Chỉ sợ không có ngày về

Khoảng 2h đêm ngày 11/8, chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (37 tuổi) thấy mình bị rỉ ối. Thai nhi mới được hơn 34 tuần tuổi, còn cách thời điểm dự sinh khoảng 4 tuần nữa nên người mẹ vô cùng lo lắng.

Ngay trong đêm, chị Thắm cùng chồng - anh Nguyễn Mộng Lân vơ vội ít đồ đạc rồi đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An. Tại đây, cả hai được yêu cầu test nhanh Covid-19 và bất ngờ nhận kết quả dương tính.  

Kết quả xét nghiệm PCR sau đó khẳng định chỉ có chị Thắm bị nhiễm bệnh còn người chồng khỏe mạnh bình thường.

Chiều 11/8, chị Thắm được chuyển tới Bệnh viện Hùng Vương (TP. HCM). Số tiền hơn 10 triệu đồng chị chuẩn bị cho việc sinh nở lúc ấy chỉ còn lại đúng 200.000 đồng.

Không người thân, tiền bạc cạn kiệt, lại bị thêm Covid-19, lòng chị rối bời. Chị Thắm khệ nệ xách túi đồ lên xe cứu thương mà nước mắt giàn giụa, ướt nhẹp hai lớp khẩu trang.  

Lúc này, dù chưa có triệu chứng gì liên quan đến Covid-19 nhưng chị liên tục bị nôn ói, ra huyết. Đến khi được truyền thuốc kích đẻ, những cơn đau xuất hiện dồn dập. Cuối cùng, sau một đêm không ngủ, chị Thắm cũng được nghe thấy tiếng khóc của con lúc 7h sáng ngày 13/8. Chị chỉ kịp lờ mờ thấy bóng bác sĩ bế em bé sang phòng khác rồi lịm đi.

Suốt ngày hôm đó, chị Thắm sốt cao, có lúc lên tới 40 độ C. Sang ngày hôm sau, chỉ số SpO2 bị tụt xuống thấp. Các bác sĩ chỉ định chị phải thở oxy ngay để không bị trở nặng đột ngột.

Ở nhà, ba mẹ chị Thắm gọi video vào thấy con phải thở bình oxy thì ôm nhau khóc. Nghĩ đến cảnh con gái một thân một mình vượt cạn, lại đang mắc Covid-19, hai ông bà lo lắng tới phát ốm.

Để ba mẹ không phải suy nghĩ quá nhiều, từ sau hôm ấy, chị Thắm hạn chế gọi điện và tự mình đương đầu với con vi rút quái ác.

Suốt ba, bốn ngày, những cơn sốt cùng cơn đau co dạ con, đau vết khâu như muốn đè bẹp chị. Tuy vậy, lúc tỉnh táo, chị cố gượng dậy uống chút nước hoặc ăn đồ ăn điều dưỡng đem tới. Miệng đắng ngắt, cơ thể sau sinh rệu rã nhưng chị tự nhủ “phải ráng lên, phải ráng lên” vì nếu buông xuôi thì không ai có thể giúp mình lúc này.

Sau sinh, bầu ngực căng tức sữa khiến chị Thắm nhớ con quay quắt. Chị lo lắng không biết giờ này con mình ra sao, ăn uống thế nào. Mãi ba bốn ngày sau, chị mới nhận được chút thông tin ít ỏi từ chồng. Bác sĩ thông báo với anh, con gái ngoan, mỗi lần ăn được 40-50ml sữa. Ba bốn ngày sau, bác sĩ lại thông báo bé ăn thêm được 10ml mỗi cữ sữa.

Ngày 20/8, chị Thắm lại được chuyển qua Bệnh viện thu dung số 7 để tiếp tục điều trị. Một lần nữa, người mẹ này bước lên xe cứu thương với tâm trạng rối bời.

Quãng đường đi khá xa. Ngồi trên xe, nghĩ đến cảnh gia đình mỗi người một nơi, nghĩ đến đứa con mới sinh chưa một lần gặp mặt, chị Thắm lo lắng, “lỡ mình không còn ngày về thì sao?”.

{keywords}
Sinh con hơn 1 tháng, chị Thắm mới biết mặt con. 

“Có người mẹ đã mất con, tôi còn may mắn hơn rất nhiều”

Những ngày đầu đến bệnh viện thu dung, hầu như bữa cơm nào của Thắm cũng chan nước mắt. Chị lo lắng, không biết đứa trẻ mà hai vợ chồng đã mong chờ suốt hơn 10 năm nay có bị nhiễm Covid-19 hay không?

Anh Lân nhắn cho bác sĩ nhưng cũng không nhận được hồi âm. Trên giường bệnh, chị Thắm gọi cho rất nhiều số điện thoại. Cuối cùng, chị cũng kết nối được với nơi chăm sóc con mình.

Các điều dưỡng động viên chị rằng, em bé khỏe mạnh bình thường nên bác sĩ không thông báo gì thêm. Lúc ấy, chị mới thở phào nhẹ nhõm.

Chị Thắm tâm sự, phải chống chọi với Covid-19 một mình ngay sau khi vượt cạn, chị thường xuyên rơi vào tâm trạng lo âu, buồn bã. Nhưng rồi, chị lại tự động viên bản thân rằng, mình còn may mắn hơn rất nhiều người nên phải cố gắng.

“Ở cùng phòng tôi có một sản phụ mang thai được 3-4 tháng không may bị mắc Covid-19. Sau một buổi sáng tỉnh dậy, đứa bé đã không còn khiến người mẹ vô cùng suy sụp. Cảnh chị ấy ngồi bất lực bên chiếc túi bóng đen làm tôi ám ảnh mãi.

