Chuyến xe định mệnh

Căn nhà cấp bốn của bà Nguyễn Thị Phượng (tên gọi khác là Hợp), hơn 50 tuổi, nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở đường số 2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Vừa điều trị xong căn bệnh xuất huyết dạ dày và giãn thanh quản nên sức khỏe bà Hợp còn yếu, da mặt xám lại, người tiều tụy.

Bà Hợp cố nén nước mắt kể lại. “Tôi bị lạc gia đình khi còn rất nhỏ. Tôi không biết năm đó mình mấy tuổi, nhà chính xác ở đâu. Tên và tuổi của tôi bây giờ là do các sơ tự đặt”, bà Hợp mở đầu câu chuyện.

{keywords}
Bà Hợp ngày còn trẻ.

Trong ký ức ít ỏi, bà Hợp chỉ nhớ bà là con gái út trong gia đình có anh hai (anh cả) tên Sơn, hai chị gái tên Lệ và Linh. Nhà bà trước đây ở gần nơi ở của một trạm lính Mỹ. Đường vào nhà là đường đất, nhỏ hẹp. Quanh nhà có nhiều cát trắng và cây xanh. Bà chỉ nhớ có mẹ tên là Mai, còn bố là lính ngụy trước 1975.

“Lâu lâu, ba tôi mới về nhà một lần. Mỗi lần về, ba mặc đồ rằn ri, đội mũ cối, đi trên xe jeep và mua quà bánh cho anh em tôi. Có lần ba chở tôi trên xe jeep về thăm nội, đường đi cũng không xa lắm”, bà Hợp hồi tưởng về quá khứ.

Một ngày, ba bà về nhà giữa khuya, mua cho các con ổ bánh mì to. Do chưa ngủ nên bà nghe được ba mẹ nói chuyện với nhau. “Tôi nghe ba nói, bằng giá nào cũng phải lo cho các con, nhất là bé Hợp. Sau đó, ba đi”, bà Hợp nhớ lại.

Sáng hôm sau, một chiếc xe không có mui, chỉ có hai hàng ghế dài hai bên đến nhà (loại xe nhà binh - lời bà Hợp). “Mẹ lấy theo ít vật dụng rồi đưa 4 anh em tôi ra xe. Sau đó, có mấy gia đình khác cũng lên xe”, bà Hợp kể.

Trên đường đi, chiếc xe bất ngờ phát ra tiếng nổ lớn rồi lật nhào. Tỉnh dậy, bà thấy mình nằm trong khu lều bằng dù trắng, toàn thân đau đớn, cánh tay phải đã bị mất. Trong lều còn có nhiều người bị thương, người bê bết máu.

Sau khi hồi phục sức khỏe, bà được một người phụ nữ ở vùng cầu Giồng Ông Tố (nay là đường Nguyễn Thị Định, Quận 2) nhận nuôi.

{keywords}
Bà hợp cho biết, từng trải qua ba lần bệnh thập tử nhất sinh, giờ đây, bà chỉ mong mình có sức khỏe để được gặp lại người thân.

15 tuổi bị bán đi làm vợ

Ở với mẹ nuôi, bà đi mót lúa, chăn vịt. Một lần đi chăn vịt để vịt đi lạc, bà bị mẹ đánh nên bỏ nhà đến sống ở khu vực chợ Thủ Thiêm (nay là quận 2).

Nhìn thấy bé gái tội nghiệp, bị cụt một tay các dì, các tiểu thương ở chợ cho ăn, mua quần áo cho mặc. Họ cũng đặt tên cho bà là Hợp.

Một lần, bà leo lên phà qua quận 1 chơi rồi bị thu hút bởi đèn đường sáng rực về đêm, các hàng quán bày biện đẹp mắt, người, xe cộ đi lại nhộn nhịp. Chỉ có bộ quần áo trên người, ban ngày bà Hợp lang thang xin ăn, chiều xuống bến Bạch Đằng tắm, tối thì đến gầm cầu, leo lên các sạp bán hàng ở chợ ngủ.

“Có những đêm sốt cao, tôi chỉ biết nằm co ro chịu đựng. Tôi còn bị đánh, hắt hủi, may mắn không bị xâm hại”, giọng bà Hợp lắng lại.

Những năm sau đó, bà lang thang khắp Sài Gòn, leo lên xe khách, lên tàu hỏa đến nhiều tỉnh khác nhau. Vì vậy, mẹ nuôi không tìm được bà.

{keywords}
Chồng bà Hợp đã bỏ đi khi vợ nằm viện điều trị. Giờ đây, trong căn nhà chỉ có ba mẹ con bà ở. Vì vậy, bà càng khát khao tìm được gia đình để hai con trai biết nhà ngoại như thế nào, ở đâu.

