Hàng năm, khoảng từ cuối tháng Chạp đến hết tháng 2 Âm lịch năm sau, trái thanh mai (dâu rừng) lại chín rộ trên dãy Hoành Sơn. Đây cũng là thời điểm người dân các xã Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Châu của huyện Quảng Trạch, Quảng Bình lại rủ nhau đi hái "lộc rừng".
Những người đi hái thanh mai trên dãy Hoành Sơn chủ yếu là phụ nữ, tranh thủ lúc nông nhàn, đầu năm chưa có việc làm để kiếm thêm thu nhập. Năm nay, thời tiết thuận lợi, thanh mai sai trái và bán được giá nên nhiều lao động nữ tại các xã nghèo của huyện Quảng Trạch có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Chị Phạm Thị Liệu (SN 1987, trú xã Quảng Kim) làm thợ hồ nhưng nhiều năm qua, cứ đến mùa thanh mai, chị lại gác công việc, thường xuyên có mặt trong "biệt đội" đi hái "lộc rừng" trên dãy Hoành Sơn.
Theo chị Liệu, thời điểm này, núi rừng dãy Hoành Sơn mây mù luôn giăng kín. Để hái được những trái thanh mai rừng to, căng mọng, phải dậy lúc tờ mờ sáng, băng cắt vào sâu trong rừng để tiếp cận thanh mai.
"Thời tiết năm nay thuận lợi, không gặp phải sương muối nên thanh mai sai trái, chín đẹp. Như tôi, mỗi ngày luồn rừng hái thanh mai cũng thu được từ 20-30 lon (lon vỏ hộp sữa đặc - PV). Với số thanh mai đó, mỗi ngày tôi cũng kiếm được cả triệu đồng, khỏe hơn đi làm thợ hồ nhiều", chị Liệu chia sẻ.
Theo nhiều lao động nữ có thâm niên hái thanh mai trên dãy Hoành Sơn, trước đây loài cây này mọc rất nhiều, chỉ cần vào sát bìa rừng là đã nhìn thấy. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều diện tích rừng dưới chân dãy Hoành Sơn đã được khai phá để trồng keo tràm nên cây thanh mai rừng ít dần. Bây giờ muốn hái được nhiều quả thanh mai, phải vào sâu trong rừng, leo lên tận những đỉnh núi cao...
"Cây thanh mai có khi mọc thành rừng, nhưng cũng có khi nó mọc xen với những loại cây rừng khác. Với những người đi hái quả có kinh nghiệm, mỗi lần gặp một vạt thanh mai lớn, họ sẽ tìm cách ghi nhớ thật kỹ vị trí để lần sau, mùa sau tìm lại mà hái. Lúc hái thanh mai, chúng tôi luôn cẩn thận hái những trái chín, không làm những trái xanh bị rụng để lần sau còn có mà hái tiếp", chị Đàm Thu Thủy cho hay.
Theo người dân các xã Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Phú…, mỗi năm núi rừng dãy Hoành Sơn có 4 mùa quả: Móc, sim, thanh mai, muồng. Người dân trong vùng đặt tên từng mùa theo 4 thứ quả ấy và mỗi mùa quả đều mang về cho người dân nguồn thu nhập đáng kể. Theo người dân sống dưới chân dãy Hoành Sơn, trước đây, mỗi mùa thanh mai chín, nhiều người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em thường đi hái về để ăn tươi vì đây là món "khoái khẩu" mà họ yêu thích.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Chu Viết Dũng - Chủ tịch UBND xã Quảng Kim cho biết, hiện nay, thanh mai rừng có giá dao động từ 25-50.000 đồng/lon và chỉ cần đưa ra khỏi rừng là có thương lái chờ sẵn, mua ngay tại cửa rừng mà không phải mất công mang ra chợ bán như trước đây.
Mặc dù thanh mai rừng ngày càng khan hiếm, phải đi xa, vào sâu trong rừng mới có nhưng do không phải bỏ công trồng cây, chăm sóc mà đến mùa vẫn có nguồn thu nhập cao nên nghề hái thanh mai trên dãy Hoành Sơn vẫn luôn hấp dẫn, thu hút hàng trăm người ở xã Quảng Kim cũng như các địa phương lân cận.
Được biết, thanh mai có tên khoa học là Myrica sp. Loại cây này thường được dùng làm thuốc để chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, lỵ, các bệnh về da bằng cách dùng vỏ khô sắc với nước, uống trong ngày. Thân hoặc vỏ, rễ cây được dùng sắc nước rửa, chữa lở ngứa. Hạt của loại quả này còn dùng chữa chứng ra mồ hôi chân…
Hiện nay, nhiều người tìm mua trái thanh mai rừng về ngâm, ủ rượu và chế biến thành những thức uống "đặc sản" nên giá cả khá cao.
Theo Dân trí
Chàng trai Việt kể chuyện dậy từ nửa đêm phát 800 tờ báo mưu sinh ở Nhật
Hai giờ sáng, Tuấn Kiệt thoăn thoắt xếp các chồng báo cao quá đầu người lên xe máy, vội vã di chuyển để kịp giao hết 500 tờ trước lúc bình minh.