Có lẽ trong mắt của mỗi người con thì bố mình là người vĩ đại nhất. Tự sâu thẳm trong lòng mình, tôi luôn muốn nói lời cảm ơn với bố. Không thể nói, kể hết được tình yêu, sự hy sinh mà bố đã dành cho chúng tôi.

Dường như chưa bao giờ tôi bày tỏ trực tiếp tình cảm với bố. Thế hệ 8X chúng tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ nếp sống, nếp nghĩ của thế hệ trước, hầu như rất ngại khi thể hiện cảm xúc, lại càng không bao giờ dám nói lời yêu với bố, mẹ.  Nhưng tôi tin bố luôn hiểu tôi.

Suốt thời thơ ấu, tôi lớn lên dưới bàn tay bố chăm nom, được bao bọc trong tình yêu của bố. Bố không chỉ dạy cho anh em tôi những nét chữ đầu tiên mà còn cho chúng tôi thấy làm việc, lao động là vinh quang.

Mỗi ngày một buổi đến trường, buổi còn lại anh em tôi chia nhau, đứa giúp bố mẹ việc nhà, đứa chăn bò, cắt cỏ, hái rau… Tối về, lại chụm đầu bên ngọn đèn nhỏ học bài.

Bố cũng là người chăm lo từ những điều nhỏ bé nhất cho chúng tôi. Ngày ấy khi cuộc sống còn khó khăn, quê tôi chưa có điện, tối nào sau bữa cơm tối, bố cũng soi ngọn đèn dầu tù mù kiểm tra răng lợi cho từng đứa con. Bố bảo cái răng cái tóc là góc con người. Bố muốn các con của bố sau này có những nụ cười thật đẹp.

{keywords}
 

Ngày tôi đi lấy chồng, buổi tiễn con về nhà chồng, bố chỉ dặn đúng một câu mà nghẹn ngào mãi không nói được: “Bố chỉ mong hai con sống hạnh phúc!”… làm vợ chồng tôi cũng xúc động theo.

Đến giờ, cũng đã hơn mười năm, lời dặn của bố vẫn văng vẳng bên tai. Chẳng rõ có phải nhờ lời dặn của bố không mà chúng tôi luôn bao dung, nhường nhịn lẫn nhau, sống giản dị đầm ấm.

Trong kí ức của tôi, bố mẹ thật vất vả, trong cái vất vả chung của xã hội khi đó và còn vì đàn con thơ. Tôi vẫn nhớ như in, gương mặt bố gầy hốc hác, đen sạm đi vì nắng gió mỗi khi vào vụ.

Bố mẹ tôi làm giáo viên nhưng vẫn phải làm thêm ruộng, cũng trồng trọt, chăn nuôi không kém gì các gia đình thuần nông.…Thậm chí tôi thấy bố mẹ còn vất vả hơn cả các bác nông dân. Bởi bố mẹ toàn tranh thủ việc đồng áng vào những lúc sáng sớm, đêm muộn vì ban ngày bận lên lớp với học trò, lại say sưa trong mỗi bài giảng của mình.

Tôi nhớ cả tiếng máy tuốt lúa của bố mẹ giữa đêm khuya. Ngày ấy lao động còn thủ công, lúa gặt về tuốt bằng máy tuốt đạp chân. Bố mẹ vừa làm vừa trò chuyện, tranh thủ khi hàng xóm bốn bên đã nghỉ ngơi, anh em tôi cuộn tròn trong những giấc mơ của mình.

Bố hiền hậu và lúc nào cũng nhẹ nhàng. Bố dạy dỗ chúng tôi qua những câu chuyện, những trang sách.

Bố là người rất yêu sách. Tôi nhớ gần như đi đâu bố cũng để ý kiếm tìm sách về cho các con của mình. Tuổi thơ của chúng tôi là làm bạn cùng những cuốn sách, cuốn truyện mà bố dành tặng. Lớn lên với thế giới trong truyện của các nhà văn, rồi vô vàn các tạp chí, sách báo của nhi đồng, thiếu niên, các câu chuyện về danh nhân, nhà khoa học.

