Bà Thái Thị Hường (đã mất một năm trước, thọ 91 tuổi) quê gốc Hải Phòng, một mình di cư vào Sài Gòn năm 17 tuổi. Trong quá trình làm việc, bà được cấp một căn hộ ở chung cư Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
Sau đó, bà lấy chồng, sinh lần lượt bốn con, ba trai một gái. Nhưng cuộc hôn nhân chóng tàn nên người mẹ ấy phải một mình nuôi con, lấy họ mình làm giấy khai sinh cho các con.
Năm 1972, bà Hường nhờ một người bạn đưa hai con trai Thái Văn Hiếu (tên gọi khác là Thảo) và Thái Văn Hiệp (tên gọi khác là Minh) đến Làng cô nhi Long Thành (Đồng Nai) gửi.
Anh Hiếu ngồi bên chung cư Lý Tự Trọng nhớ lại những kỷ niệm ngày còn nhỏ của mình với anh Hiệp. Ảnh chụp từ clip. |
“Một lần, tôi dẫn em Hiệp đi chơi thì để em bị lạc. Sau đó, cả mẹ và tôi phải đi khắp nơi mới tìm được em. Chắc mẹ gửi hai anh em tôi vì sợ chúng tôi lạc lần nữa”, anh Hiếu tự trả lời.
Ở Làng cô nhi Long Thành một thời gian, hai anh em anh Hiếu phải xa nhau, vì nơi đây giải thể. Anh Hiếu được đưa đến một cô nhi viện ở thành phố Vũng Tàu. Còn anh Hiệp thì được đưa đi nơi khác.
Chiến tranh kết thúc, bà Hường đưa con gái và con trai út xuống Cần Thơ sống.
Hai anh em gần 50 năm tìm nhau
Khi mẹ đưa đi gửi, anh Hiệp mới hơn 5 tuổi, vì vậy, anh chỉ nhớ lúc nhỏ có sống với mẹ, anh trai, chị gái và em trai út tại một chung cư gần nhà thờ Đức Bà ở Quận 1, TP.HCM. Người anh trai được mẹ gửi cùng anh tên Hiếu hoặc Thảo.
Tấm ảnh anh Hiệp ngày còn nhỏ, được mẹ dẫn đi chơi trên phố Sài Gòn. Ảnh tư liệu. |
“Tôi không hiểu tại sao mẹ lại đưa anh em tôi vào cô nhi viện. Lúc đó, tôi còn nhỏ nên không hình dung ra được khuôn mặt của mẹ như thế nào. Tôi chỉ nhớ, có lần, mẹ đến thăm hai anh em nhưng chỉ nhìn qua vách tường rồi mẹ đi”, anh Hiệp kể.
Đến tuổi thanh niên, anh Hiệp đi bộ đội. Biết anh bị lạc gia đình, sau khi xuất ngũ mấy người đồng đội đi tìm gia đình giúp anh nhưng các thông tin quá ít ỏi nên việc tìm kiếm không có kết quả.
Năm 1987, anh Hiệp sang Đức sống và làm việc. Tuy nhiên, khát khao tìm thấy người thân trong anh chưa bao giờ nguôi. Cứ vài năm một lần, anh mua vé máy bay về Việt Nam tìm mẹ và anh trai. Lần gần đây nhất là cuối năm 2019, anh Hiệp về nước để tìm người thân nhưng phải quay lại Đức trong vô vọng.
“Mấy chục năm qua, tôi luôn nhớ về Việt Nam. Người thân không có, bạn bè thân đứa nào cũng qua đời nhưng có gì đó thôi thúc nên tôi vẫn về. Có lúc, tôi chỉ biết đi về đại hoặc về để đến nghĩa địa thắp cho bạn nén hương thôi”, giọng anh Hiệp buồn bã.
Ở Vũng Tàu, anh Hiếu cũng đi tìm em trai và mẹ. May mắn hơn em trai, khi mẹ mang đi gửi, anh Hiếu đã lớn nên nhớ được tên mẹ, căn hộ chung cư nơi anh sống với mẹ và các em lúc nhỏ.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên anh Hiệp không thể về nước để đoàn tụ cùng anh trai. Ảnh cắt từ clip. |
Năm 1991, nhờ sự giúp đỡ của cư dân đang sống ở chung cư Lý Tự Trọng, anh Hiếu tìm thấy mẹ, em gái và em trai út. Tuy nhiên, người em trai mà mẹ mang đi gửi cùng anh năm xưa đi đâu, ở đâu anh vẫn không biết.
Cuộc đoàn tụ thông qua mạng xã hội
Nhà báo Thu Uyên, MC Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly cho biết, ban tổ chức chương trình nhận được hồ sơ tìm gia đình của anh Hiệp và anh Hiếu mấy năm trước. Tuy nhiên, tên trong giấy khai sinh của anh Hiếu là Thảo nên việc tìm kiếm ban đầu gặp khó khăn. Ban tổ chức chương trình đi gặp những người ở Làng cô nhi Long Thành xưa để tìm hiểu thông tin. Sau khi nhận được thông tin của anh Hiệp và anh Hiếu, thấy có nhiều trùng khớp, ban tổ chức đã tổ chức để hai anh em họ gặp nhau.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, anh Hiệp không thể về Việt Nam gặp người thân dù rất muốn về. Vì vậy, trong ngày đoàn tụ, anh em họ chỉ biết gặp nhau thông qua mạng xã hội.
Anh Hiệp chia sẻ qua video call: "Trời ơi tôi chỉ muốn bay ngay về Việt Nam lúc này! Tôi ước được ở ngay hội trường của các bạn ngay lúc này! Nhưng không thể nào! Thành phố tôi ở vừa giãn cách từ ngày 22/12, không được đi đâu hết".
Anh Hiếu xúc động khi nghe câu chuyện khát khao tìm lại người thân của em trai. Ảnh cắt từ clip. |
Còn anh Hiếu gần đến ngày được gặp em trai thì phải nhập viện cấp cứu. May mắn, sau 4 ngày hôn mê anh cũng tỉnh lại để bắt chuyến xe từ Vũng Tàu đến Sài Gòn. Lúc được nhìn thấy em trai qua sóng truyền hình, nước mắt anh rưng rưng.
Ở Đức, anh Hiệp cũng xin nghỉ làm để đoàn tụ với người thân qua sóng truyền hình. "Tôi ước gì được về Việt Nam để gặp người thân ngay lúc này, đúng dịp năm mới", anh Hiệp nói. Anh hứa với anh trai sẽ chăm sóc sức khỏe tốt để khi dịch bệnh hết, điều anh làm đầu tiên là về Việt Nam gặp người thân.
Xem thêm video: Mê mẩn vườn dâu lớn nhất miền Tây, trái kín đặc từ gốc đến ngọn
Hai mẹ con Đồng Nai lạc nhau 51 năm dù ở sát bên
Mẹ ở huyện Long Khánh, con ở huyện Long Thành (Đồng Nai). Hai huyện này sát nhau vậy mà hơn 51 năm qua, họ phải mòn mỏi đi tìm nhau.
Tú Anh