Căn nhà nằm ở cuối con hẻm trên đường Nguyễn Thái Sơn (P.5, Q. Gò Vấp, TP.HCM). Nhà chật. Bên trong, người đàn ông cao to đang nằm ngủ trên nền nhà. Cạnh đó, vợ ông đang nấu ăn, chuẩn bị bữa cơm chiều. Bên ngoài nhìn vào, ít ai có thể ngờ, cả hai người đều khiếm thị ...

Đám cưới trong mơ

Ông là Bùi Hữu Minh, 55 tuổi, bị mù khi lên 2 tuổi. Bà là Lê Thị Tường Vi, 51 tuổi. Đôi mắt bà không còn nhận được ánh sáng từ lúc lên 7 sau một cơn bệnh nặng. Do nghèo và thiếu kiến thức, người nhà đã làm cho bà trở thành người khuyết tật.

Chúng tôi đến thăm ông bà vào buổi chiều. Bà cho biết, hôm nay ông không đi bán vé số nên nằm ngủ. Bên ngoài tiếng nhạc vang dội từ chiếc loa của nhà hàng xóm không làm ông thức giấc. Bà nói, ngoài bị mù ông còn bị điếc mấy năm nay.

Nhìn vào trong nhà, vật dụng bề bộn, không có món đồ nào đáng giá. Không tủ, không bàn, không giường chiếu. Tất cả sinh hoạt ăn, ngủ đều diễn ra trên nền nhà.

Chúng tôi ngồi bên bà gợi chuyện. Ba kể lại, năm ấy bà mới 16 tuổi, đang theo học lớp 2 - lớp học dành cho người mù thì gặp ông. Ông đến để tìm một người bạn cùng cảnh ngộ. Họ chỉ nghe tiếng nói, không thể nhìn thấy nhau. Người bạn nói với anh ấy, 'anh thương chị này không? Chị ấy dễ thương lắm. Anh cười bâng quơ không nói gì. Một lát sau anh nói  'không biết cô ấy có thương mình không?'.

'Chỉ có vậy nhưng tôi thấy trong lòng xốn xang khó tả', bà thẹn thùng kể lại với chúng tôi.

Bà nói, sau này ông cho biết trong lòng ông cũng rộn ràng không kém. 'Có một lần các bạn tổ chức vui chơi mời ông đến. Hôm ấy, ông ca một bài vọng cổ mà giờ đây đã hơn 30 năm trôi qua tôi vẫn còn nhớ'. Kể đến đây, bà dừng lại. Lấy hơi, bà ca câu vọng cổ năm nào thật ngọt. Dường như trong tâm trí bà, hình ảnh của ngày xưa đã hiện về.

'Từ bài hát này tôi thương ông. Ông cũng rất thương tôi. Chúng tôi bàn tính với nhau chuyện cưới xin. Đám cưới diễn ra. Đơn giản lắm. Tôi mặc áo trắng quần tây mượn của một người bạn. Ông mặc lại chiếc quần cũ, chỉ mua thêm áo mới giá 50.000đ. Toàn bộ chi phí cho đám cưới vỏn vẹn 200.000đ. Thế mà cũng xong. Chúng tôi về ở với nhau, hàng ngày cùng bươn chải kiếm cơm.

Một hôm, sau khi đi bán vé số về, ông ngồi bên tôi lấy ra chiếc bánh bao. Ông bẻ làm 2 đưa tôi một nửa có trứng cút vì ông biết tôi thích. Trong lúc cùng ăn, tôi nói với ông, 'lần sau có mua anh mua 2 cái nhé'. Tụi mình mời mẹ một cái chứ ăn một mình không ngon'.

Ông đồng ý với tôi và ngay hôm sau, ông mang về 3 cái. Cũng một cái cho hai vợ chồng và 2 cái còn lại ông mời những người trong gia đình. Ai cũng cảm động trước hành động của ông'.

{keywords}
Bà Vi chuẩn bị bữa cơm cho hai vợ chồng.

Bà kể tiếp: 'Năm 1994 tôi sinh đứa con gái đầu lòng nhưng không lâu sau nó mất. Hai đứa con trai tiếp tục ra đời. Chúng đều lành lặn và khỏe mạnh... Câu chuyện chỉ có thế nhưng tôi rất vui. Những người tàn tật, mù lòa như chúng tôi mấy ai dám nghĩ đến hạnh phúc. Thế mà chúng tôi đã có và mãi mãi bên nhau'.

