Xem video: Người phụ nữ 40 năm một mình chăm sóc mộ liệt sĩ

Chuyện trò, khóc cùng người đã khuất

Trưa tháng Giêng, trời TP.HCM nắng nóng chói chang. Hơi ẩm tỏa ra từ vòi nước tưới cây cũng không làm bà Nguyễn Thị Ngọc Hiệp (68 tuổi, quản trang nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn, TP.HCM) bớt mệt.

Bà cuộn ống, tắt nước, vào văn phòng nghỉ mệt, kể cho chúng nghe tôi hành trình 40 năm chăm sóc mộ liệt sĩ của mình. Bà kể, bà mới mới đến làm việc tại nghĩa trang này vào năm ngoái.

Trước đó, bà gắn bó với nghĩa trang liệt sĩ Tân Xuân (huyện Hóc Môn) suốt 40 năm. Từ khi các liệt sĩ về nằm tại nghĩa trang Tân Xuân, bà Hiệp đã có mặt, tình nguyện đến chăm sóc mộ phần, trò chuyện cùng những người đã khuất.

{keywords}
Khi mộ phần liệt sĩ tại tại nghĩa trang liệt sĩ Tân Xuân được di dời về nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn, bà cũng theo về đây để chăm lo cho người đã khuất.

“Tôi nhớ những năm 80, các chú, các bác liệt sĩ được về nghĩa trang Tân Xuân nằm. Thời điểm đó, mộ còn sơ sài lắm. Mộ bằng đất, bia chỉ là một tấm gỗ thường...”, bà Hiệp kể.

Theo bà, thời gian, mưa nắng khiến nhiều ngôi mộ bị san phẳng, bia gỗ mục nát, cây, cỏ dại mọc um tùm. Nhà gần nghĩa trang, hằng ngày, thấy cảnh bia mộ liệt sĩ gãy đổ..., bà xót xa đến “chịu không nổi”.

Thế là bà tự nguyện đến nghĩa trang dọn cỏ, dựng bia. “Tôi vun vén đất những ngôi mộ bị lở, lấy bảng học sinh làm bia, dùng bút màu hoặc dùng sơn viết lại thông tin trên bia cũ. Lâu dần thành quen, hằng ngày, tôi ra nghĩa trang nhang khói, trò chuyện cùng các liệt sĩ”, bà kể.

{keywords}
Hiện nay, các mộ phần đều được xây mới khang trang bằng đá hoa cương nên bà Hiệp không phải thường xuyên nhổ cỏ, dọn vệ sinh, viết lại bia mộ như trước đây.

Ghi nhận tấm lòng nhân hậu của bà, sau này, cơ quan chức năng ký hợp đồng thời vụ, tạo điều kiện cho bà chăm sóc mộ liệt sĩ tại nghĩa trang. Lúc ấy, bà “mừng rơi nước mắt” vì có nhiều điều kiện hơn để chăm lo cho những người ngã xuống vì đất nước.

Mỗi ngày, bà đều ra nghĩa trang dọn cỏ, nhang khói cho các liệt sĩ. Năm 1987, nghĩa trang được trùng tu. Mộ liệt sĩ được xây gạch, đá hoa cương sạch sẽ, công việc của bà Hiệp cũng đỡ cực phần nào.

Không còn phải ra nghĩa trang dọn cỏ thường xuyên nhưng bà vẫn giữ thói quen thắp nhang rồi ngồi lại bên những ngôi mộ trò chuyện. Lắm lúc, bà ôm bia những ngôi mộ chưa có tên, khóc rưng rức một mình.

{keywords}
Công việc của bà bây giờ là chăm, tưới cây cảnh, nhặt rác tại nghĩa trang, nhang khói cho các liệt sĩ.

Bà nói, bà thương những người nằm dưới những ngôi mộ trơ trọi, cô đơn, mãi chưa được người thân, gia đình tìm đến viếng thăm, đưa về nhà. Thói quen ấy vẫn theo bà suốt 40 năm qua.

Trong ngần ấy năm và đến bây giờ, bà vẫn hay khóc cùng những người đã khuất tại nghĩa trang. Bà kể: “Lúc còn ở nghĩa trang liệt sĩ Tân Xuân, ngày nào tôi cũng ra nghĩa trang ngồi, nói chuyện với các chú, các bác liệt sĩ. Tôi nói chuyện như trò chuyện với người thân, với bạn”.

“Chiều mát, ra thắp nhang, tôi hay hỏi: “Các bác ơi, gia đình, người thân các bác có biết các bác nằm đây không? Các bác, các chú có nhớ đường về nhà không? Các bác có linh thiêng nhớ nhắn gia đình cho họ biết các bác nằm ở đây để họ đón các bác về đoàn tụ nhé…”, bà Hiệp kể, đôi mắt lại đỏ hoe, chực chờ muốn khóc.

{keywords}
Thế mà, lúc mới về nghĩa trang làm việc, bà liên tục bị nguồn nước tại đây gây ngứa ngáy, lở loét…

“Còn sống là còn theo các chú, các bác”

Năm 2020, mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Tân Xuân được cải táng, di chuyển về tập trung tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn. Bà Hiệp cũng theo sang nghĩa trang này, tiếp tục giữ vị trí quản trang.

Xa nhà, bà ở luôn ngoài nghĩa trang. Hằng ngày, sau khi tưới cây, hoa, quét dọn lá cây nơi các mộ phần, bà lại đến tượng đài thắp nhang rồi gọi lớn: “Các bác, các chú ơi! Hiệp nè, quản trang nè. Trời mát rồi, các chú, các bác mau mau đến tượng đài hưởng nhang nhé…”.