Bố mẹ làm nhà giáo nên nhà tôi chẳng có gì ngoài sách. Khi rảnh rỗi, lúc đi chăn bò hay cả những lúc ngồi bếp nấu cơm, chúng tôi cũng luôn mang theo cuốn sách bên mình. Phải cảm ơn bố vì điều này, chính bố đã truyền tình yêu sách cho anh em tôi từ thơ bé.

Tôi luôn trân trọng những ngày tháng có bố ở bên, thương yêu, bảo ban, chở che… Bố bảo, bố không thể lựa chọn cho con con đường mà con sẽ đi nhưng bố sẽ giúp bước chân con vững vàng và cứng cáp, để có thể tự đứng dậy khi con vấp ngã. Tôi hiểu nhiều khi bố rất thương mình nhưng bố đã không chìa tay cho tôi nắm như ngày bé thơ nữa, mà để tôi phải tự gắng lên.

Hơn mười năm rời vòng tay bố mẹ, tôi có cuộc sống của riêng mình, tôi không nghĩ là mình đã đủ khôn lớn nhưng ít nhiều đã hiểu được hai tiếng thiêng liêng: gia đình! Bởi chúng tôi cũng đã được làm cha làm mẹ, ít nhiều hiểu những nỗi nông sâu trong cuộc đời.

Cuộc sống cũng kinh qua đủ mọi sắc thái, cung bậc, buồn, vui; hiểu nghĩa vợ tình chồng, hiểu mình luôn vay của bố mẹ và lại đắp đổi cho con của mình. Tôi luôn thấy nợ bố mẹ thật nhiều nên gắng sống tốt để tự an ủi rằng đấy cũng là một sự báo đáp.

Kỷ niệm với bố thì nhiều nhưng có một cảm giác thú vị của thời thơ mà tôi nhớ mãi, yêu mãi, ấn tượng sâu sắc. Đó là cảm giác ngồi sau xe đạp của bố, được bố chở đi muôn nơi. Khi là đến trường, khi là đi vào nhà ông bà nội lúc bố mẹ phải đi làm, có khi là đi về quê ngoại chơi...

Mỗi lần ngồi sau xe bố, tôi ôm chặt người bố thỏa sức ngắm nhìn những đám mây trắng trên trời và tưởng tượng ra đủ hình thù, ra bao nhiêu câu chuyện ngộ nghĩnh từ những dải mây ấy. Rồi nhiều khi đang đi đường, gặp học trò của bố, tôi nhớ cảm giác hãnh diện của mình khi thấy các anh chị học trò của bố đứng từ xa khoanh tay chào thầy rất lễ phép (trong suy nghĩ của trẻ thơ, tôi thấy bố sao mà vĩ đại thế, bố là thầy giáo cơ mà!).

Các bác hàng xóm rất yêu quý bố, hễ ai có việc gì cũng đến tìm bố để chia sẻ hoặc cũng có khi là xin bố lời khuyên về điều này, điều kia. Và mọi người thường gọi bố tôi bằng cái tên rất trìu mến: ông giáo.

Cho đến bây giờ, thi thoảng buổi trưa tôi tranh thủ về qua nhà ăn một bữa cơm. Bảo bố con ăn đơn giản, mà bố vẫn nhất định hâm lại bát canh cho nóng. Cả khi trời chuyển mùa. Lẽ ra tôi phải là người nhắc bố giữ gìn thì bố lúc nào cũng là người gọi trước, nhắc nhở, dặn dò.

Ngoài kia bao nhiêu sóng gió, về bên bố mẹ là mọi thứ dừng lại, chỉ còn ấm áp và bình yên. Cảm ơn cuộc đời đã cho con được làm con của bố mẹ!

Hồng Thắm

Sau loạt bài "Cha mẹ trong tim tôi", Ban Đời sống sẽ đăng tải các bài viết chủ đề "Thanh xuân của chúng ta". Mời độc giả gửi bài viết phù hợp về email: bandoisong@vietnamnet.vn. Toà soạn khuyến khích độc giả gửi kèm ảnh phù hợp. Trân trọng!

Mẹ tôi hát bên bàn thờ bố

Mẹ tôi hát bên bàn thờ bố

Ấy là lần đầu tiên tôi nghe mẹ hát, một bàt hát ru con. Và sau này mỗi lần bế con trên tay, nước mắt tôi lại chảy dài nhớ về mẹ.