Tôi may mắn hơn rất nhiều vì con gái sinh ra khỏe mạnh, được các bác sĩ chăm sóc chu đáo. Nghĩ vậy nên tôi cố uống thuốc đầy đủ, tuyệt đối không bỏ bữa. Bữa nào không nuốt nổi cơm, tôi lại pha mỳ ăn”, Thắm nhớ lại.

Ngày 27/8, Thắm được ra viện về nhà. Chị đếm từng ngày cho hết thời gian cách ly để lên xã xin giấy đi đón con.

Đến ngày 13/9, chị được Phòng Công tác xã hội bệnh viện kết nối với chương trình Chuyến xe nghĩa tình của Hội chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh để đi đón con.

{keywords}
Bé gái trong vòng tay người thân sau những ngày xa cách.

Đêm trước ngày được gặp con, chị Thắm hồi hộp không ngủ được. Khi trời vừa sáng, chị ôm túi đồ đã chuẩn bị sẵn ngồi ngóng ra cửa. Xe hẹn 10h nhưng 7h chị đã chuẩn bị xong. Mẹ chị thấy con gái không ăn sáng mà cứ thấp thỏm ngóng trông cũng sốt ruột theo.

Do có một số việc phát sinh nên đến 2h chiều chị mới được gặp con. Nhìn thấy con, nước mắt chị nhòa đi.

Khoảnh khắc nhớ mãi trong đời

Với chị Thắm, có lẽ suốt cuộc đời này, chị sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc đôi mắt đứa trẻ tròn xoe nhìn mẹ, khoảnh khắc chị được ôm con vào lòng và cảm nhận hơi thở thơm thơm mùi sữa của con.

“Chị điều dưỡng kể, bình thường bé rất ngoan nhưng cả đêm hôm trước bé gần như không ngủ. Đến khi được mẹ đón cũng cứ thức như thế. Ai cũng bảo bé biết sắp được mẹ đón về nên háo hức “khó ngủ” cả đêm”, chị Thắm tâm sự.

Trên đường về, ôm con trên tay, nước mắt chị Thắm vẫn không ngừng chảy. Tài xế lái xe bảo: “Đón được con rồi phải vui lên chứ”. Chị Thắm mới thật thà kể, suốt hơn 1 tháng qua chị đã di chuyển trên 4 chuyến xe đường dài như thế. Lần nào đi nào chị cũng khóc. Song riêng chuyến đi này, chị khóc vì hạnh phúc và quá đỗi vui mừng.

Sau hôm đón con về, chị Thắm dù rất muốn ôm ấp cưng nựng con nhưng vẫn chưa dám đến gần. Sau những ám ảnh mà Covid-19 đem lại, về nhà chị vẫn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m với các thành viên trong gia đình. Chị dự định sẽ tự cách ly hết tháng 9 mới ngủ cùng con.

Từ ngày đưa vợ đi đẻ đến nay anh Lân cũng không về nhà. Sau khi vợ chuyển lên Bệnh viện Hùng Vương, anh đã xin làm tình nguyện viên trong Bệnh viện dã chiến số 20 tại Long An.

“Nghĩ đến cảnh vợ một mình gian nan vượt cạn, anh ấy càng đồng cảm với những người không may bị bệnh nên đã tham gia chăm sóc các bệnh nhân này. Anh bảo đó cũng là cách gia đình tri ân những y bác sĩ đã giúp mẹ con tôi vượt qua dịch bệnh, đoàn tụ bên nhau”, chị Thắm bộc bạch.

Hồng Hạnh

Trở về từ căn phòng sinh tử, bố chạy giật lùi tránh con

Trở về từ căn phòng sinh tử, bố chạy giật lùi tránh con

Xe của bệnh viện chở anh về tận cổng nhà. Nhìn thấy bố, thằng út chạy ào ra đòi bế. Anh phải chạy giật lùi để tránh con. Vợ anh chạy ra vừa ôm con vừa khóc.

 

Với mong muốn giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật giữa vòng vây đại dịch, Báo VietNamNet tiếp tục chương trình Tiếp sức đẩy lùi dịch đại dịch cùng VietNamNet. Rất mong có thể đồng hành cùng Quý Bạn đọc hảo tâm, san sẻ tấm lòng thơm thảo.
Bạn đọc đang gặp khó khăn; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp muốn tham gia chương trình tiếp sức, xin liên hệ với toà soạn theo cách sau:
Gọi đến tổng đài 19001081(8h-20h mỗi ngày), hoặc gửi thông tin hoàn cảnh đến email: banbandoc@vietnamnet.vnđể đăng ký.
Quý nhà hảo tâm có thể ủng hộ theo 2 hình thức: Chuyển tiền qua tài khoản của Báo VietNamNet và ủng hộ hiện vật là lương thực, nhu yếu phẩm, máy móc, trang thiết bị y tế.
NỘI DUNG CHUYỂN KHOẢN “Ủng hộ MS 2021.Covid19”
- Tại Việt Nam: Tài khoản Báo Vietnamnet
STK: 0011002643148 - Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam.
STK: 114000161718 - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa
- Từ nước ngoài: Bank account VIETNAMNET NEWSPAPER - The currency of bank account: 0011002643148- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM - SWIFT code: BFTVVNV X
CHUYỂN TIỀN TỪ NƯỚC NGOÀI
Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch
Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội
Swift code: ICBVVNVX126
Liên hệ Toà soạn báo VietNamNet theo địa chỉ:
- Hà Nội: Tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.
- TP.HCM: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM