Xem video: 

15 tuổi đã “bán chữ” cùng cha

Những ngày cuối tháng Chạp, ông Huỳnh Trí Cầu (69 tuổi, Quận 11, TP.HCM) lại tất bật bày giấy mực, bút lông lên chiếc bàn nhỏ đặt trên vỉa hè đường Trần Quý để viết liễn, câu đối Tết cho người cần.

Ông đã làm nghề này suốt 50 năm qua. Ngày còn nhỏ, ông Cầu theo cha học viết chữ. 15 tuổi, ông đã có thể viết liễn, câu đối Tết thành thạo và theo cha "bán chữ" nuôi thân.

Từ đó, mỗi khi Tết đến, xuân về, ông đều bày giấy bút ra vỉa hè ngồi viết liễn, câu đối Tết cho mọi người.

{keywords}
Tháng Chạp, ông Cầu lại bày giấy, mực, bút lông ra vỉa hè viết liễn, câu đối Tết.

Ông kể: “Ngày còn nhỏ, tôi thích xem cha và mọi người viết chữ lắm. Tết nào, tôi cũng ra đường xem các thầy viết chữ. Sau này, tôi học viết chữ với cha. 15 tuổi, tôi đã viết được liễn nhưng không đẹp được như bây giờ”.

Trước đây, người đến đặt viết liễn, mua câu đối của ông đa phần là người gốc Hoa. Thế nên ông viết liễn bằng mực tàu trên nền giấy đỏ, chữ Hán.

Tuy nhiên, theo thời gian, khách của ông có đủ mọi lứa tuổi, thành phần với những thị hiếu khác nhau.

{keywords}
Ông học nghề viết liễn bằng chữ Hán này từ cha của mình.

Để chiều khách, ông học cách viết liễn theo kiểu thư pháp bằng tiếng Việt. Ngoài ra, ông cũng bắt đầu viết chữ bằng mực nhũ vàng trên nền giấy đỏ cao cấp. Việc này khiến những bức liễn của ông trông bắt mắt và phù hợp với không khí ngày xuân hơn.

Tại điểm viết liễn của mình, ông Cầu treo sẵn những bức liễn, câu đối bằng chữ Hán với nhiều kích thước, hình dạng khác nhau. Khách hàng có thể chọn mua những bức liễn, câu đối này nếu không muốn đợi lâu.

Hình dạng, kích thước của liễn, câu đối Tết phụ thuộc vào vị trí mà khách muốn treo, dán trong nhà.

{keywords}
Hiện nay, ông không viết bằng mực tàu nữa mà chuyển sang mực nhũ vàng.

Nếu như khách muốn treo, dán liễn ở 2 bên hông cửa, ông Cầu sẽ tư vấn cho người mua chọn liễn hình chữ nhật, dài khoảng 1m. Trong khi đó, nếu muốn dán liễn ở két sắt thì nên dùng giấy hình vuông….

"Đắt như tôm tươi"

Nội dung câu đối, liễn Tết tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng hoặc do ông chỉ định. Tuy nhiên, đa số khách đến đặt ông viết liễn đều đã chuẩn bị trước nội dung câu liễn, câu đối mình cần như: Vạn sự như ý; Xuất nhập bình an; Tân niên đại cát, Niên niên hữu dư…

Tùy vào kích thước, chất lượng giấy, mỗi bức liễn, câu đối của ông Cầu có giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Những ngày này, ông Cầu viết liễn Tết từ sáng đến chiều tối. Ông hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi vì khách hàng quá đông.

{keywords}
Ông làm nghề này được 50 năm.

Thời điểm buổi sáng và trời chiều mát mẻ là lúc ông đón nhiều khách hàng hơn cả. Vào những thời điểm này, ông phải nhờ thêm 3 người phụ nữ là người thân trong gia đình giúp mình nhận đơn đặt hàng, cắt giấy, giao liễn cho khách.

Những lúc như thế, ông dường như lọt thỏm trong núi giấy đỏ chất cao, cặm cụi pha mực, viết chữ. Ông vừa rời tay khỏi tờ giấy, người phụ nữ đã lập tức cầm lấy, đem phơi rồi xếp gọn vào túi, giao cho khách.

Ngoài những khách hàng vãng lai, trực tiếp đến tìm ông mua liễn, ông Cầu còn có một lượng “khách mối” đông đảo. Những người này đã đặt hàng với ông từ nhiều ngày trước. Ông cẩn thận ghi lại thông tin họ và nội dung câu liễn, câu đối Tết vào 2 cuốn vở học sinh.

{keywords}
Ngoài khách đến mua liễn trực tiếp, ông có một danh sách dài những khách quen. Họ đã đặt ông viết liễn từ nhiều ngày trước.

Chờ lúc ít khách, ông lại giở cuốn sổ ấy ra để viết cho người đặt trước. Năm nay, dù dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế người dân nhưng lượng người đến mua, đặt liễn với ông Cầu vẫn không suy giảm.

Những ngày cuối năm, chiếc bàn nhỏ làm nơi viết liễn của ông vẫn tấp nập khách đến nhận, mua, đặt liễn. Bất chấp dịch bệnh và phải cạnh tranh với liễn in sẵn bán ngoài thị trường, những bức liễn, câu đối, chữ viết của ông Cầu vẫn bán "đắt như tôm tươi".

Ông Cầu chia sẻ: “Năm nay, tôi vẫn thấy lượng khách hàng không có gì thay đổi hay giảm sút. Việc treo, dán liễn trong nhà là nét văn hóa lâu đời. Có lẽ vì thế mà mọi người dù khó khăn cũng cố gắng có được bức liễn treo trong nhà vào đầu năm mới”.

{keywords}
Ngoài chữ Hán, ông Cầu còn viết liễn bằng chữ Việt.

Cuối ngày 25 tháng Chạp, ông Nguyễn Quang Bình (55 tuổi, quận 6, TP.HCM) đến điểm viết liễn của ông Cầu đặt chữ “Tâm” bằng chữ Hán để làm quà Tết cho người bạn của mình. Đứng quan sát ông Cầu viết chữ cho mình, ông Bình trầm trồ thán phục.

Ông chia sẻ: “Chữ ông Cầu lúc cần nghiêm trang thì nghiêm trang như mái đình, mái chùa, lúc cần mềm mại thì uốn lượn như dải lụa, ngọn sóng. Mỗi chữ của ông nét lớn, nét nhỏ trông rất đều, không dư thừa mà đầy đặn, cân đối”.

“Hiện nay, có nhiều liễn, câu đối in sẵn nhưng tôi vẫn thích xin chữ với người viết tay”, ông Bình nói thêm.

Bài, ảnh, clip:  Nguyễn Sơn

Bài cúng tất niên theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

Bài cúng tất niên theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

Bài cúng 30 Tết Nguyên đán - Văn khấn tất niên được VietNamNet tổng hợp theo văn khấn cổ truyền Việt Nam, độc giả có thể tham khảo.

Độc đáo phiên chợ Cán Cấu ngày cuối năm

Độc đáo phiên chợ Cán Cấu ngày cuối năm

Cán Cấu là một trong những chợ phiên hiếm hoi còn giữ được nét  hoang sơ vốn có của người dân tộc vùng cao, những ngày cuối năm phiên chợ này càng thêm nhộn nhịp.