Hôm nay, tôi đăng bức ảnh chụp trước giờ giãn cách tại “resort” của chúng tôi, trường ĐH Bách Khoa, thay vì những bài ảnh Sài Gòn vắng lặng tôi chụp, vì chúng nhìn buồn quá.

Sân cỏ này vốn lúc nào cũng nhộn nhịp những trận bóng, những sự kiện đông đúc, nhưng nay chỉ tôi và cô gái cùng phòng đi cách nhau đến vài mét, chân trần chạy trên đám cỏ mới cắt, hít hà không khí thoáng đãng đầy mùi cỏ thơm nồng nàn. Nhiều khi cũng không thể ngờ, việc giản đơn như được “hít thở thoái mái” hóa ra cũng là một đặc ân, không khẩu trang không tấm chắn, lại đượm mùi cỏ tươi ngọt ngào…

Mấy tuần nay, đầu tôi lúc nào cũng ăm ắp cảm xúc và suy nghĩ, nhưng lại chẳng muốn viết gì, có lẽ im lặng cũng là cách biểu đạt cảm xúc hay trong thời điểm này, khi xung quanh ai cũng dễ tổn thương, dễ tranh cãi, dễ buồn...

{keywords}

Nhìn lại sinh viên của chúng tôi, khi xem hồ sơ xét trợ cấp, chúng tôi cũng bàng hoàng nhận ra nhiều em vốn xưa giờ tự lo phí sinh hoạt bằng cách làm gia sư, chạy bàn, phụ tiệc cưới…nay thậm chí không còn tiền để ăn. Mọi sự diễn ra ở Sài Gòn nhanh hơn bất kể nơi nào khác, bởi đặc tính đô thị, bởi thói quen, văn hóa sống và cả áp lực của một thành phố lớn.Hôm nọ, tôi nhờ bạn chở một vòng bằng “xe hơi” để ngắm Sài Gòn sau gần 2 tháng cung đường chỉ gói trường và nhà. Tôi thảng thốt nhận ra Sài Gòn thực sự đang thương tổn, chi chít những con đường giăng dây cách ly kéo dài, những cửa hàng trả mặt bằng san sát, những khu phố bán buôn sầm uất nay đìu hiu, xe cứu thương và bóng áo xanh bảo hộ liên tục gặp trên đường.

Hôm nọ, hai đứa con tôi than vãn rằng chúng nó xui quá, lớn lên gặp ngay đại dịch, không được đi nhà hàng, đi du lịch trên rừng dưới biển, không được về Hà Nội ăn uống đi chơi với ông bà ngoại…Tôi nói với các con tôi rằng con ơi, chẳng ai mà có trọn vẹn một cuộc đời không gặp những khó khăn cả.

Những gì các con đang nghĩ là khó khăn, còn đầy đủ hơn tuổi thơ thời bao cấp thiếu thốn của mẹ, sướng gấp nhiều nhiều lần thời của ông bà - cả thanh xuân trong thời chiến tranh, vất vả, sợ hãi, thậm chí đói khổ và đầy bất trắc.

Nhưng rồi ai cũng phải vượt qua, phải có ý chí cố gắng, thậm chí phải biết chấp nhận, vì nhiều thứ cố gắng rồi chưa chắc được đền đáp như ý vì cuộc sống đâu chỉ vận hành theo cách riêng ta, còn phụ thuộc cả một hệ thống xã hội, nhiều khi phụ thuộc cả may rủi.

Cách ta có thể làm chỉ là chăm chỉ và kiên nhẫn và thích nghi, chăm chỉ ngay cả khi đang yên ổn để lúc khó khăn thì có tích trữ, kiên nhẫn với mục tiêu trong mọi hoàn cảnh và phải biết thích nghi, đơn giản như những thứ xưa nay có thể nhờ dịch vụ thì nay hãy xoay xở tự làm mà không than vãn.

Việc gì rồi cũng qua, nhưng qua như thế nào, nhiều khi là do chính mình quyết định, vậy thôi. Sài gòn tối qua như đêm 30 kỳ lạ, hối hả mua sắm, vội vã đong đếm để trở về nhà trước giờ giãn cách… 9h tối nhiều nhà bắt đầu đóng cửa, karaoke, chả biết 12h đêm có “1,2,3 zô” không nữa…

Nhưng sáng nay, 7h rồi mà tôi nghỉ nghe thấy tiếng chim hót, không tiếng rao, tiếng còi xe tíu tít, có lúc vang lên tiếng xe cấp cứu... bỗng tôi thấy rưng rưng, có lẽ Sài Gòn thực sự nghỉ ngơi. Bình tĩnh nhé thành phố của tôi, rồi sẽ dần dần hồi sinh!

PGS. TS Bùi Mai Hương
(Giảng viên trường ĐH Bách Khoa TP.HCM)

Độc giả gửi bài viết về bandoisong@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin chân thành cảm ơn

'Chúng mình tạm thời xa nhau nhưng tâm hồn cứ nghĩ về nhau'

'Chúng mình tạm thời xa nhau nhưng tâm hồn cứ nghĩ về nhau'

Sự sẻ chia về tinh thần lúc này là cần thiết, nếu mình không thể làm được gì nhiều. Nhưng hơn hết, mỗi người hãy tự chăm sóc cho bản thân mình.