Đứa con hiếu thảo

Chúng tôi ghé vào điểm bán nước đá lẻ ở góc đường Nguyễn Thái Sơn - Dương Quảng Hàm. Một thanh niên còn rất trẻ, vẻ mặt hiền lành đang chặt nhỏ cây nước đá.

Cậu ta làm việc rất cẩn trọng. Ra được bao nhiêu viên đá, cậu cho vào chiếc túi ni lông. Đầy bao, cậu đem ra ngoài giao cho một người đàn ông đang đứng đợi. Cầm tờ giấy 10.000đ trong tay, cậu ta cúi gập đầu, nói lời cảm ơn.

{keywords}
Trí cặm cụi làm việc.

Cậu thanh niên này chính là con trai út của đôi vợ chồng mù. Cậu tên Bùi Minh Trí, năm nay 19 tuổi, đã làm việc tại đây được 3 năm nay.

Tâm sự với chúng tôi, Trí nói, 'con rất thương ba má. Hàng ngày cứ sáng má dậy sớm lo cơm nước cho cả nhà. Xong, hai người ra khỏi nhà, mỗi người mỗi hướng. Cả ba và má bán khoảng 200 vé số/ngày để có tiền lời 200.000đ, đủ chi phí cho cả nhà. Nhưng, đến một hôm, trên đường đi bán, một người đàn ông đi xe máy đến sát bên má. Anh ta nói, ở chùa Phổ Quang có phát gạo cho người khuyết tật. Chị muốn nhận không tôi chở chị đi.

Nghe có gạo từ thiện, má mừng lắm. Lên xe, đi được một quãng, anh ta nói với má: 'Tới rồi chị xuống đi'. Vừa xuống, anh ta giật ngay chiếc túi xách má đang mang trên người và chạy mất. Má hoảng hốt la lên. Nhiều người chạy đến, má mới biết mình đang ở công viên Gia Định'.

'Hôm ấy má mất 200 vé và khoảng 3,5 triệu tiền mặt. Má buồn lắm. Con cương quyết không cho má đi bán nữa.

Con đến gặp ông chủ đại lý vé số trình bày hoàn cảnh như thế và xin được trả dần khoản nợ. Ông đồng ý. Hàng ngày con trả góp cho ông đến nay đã xong lâu rồi. Giờ chỉ còn mình ba đi bán. Nhiều lúc nghe người này người kia kể, gặp ba ngồi ở lề đường mời khách từng tờ vé số mà xót lắm bác ạ'.

Khách vào. Trí tiếp tục bán. Ông chủ vựa nước đá cho biết, mỗi ngày Trí làm việc từ 5h sáng đến 21h, bao ăn ở. Ba năm nay lương tháng được bao nhiêu Trí đưa hết cho mẹ, chỉ giữ lại vài chục tiền lẻ.

Ông nói: 'Tôi chưa thấy đứa trẻ nào như nó. Nó rất hiếu thảo với cha mẹ, thương yêu tất cả mọi người trong gia đình và bè bạn'.

Ông Vương Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND Phường 5 cho biết, trường hợp của ông Minh và bà Vi luôn được phường quan tâm.

Ngôi nhà ông bà đang ở là nhà tình thương do hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tặng. Hiện nay những khoản trợ cấp đặc biệt phường đều dành cho ông bà. Ngoài ra còn có những khoản trợ cấp khác vào các dịp lễ Tết.

Nhìn đôi vợ chồng đối đãi với nhau hạnh phúc. Bên cạnh đó, đứa con còn nhỏ nhưng đã có những báo đáp thể hiện tình yêu thương cha mẹ. Ông bà cũng luôn được chính quyền và bà con xung quanh quan tâm thương yêu. Thử hỏi trong cuộc sống bộn bề này cho dù giàu có đến đâu, mấy ai được hưởng trọn vẹn những tình cảm quí báu ấy?

Sau 6 năm, chuyện tình của cặp đôi 'ông 60 - cháu 17' giờ ra sao?

Sau 6 năm, chuyện tình của cặp đôi 'ông 60 - cháu 17' giờ ra sao?

Cặp đôi yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên vào năm 2013, lúc đó Lâm Tĩnh Ân chỉ mới 17 tuổi.

Trần Chánh Nghĩa