Nghe những lời mời gọi thân thương ấy, chúng tôi nhận thấy rằng, bà vốn đã xem người nằm dưới những mộ phần kia vẫn đang tồn tại. Bà chăm sóc, sống với họ như đang sống với người thân, bạn bè của mình.

{keywords}
Dẫu vậy, bà vẫn quyết tâm vượt qua tất cả để chăm sóc các mộ phần.

Bởi thế, mỗi khi đi dọc những hàng mộ quét dọn, kiểm tra thông tin bia, bà đều trò chuyện, xin phép người đã khuất với giọng điều thân tình pha chút hài hước.

“Bây giờ qua nghĩa trang mới, mộ còn mới, tôi hay đi xem tên bia mộ có bị sai hay không. Khi đi, tôi cũng trò chuyện với người nằm dưới mộ. Tôi hay đùa: “Nào, bác Thắng cho con xem thử là tên bác có đúng là Thắng không hay có khi là Thẳng đấy nhé…”, bà Hiệp tâm sự.

Nhiều người đến viếng mộ, thấy bà nói chuyện, pha trò rôm rả với người đã khuất ban đầu cũng lạ. Thế nhưng, sau khi biết bà muốn những người nằm xuống bớt hoang lạnh, cô đơn, những người viếng mộ thấu hiểu và thương bà hơn.

{keywords}
Cứ vài tháng, bà lại rút chân nhang, thay cát tại các lư hương nơi những phần mộ liệt sĩ.

Họ biết, bà thương yêu, gắn bó với những mộ phần liệt sĩ này đã hơn nửa đời mình. Bà gắn bó, quyến luyến đến nỗi tự hình thành một niềm tin tâm linh khó giải thích được bằng khoa học.

Ngày di dời các mộ phần từ nghĩa trang Tân Xuân sang nghĩa trang huyện Hóc Môn, bà Hiệp buồn da diết và khóc nức nở. Bà tâm sự: “Không hiểu sao, tôi không muốn rời đi và buồn vô cùng. Tôi cứ khóc mãi và luôn có cảm giác ở đây còn có người chưa được đi theo đồng đội sang nghĩa trang mới”.

“Thế rồi tôi trình bày với chính quyền cấp trên, khẳng định tại nghĩa trang còn có hài cốt các liệt sĩ chưa được phát hiện, chưa được cải táng. Trước sự quả quyết của tôi, cơ quan chức năng đã yêu cầu đơn vị thi công quay lại tìm. Không ngờ, họ tìm thêm được 6 bộ hài cốt dưới các mộ đã được cải táng. Lúc này, lòng tôi mới nhẹ nhàng, thanh thản”, bà nói.

{keywords}
Hằng ngày, khi ra nghĩa trang chăm sóc, quét tước, bà giữ thói quen trò chuyện cùng người đã khuất. Đôi khi, bà khóc cùng những ngôi mộ vô danh.

Bà kể thêm rằng, suốt những năm chăm sóc mộ liệt sĩ, bà khóc rất nhiều. Bà khóc vì thương những người nằm dưới những ngôi mộ vô danh, trơ trọi giữa những mộ phần đầy hoa trái, có tiếng nói cười của người thân đến viếng.

Bà Hiệp kể: “Có lần, gia đình ngoài Bắc vào tìm, phát hiện con, cháu mình là liệt sĩ, đang nằm trong nghĩa trang.

Họ vui mừng, xúc động, ôm mộ mà khóc nức nở. Thấy vậy, tôi cũng không kìm được cảm xúc rồi khóc theo. Dù xa lạ nhưng họ ôm lấy tôi khóc. Chúng tôi cùng khóc với nhau đến lả người”, bà tâm sự.

{keywords}
 Cuối ngày, khi mát trời, bà thắp nhang tại lư hương lớn ở tượng đài trong nghĩa trang rồi khấn, mời các liệt sĩ đến quây quần, hưởng hương, hoa.

Mới đây, bà lại khóc khi chứng kiến người thân các liệt sĩ ở xa không thể đến tham dự lễ cải táng, đưa các anh về nơi ở mới. Và, bà biến những buồn thương ấy thành nhiệt huyết, động lực để chăm sóc các mộ phần, làm đẹp nghĩa trang.

Thương bà nửa đời lam lũ, một mình chăm sóc mộ liệt sĩ, các con của bà khuyên mẹ nghỉ làm vì tuổi đã cao. Thế nhưng, bà kiên quyết từ chối về nhà an hưởng cùng con cháu để gắn bó với công việc chăm sóc mộ liệt sĩ.

Bà nói: “Thấy tôi cực, mấy đứa con cũng khuyên tôi nghỉ hoài. Chúng nó tôi làm mâm cơm, chia tay các chú, các bác ở đây rồi về nhà, để người khác chăm sóc, giữ gìn. Nhưng tôi không chịu, tôi nguyện còn sống ngày nào là chăm sóc, lo cho các chú các bác ngày đó. Chừng nào không còn sức, không làm nổi nữa mới thôi”.

Người phụ nữ Đà Lạt tặng 4.000 cây xanh để 'đi đâu cũng có vườn'

Người phụ nữ Đà Lạt tặng 4.000 cây xanh để 'đi đâu cũng có vườn'

Hơn 4.000 cây giống đã được chị Phan Diệu Linh (SN 1980) tặng cho người dân ở các huyện của tỉnh Lâm Đồng với mong muốn phủ xanh không gian sống và xây dựng mô hình “vườn ở khắp nơi”.

Bài, ảnh, clip: Nguyễn Sơn