Một sinh viên hỏi, ông có buồn lắm không? Có rơi nước mắt không khi người bạn mấy chục năm rong ruổi cùng mình qua quãng đời cùng cực đã không còn nữa? Ông chỉ thở dài và lắc đầu.

“Tôi chưa từng rơi nước mắt kể từ khi bà ấy ốm nặng cho đến sau khi bà ấy qua đời. Thế nhưng tôi phải mất một năm để quên được tiếng gọi: “Ông ơi” vào mỗi buổi chiều tà. Bà ấy đi làm về sẽ ngồi ở con đê trước mặt kia và gọi như vậy”, người đàn ông khắc khổ, đôi mắt đã đục mờ hướng về phía con đê.

Ông là Nguyễn Văn Thảo (84 tuổi, quê Nam Định).  

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Thảo (84 tuổi) hiện sống đơn độc trên con thuyền cũ kỹ ở bãi giữa sông Hồng.

Khoảng những năm đầu của thập niên 90, ông bán nước trên một vỉa hè nhỏ của thành phố Nam Định và bất ngờ gặp bà Trần Thị Xuân - người phụ nữ với gương mặt đầy suy tư. Ông không hỏi bà về hoàn cảnh, bà cũng không hỏi ông về gia đình. Họ giao tiếp và hiểu nhau qua ánh mắt.

“Thế rồi bà ấy đồng ý đi cùng tôi, góp gạo thổi cơm chung với tôi từ lần gặp đó”, ông Thảo nhớ và kể lại bằng giọng chậm rãi.

Hai ông bà từng đưa nhau đi nhiều nơi, làm nhiều nghề khác nhau nhưng cuối cùng họ chọn con thuyền trong xóm nổi ở bãi giữa sông Hồng (khu vực gần cầu Long Biên, Hà Nội) làm nơi neo đậu cuộc đời mình.

Hàng ngày, trên chiếc thuyền cũ kỹ, ông Thảo làm đồ chơi dân gian rồi mang đi bán ở các cổng trường, khu công viên trên địa bàn Hà Nội. 6h tối, ông lại về cơm nước chờ bà Xuân đi nhặt và bán đồng nát về.

{keywords}
Đồ chơi dân gian hình các con vật được ông Thảo làm từ những tấm bìa carton cứng.

Cuộc sống của cặp vợ chồng chưa từng có hôn lễ cứ thế trôi qua. Ông không nhận mình có một tình yêu đẹp, lãng mạn và khiến người ta ngưỡng mộ như trong những câu chuyện cổ tích. Nhưng ông chắc chắn gần 30 năm chung sống bên nhau, hai ông bà chưa một lần to tiếng.

“Tôi bị bệnh tim còn bà ấy cao huyết áp. Chúng tôi không có con chung nhưng cả hai cứ nương tựa vào nhau. Lúc tôi mệt thì bà ấy chăm, lúc bà ấy ốm thì tôi phục vụ. Người này nói một lời người kia đã hiểu đủ ý nên chưa bao giờ chúng tôi to tiếng với nhau”, ông Thảo nói.

Vốn ốm đau bệnh tật liên miên, ông Thảo từng nghĩ sẽ là người “đi trước” vợ. Nhưng rồi một ngày bà Xuân bỗng phát bệnh nặng và yếu dần...

“Đó là một buổi chiều cách đây chừng 6 năm. Bà ấy nôn ói liên tục. Tôi đưa bà ấy đi viện cùng tất cả tài sản là 17 triệu đồng. Khi tiêu hết số tiền ấy, tôi buộc phải đưa bà về thuyền”, ông Thảo nhớ lại.

Từ đó, hai ông bà cầm cự với nhau bằng số thuốc do các mạnh thường quân cứu giúp. Nhưng thuốc đó cũng chẳng đủ để bà Xuân hồi phục sức khỏe nên việc kiếm tiền duy trì cuộc sống gia đình phụ thuộc phần lớn vào ông.

“Tôi lo cho bà ấy nên lúc nào cũng phải ở cạnh, vừa chăm sóc, vừa cặm cụi làm đồ chơi dân gian. 3h chiều tôi mới rời khỏi thuyền đi bán hàng. 6h tối lại có mặt ở nhà để cơm nước, phục vụ bà”, ông Thảo kể.

{keywords}
Kể từ khi người bạn đời rời khỏi trần thế, sức khỏe ông Thảo kém hẳn đi.

4 năm sau ngày đi viện, bà qua đời. Ông Thảo vẫn nhớ, lúc đó, ông chỉ kịp gọi hàng xóm rồi ngất đi.

Những người trong xóm nổi phải chia nhau người đưa ông Thảo đi viện, người lo ma chay cho bà Xuân.

“Lúc bà ấy mất, tôi không có một xu trong người nên mọi việc lo toan, mai táng đều nhờ vào chính quyền địa phương, hàng xóm và mạnh thường quân”, người đàn ông lớn tuổi nói giọng chậm rãi.

Lúc ông từ viện trở về, thấy phần mộ của bà đã yên vị ở sau khuôn viên miếu Hai cô - một ngôi miếu nằm gần khu vực gầm cầu Long Biên. Ông Thảo mới thở phào: “Vậy là, bà ấy đã được an nghỉ ở một nơi tốt đẹp”.

Khi trở về con thuyền quen thuộc, ông Thảo lại nhớ người bạn đời của mình đến cồn cào: “Từng vị trí bà ấy hay nằm, hay ngồi cứ in đậm trong tâm trí tôi. Rồi đi đâu đó, thấy bóng dáng ai giống bà ấy, tôi lại giật mình”.

Nhiều sinh viên, khách du lịch, mạnh thường quân đi qua đê, thấy ông Thảo ngồi ngẩn ngơ ở cửa thuyền nên ghé vào.

Họ giúp đỡ người đàn ông già yếu này bằng cách mua những đồ chơi dân gian do ông làm ra như: con rùa, con rồng, con rắn, con heo... bằng bìa carton và ở lại nói chuyện cho ông đỡ buồn. Nhưng khi một mình ông Thảo lại đau đáu nỗi xót xa với người vợ quá cố.

"Sống với bà ấy hơn 20 năm, lúc bà ấy gần qua đời, tôi mới biết bà ấy cũng có một nỗi khổ tâm giống tôi. Sinh ra 4 người con vì lý do khó nói nên đến cuối đời vẫn không dám nhận bất cứ ai... ".

"Đôi lúc thấy con, bà ấy còn cụp nón xuống để chúng không nhận ra mình... rồi khi mất cũng chỉ nhờ vào những người không thân thích", ông Thảo ngậm ngùi.

Ông Thảo bảo gần đây, một vài người của trung tâm bảo trợ và nhà tình thương đề nghị đón ông Thảo về, lo cho ông đến hết cuộc đời nhưng ông còn đắn đo.

"Bà ấy mất đi khi nỗi khổ tâm chưa được giải tỏa. Vì vậy dù thế nào, tôi cũng muốn hương khói, thăm nom mộ bà ấy đến hết 3 năm cho trọn vẹn nghĩa tình... ”, ông Thảo khẽ hướng đôi mắt đục mờ về phía ban thờ, nơi có di ảnh người đàn bà đã rời xa ông 2 năm về trước.

Cụ ông Sài Gòn chải tóc cho người bạn đời trong tiệm áo cưới

Cụ ông Sài Gòn chải tóc cho người bạn đời trong tiệm áo cưới

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày cưới, cặp vợ chồng ở TP.HCM đã chụp bộ ảnh kỉ niệm đám cưới vàng khiến người xem xúc động.

Minh Anh - Thanh Tùng