Trên một hội nhóm thu hút sự quan tâm của hàng triệu thành viên, một nàng dâu kể về mâu thuẫn căng thẳng giữa vợ chồng cô với mẹ chồng phát sinh từ một chuyện rất nhỏ:
Hôm nay chồng dặn em đi chợ mua cá rô phi về rán giòn chấm nước mắm chanh tỏi ớt ăn cho đã, lâu không được ăn nên thèm.
Em ra chợ mua 17 nghìn/ 6 con cá, về rán giòn lên, sau đó làm nước chấm đợi chồng về để ăn. Mẹ chồng thấy em làm bát nước chấm cay thì nói:
- Mày làm cay vậy thì ai ăn, cả nhà có mình mày ăn cay, mày làm vậy để mình mày ăn cho sướng à. Mày không muốn cho ông bà này ăn nữa đúng không?
Em mới bảo:
- Mẹ không ăn cay thì lát con rót bát nước mắm khác có sao đâu ạ.
Em chưa nói dứt câu thì bà nói em chẳng ra gì rồi gọi điện bảo chồng em về dạy lại vợ. Chồng em về đến nhà chẳng nói gì nhưng mẹ chồng em cứ nói mãi. Chồng em tức quá bảo từ nay ăn riêng, ông bà thích ăn gì tự nấu mà ăn, khỏi phải chuyện bé xé ra to.
Nói xong thì mẹ chồng em bảo: "Mày cứ vậy bảo sao vợ mày không coi tao ra gì", rồi bỏ lên tầng nằm.
Ủa, em đã làm gì sai các chị? Chuyện chẳng có gì tự nhiên xé ra to, cuối cùng vợ chồng em cũng chẳng buồn ăn, 2 vợ chồng chở nhau ra quán ăn bát bún rồi về đi ngủ. Buồn quá các chị ạ…
Một tình huống xung đột từ những nguyên nhân rất nhỏ thường thấy trong các gia đình sống chung với bố mẹ chồng nhưng thu hút được khá nhiều sự quan tâm của cư dân mạng với nhiều ý kiến bình luận trái chiều.
Có người cho rằng nàng dâu đúng là cũng "có cái gì đó sai" khi ở với nhà chồng đã lâu mà ai ăn cay, ai không ăn cay lại không biết để mà chuẩn bị. "Nhà mình mỗi bữa cơm 3 loại nước chấm đây này, vì mỗi người thích một kiểu, mình làm luôn cho đủ bộ", "Lần sau biết ông bà không ăn cay thì chuẩn bị bát nước mắm thường đi", "Chị cũng không tinh ý, làm thêm luôn một chén không cay ngay từ đầu thì chắc đã không có chuyện gì xảy ra", "Nhanh trí bảo con đi làm thêm bát chấm không cay nữa là được thôi mà"… là những lời góp ý của các thành viên hội nhóm dành cho chủ thớt.
Song số khác thì cho rằng vấn đề nằm ở thái độ, cách "dạy con dâu" của mẹ chồng. Đành rằng không tinh ý làm thêm nước chấm cho ông bà là sai sót của con dâu nhưng cách nói của mẹ chồng thật khiến người có lòng cũng trở nên mất lòng và không còn muốn cố gắng làm một nàng dâu tốt: "Không ăn thì nhịn, làm rồi còn chê ỉ ôi, thích ăn tự vào mà làm", "Nghe mẹ chồng nói là biết người bảo thủ rồi, khổ thân con dâu quá", "Rồi ăn cá hay ăn mắm, mắm cay chứ cá có miếng ớt nào đâu. Người ta cũng đã bảo rót mắm khác cho rồi còn gì, khó hầu hạ vậy"...
Những mâu thuẫn nhỏ trong quá trình sống chung bắt nguồn từ cách ứng xử thiếu tinh tế, thiếu chừng mực của sự tôn trọng thế này khá phổ biến trong các gia đình Việt. Thường thấy là các bà, các mẹ ở vị thế mẹ chồng đôi khi sẽ cho mình cái quyền muốn nói gì thì nói mà không để ý đến cảm xúc, lòng tự trọng của con dâu.
Các nàng dâu nếu chưa đủ công lực để "tiếp chiêu" này, nếu tính tình thẳng ruột ngựa, chưa đủ khéo léo mềm mỏng trong ứng xử sẽ ngay lập tức gây ra các tình huống mâu thuẫn, mâu thuẫn nhỏ tích tụ lâu dần thành lớn sẽ trở nên khó hóa giải đến mức không còn ưa nổi nhau.
Các cô gái trẻ ngày nay so với phụ nữ xưa về độ "nhẫn" thì đã "kém" hơn, họ cho rằng ai cũng cần được đối xử tôn trọng, cho đi thế nào nhận về thế ấy, gieo yêu thương sẽ nhận về yêu thương, gieo khó khăn thì… cứ thế mà ở một mình. Bởi vậy, xu hướng vợ chồng trẻ bây giờ ngày càng muốn ra riêng, họ tin rằng "xa thơm gần thối", không còn ở chung trong cảnh ra đụng vào chạm, không còn thường xuyên nói với nhau những lời có tính sát thương thì mối quan hệ đôi bên sẽ trở nên tốt đẹp.
Nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để ra riêng. Nên trong một gia đình có bố mẹ chồng khó tính, nàng dâu lại không giỏi nhẫn nhịn, không khéo léo trong ứng xử thì người chồng ở giữa có vai trò rất quan trọng để hài hòa lại đôi bên. Các thành viên diễn đàn khen rằng cô dâu có người chồng biết thương và bênh vợ, nhưng muốn gia đình êm ấm, chồng đỡ phải khó xử, cô cần biết khéo léo, tinh tế hơn trong quan hệ với bố mẹ chồng.
Theo Dân trí
Mẹ chồng quá quắt khiến tôi trầm cảm sau sinh
Nay anh gọi điện cho tôi nói mẹ anh bắt tôi quay về, nếu không về thì sẽ cho người sang mang con tôi về và bắt chúng tôi ly dị.