng cao, lượng cát được khai thác nhiều vô kể. Nếu ngày xưa, trên sông có những chiếc tam bản nhỏ với một vài người lặn sâu xuống đáy vớt cát thì giờ đây những chiếc sà lan to lớn với máy hút chạy liên tục ngày đêm thì thử hỏi làm sao không sạt lở?. Cồn Gáo có thể bị  ảnh hưởng từ việc hút cát này rất nhiều. Từ đó, Cồn Gáo dần bị sạt lở và biến mất khỏi dòng sông'.

Sau lời chia sẻ đó, anh giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Tám Hiền, Trưởng ban Quí tế đình Tân Lân để hiểu rõ hơn về Cồn Gáo.

{keywords}
Ông Tám Hiền.

Ông Lâm Văn Lang - bà con thường gọi là ông Tám Hiền đang bước vào ngưỡng cổ lai hy. 

Ông cho biết, Cồn Gáo là một cồn đất nhỏ với kích thước 20m x 30m. Ban đầu chỉ một hộ dân ra đó để nuôi heo nái. Dần dần có thêm 5 - 6 hộ ra cất nhà để ở. Tuy là một cồn đất nhỏ nhưng nơi đây đã ghi lại nhiều kỷ niệm của bà con hai bên bờ Đồng Nai. Cồn Gáo mất đã để lại tiếc nuối cho nhiều người.

Cũng như anh bảo vệ công viên và nhiều người chúng tôi có dịp tiếp xúc, ông Tám Hiền kể, Cồn Gáo biến mất sau khi làm cầu và và việc hút cát diễn ra nhiều. Ông cho biết thêm, cầu làm được vài năm thì theo thời gian Cồn Gáo nhỏ dần, đến năm 1979 chính thức biến mất.

Dường như những kỷ niệm một thời được đánh thức, làm sống lại những giây phút xa xưa của một thời quá vãng…

Theo báo Pháp luật Online, vị trí Cồn Gáo được xác định nằm ở giữa khúc sông Đồng Nai đoạn trước đình Tân Lân (đường Nguyễn Văn Trị, phường Hòa Bình, Biên Hòa), cách cây cầu Hóa An hiện hữu khoảng 200 m về phía hạ lưu.

Trong tập hồi ký 'Quê hương rừng thẳm sông dài' của 'thi tướng rừng xanh' Huỳnh Văn Nghệ có một đoạn nói tới Cồn Gáo với những trận đua ghe ngo hào hứng trên sông Đồng Nai vào những năm 1930. 

Cũng trong bút ký 'Theo dòng chảy Đồng Nai' của nhà văn Nguyễn Thái Hải có nhắc đến kỷ niệm hồi nhỏ khoảng những năm 1960, ông cùng bạn bè tiểu học hay 'bơi' từ bên bờ sông chợ Biên Hòa qua Cồn Gáo để chơi hoặc chỉ để say sưa nghe người dân sống trên cái doi đất đó kể câu chuyện về cặp rắn thần 'bí ẩn'.


Vẻ đẹp nguyên sơ của quốc đảo ngoài khơi Ấn Độ Dương

Vẻ đẹp nguyên sơ của quốc đảo ngoài khơi Ấn Độ Dương

Quốc đảo Mauritius với vẻ đẹp nguyên sơ, được coi như viên ngọc thô của châu Phi. Điểm du lịch hấp dẫn ngoài khơi Ấn Độ Dương này còn chưa được nhiều người biết tới.

Trần Chánh Nghĩa