Một lần nữa, bà Hợp được một người phụ nữ đưa về nhà nuôi. Ở với người này, bà phải đi xin tiền đưa về cho mẹ. “Hôm nào tôi xin được nhiều còn có cơm ăn. Hôm nào tôi xin được ít tiền sẽ bị mẹ đánh”, bà Hợp nhớ lại.

15 tuổi, bà Hợp bị mẹ nuôi bí mật bán cho một người đàn ông. Làm vợ người đàn ông được một tuần, bà bỏ trốn, tìm về nhà mẹ nuôi thì người phụ nữ này đã chuyển đi nơi khác. Vậy là, một lần nữa, bà lại phải sống cảnh lang thang. “Có mấy lần, tôi được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng bỏ trốn ra ngoài. Không hiểu sao lúc đó tôi lại làm như vậy”, bà Hợp giải thích.

Cuộc hội ngộ bất ngờ

Cuộc đời bà Hợp chỉ bắt đầu bình yên khi lấy chồng và sinh lần lượt hai con trai.

Năm 1999, được sự giúp đỡ của một người phụ nữ người nước ngoài cùng sự chắt chiu trong thời gian đi làm giúp việc, lao công, bà mua được căn nhà để ổn định chỗ ở. 

Cuối năm 2019, bà được nhà hàng xóm cho chiếc tivi kết nối được internet. Một lần mở tivi lên, bà Hợp xem được chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Nghe những câu chuyện của người thất lạc gia đình đi tìm nhau, nhìn thấy người ta tìm được người thân, ôm nhau hạnh phúc, nước mắt bà rưng rưng.

{keywords}
Bà Hợp gặp lại gia đình ông Đúng đã cưu mang bà năm xưa. Ảnh: NVCC.

“Từ khi lạc bố mẹ, các anh chị, tôi nhớ họ lắm. Có lúc, tôi rất buồn, tự hỏi sao số phận mình cực khổ vậy. Nước mắt lúc đó cứ chảy ra, muốn đi tìm gia đình nhưng không biết làm sao”, mắt ngấn lệ, bà Hợp nói.

Xem xong chương trình, bà cùng con trai đến ban tổ chức nhờ tìm gia đình giúp. 

Đọc được thông tin, nhìn hình ảnh của bà Hợp, ông Võ Văn Đúng, 61 tuổi, ở phường Cát Lái, Quận 2 nhận ra ngay cô bé mất cánh tay từng được mẹ và chị đem về nuôi 50 năm trước. 

Ông Đúng kể, ông còn nhớ thời điểm đó vào khoảng năm 1968. Lúc đó, ông khoảng 9-10 tuổi. Khi đi học về, ông thấy trong nhà có bé gái cụt tay, khoảng 5 tuổi bị lạc gia đình và được bà Chín Ốm (con gái nuôi của mẹ ông Đúng) đưa về nuôi.

Ngay lập tức, ông gọi cho bà Hợp theo số điện thoại mà người đăng tin cung cấp.

Được gặp lại gia đình đã cưu mang mình năm xưa, bà Hợp mừng khôn xiết. Vừa ngắt điện thoại, bà nói con trai lớn chạy xe máy từ quận Thủ Đức sang Quận 2 gặp gia đình ông Đúng ngay. "Tôi vui lắm. Mẹ nuôi tôi (bà Chín Ốm) đã đi đâu không ai biết, nhưng từ nay tôi còn có một nơi nữa gọi là gia đình", bà Hợp nói.

Bà Hợp cho biết, bà từng trải qua 3 lần bệnh tưởng như không còn sống được nữa vì vậy, sức khỏe bà ngày càng yếu. Chồng bà thì đã bỏ đi khi vợ đang nằm viện điều trị bệnh. Điều bà mong bây giờ là có thể tìm lại được người thân.

"Tôi đã làm xong thủ tục giấy tờ tùy thân cho các con rồi. Căn nhà này, tôi cũng sẽ làm thủ tục cho hai con trai. Bây giờ, tôi chỉ mong được ôm bố mẹ, các anh chị trong tay, để hai con tôi còn có người thân khi mẹ có mệnh hệ gì", bà Hợp nói, nước mắt cứ thế lăn dài trên má.

Độc giả có thông tin về người thân của bà Hợp vui lòng liên hệ trực tiếp hoặc gọi về số điện thoại 0989167408 (anh Tài - con trai bà Hợp) hoặc 0372909874 (bà Hợp). Trân trọng cảm ơn.


Người mẹ miền Tây khóc cạn nước mắt tìm con mất tích suốt 6 năm

Người mẹ miền Tây khóc cạn nước mắt tìm con mất tích suốt 6 năm

Suốt 6 năm qua, người mẹ miền Tây rong ruổi khắp nơi kiếm tìm đứa con trai mất tích. Hành trang của bà là nước mắt và tấm chăn bị cháy thủng.

Tú Anh