Đại tá Lê Mạnh Hùng (73 tuổi) nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công 198, Bộ Tư lệnh Đặc công và bà Đặng Thị Phụng (63 tuổi) đã có hơn 43 năm nên nghĩa vợ chồng. Mới đây, hai ông bà cùng tham gia chương trình Mảnh ghép hoàn hảo. Câu chuyện tình yêu của họ khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Bà Phụng kể, ông Hùng và anh trai bà là bạn. Khi nghe anh trai kể về người bạn có khiếu hài hước, bà bắt đầu thấy ấn tượng. Thế nhưng khi gặp mặt trực tiếp, bà không dám nhìn vì ông… quá xấu trai. “Tôi vừa thấy ông ấy là đi luôn”, bà Phụng nhớ lại.

Ngược lại, ông Hùng bị “trúng tiếng sét ái tình” ngay lần đầu gặp bà Phụng. Ông kể: “Lần đầu gặp bà ấy, tôi đang đào hố vôi. Bà ấy đi qua, liếc tôi một cái rồi bỏ đi. Lúc tôi nhảy ra khỏi hố vôi thì bà ấy chạy mất. Hôm sau, qua nhà bạn, tôi thấy bà ấy đang lau xe. Tôi nói ngay với anh bạn giúp tôi đánh đổ bà ấy”.

{keywords}
Vợ chồng ông Lê Mạnh Hùng - bà Đặng Thị Phụng.

Để được bà chấp nhận tình yêu của mình, ông tìm mọi cách không cho bất cứ trai làng nào đến gần bà. Mặt khác, ông nhờ anh bà thưa chuyện với bố mẹ của bạn gái. Khi biết bố mẹ hai bên cùng là đội du kích ngày xưa, ông mạnh dạn sang nhà bà làm lễ dạm hỏi. Ý định của ông được hai gia đình chấp thuận.

Sau lễ ăn hỏi, ông đi chiến đấu biền biệt 2 năm liền. Vì không có tình yêu, một phần phải nghe nhiều lời bán tán "còn trẻ vậy mà lấy ông già", bà chỉ muốn từ bỏ hôn ước.

“Tôi viết thư cho ông ấy, xin hãy xem tôi như một đứa em gái. Nhưng ônh ấy hồi âm: “Dù em đi bốn bể phương trời, bằng giá nào anh cũng tìm đến em”, bà Phụng kể. Năm 1978, trở về từ chiến trận, ông sang nhà bạn gái đề nghị làm đám cưới. “Lúc đó tôi không muốn đồng ý, nhưng không dám cãi lại bố mẹ”, bà Phụng nói.

Đám cưới của hai ông bà diễn ra đơn sơ, bà khiến cả hội trường bật cười khi tiết lộ: “Tôi đưa cho ông ấy tiền mua quần mặc trong đám cưới, vậy mà ông ấy mang đi mua hoa trang trí phòng tân hôn hết”.

Sau đám cưới 3 ngày, ông phải tiếp tục lên đường chiến đấu ở Campuchia, rồi lại ra Bắc. Vì vậy 6 năm sau, vợ chồng họ mới sinh con con gái đầu lòng.

Cũng vì bận công việc, ông rất hiếm khi được ở bên vợ con. Mọi việc trong nhà từ chăm sóc con đến đối nội đối ngoại đều một tay bà lo lắng, vun vén.

{keywords}
Phải mất hơn 40 năm xa nhau, vợ chồng bà Phụng mới được ở bên nhau trọn vẹn.

Bà Phụng kể, lúc mới lấy nhau, một năm ông về thăm nhà được vài ngày. Sau này, thời gian công tác kéo dài hơn, có thời điểm ông đi biền biệt tới khi con gái đầu được 1,5 tuổi ông mới về nhà. Đến nỗi, con gái không nhận ra bố.

Ngày bà sinh con thứ hai, ông chỉ ở nhà nửa tháng lại phải lên đường làm nhiệm vụ. Sau đó, ông nhận lệnh đi công tác nước ngoài. Từ đó, thời gian hai ông bà ở bên nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Chia sẻ về cảnh sống xa nhà, xa vợ con, ông Hùng rất trăn trở và sốt ruột nhưng không còn cách nào khác bởi nhiệm vụ phải được đặt lên trên hết. Trong khi đó, mọi thông tin phải tuyệt mật "sống để dạ, chết mang đi". Bản thân là Lữ đoàn trưởng nên ông luôn phải là tấm gương đi đầu trong đơn vị.

{keywords}
Bà Phụng chia sẻ, mấy chục năm sống xa chồng cũng có lúc bà thấy tủi thân, rơi nước mắt.

Bà Phụng cho biết thêm vì ông đi biền biệt, ít khi ở nhà nên hai con thường bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt là “không có bố”. Buồn tủi, các con bà thường về nhà thủ thỉ với mẹ. Lúc đó, bà Phụng chỉ biết khuyên: “Vì công việc, bố mới phải đi xa. Mẹ ở nhà sẽ lo cho các con tất cả. Mẹ con mình cùng cố gắng nhé”.

May mắn, hai con hiểu và thông cảm cho bố mẹ, lại chăm ngoan, học giỏi, yêu thương nhau. Điều này đã an ủi phần nào cảnh phải sống xa chồng của bà Phụng.

Bà Phụng thừa nhận, khoảng thời gian ông đi làm nhiệm vụ biền biệt, phải một mình chăm con cũng có lúc bà thấy cô đơn, rơi nước mắt. Nhưng cảm giác ấy nhanh qua, vì bà còn có hai con bên cạnh. 

Sau bao năm công tác, hiện tại ông Hùng đã về hưu và sống chung với vợ con hơn 10 năm nay. Trước đây sống trong môi trường quân đội với các điều lệnh, kỉ cương nên khi về nhà, ông phải tập thích nghi với “cuộc sống mới”. Điều bà Phụng cảm thấy vui và hạnh phúc nhất là giờ đây gia đình đã được đoàn tụ. 

Tú Anh

Ảnh: Chương trình cung cấp

Người vợ Khánh Hòa nuôi chồng 70 tuổi học thạc sĩ

Người vợ Khánh Hòa nuôi chồng 70 tuổi học thạc sĩ

Bố mẹ mất sớm, học đến lớp 5, ông Tuyển phải bỏ học để mưu sinh. Đến khi lập gia đình, ông mới có điều kiện thực hiện ước mơ theo đuổi con đường học vấn của mình.