Chùa Linh Tiên (thôn Cao Xá, Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) được xây dựng từ thế kỉ thứ II trước Công nguyên. Bên trong chùa còn nhiều bức tượng cổ có giá trị.
Năm 1990, chùa được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cách đây 2 năm, câu chuyện đánh tráo 3 câu đối cổ ở đây từng khiến dư luận xôn xao.
Chùa Linh Tiên |
Cổ vật bị đánh tráo, rao bán với giá bèo
Ni sư Thích Đàm Chính (SN 1961) tên thế danh là Trần Thị Phích, xuất gia tu học với ni sư Thích Đàm Phúc năm 1981 tại chùa Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Năm 1989, nhân dân thôn Cao Xá (Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) có văn bản gửi lên Giáo hội Phật giáo huyện Hoài Đức bày tỏ nguyện vọng mời ni sư Đàm Phúc về trụ trì chùa Linh Tiên.
Sau đó, ni sư Đàm Chính cùng ni sư Đàm Phúc chuyển về đây tu tập. Năm 2003, ni sư Đàm Phúc qua đời. Ni sư Đàm Chính kế nhiệm trụ trì.
Chùa Linh Tiên có nhiều cổ vật có giá trị. |
Tháng 7/2018, ni sư Đàm Chính thấy 3 đôi câu đối và 1 y môn cổ bị xuống cấp nên đã nhờ Nguyễn Đăng Hùng (SN 1981), là thợ sơn son thếp vàng ở làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng sửa.
Hùng đề nghị ni sư Chính cho mình mang 3 câu đối về nhà làm cho tiện. Vì Hùng từng tu sửa nhiều hiện vật cho chùa nên ni sư tin tưởng đồng ý. Trong quá trình sửa, Hùng phát hiện ra giá trị của của 3 đôi câu đối nên nảy lòng tham.
Người này làm 3 đôi câu đối giả cổ, có hình dáng, kích thước và chữ Nho giống hệt bản gốc rồi mang đồ giả đến trả nhà chùa. Ba đôi câu đối thật được Hùng mang bán với giá 35 triệu đồng cho người tên Bùi Minh Quang.
Ni sư Chính chia sẻ: “Do không có kinh nghiệm phân biệt đồ thật và giả nên khi Hùng mang câu đối giả đến treo, tôi vẫn tin rằng đó là đồ thật”.
Đến khi Bùi Minh Quang rao bán cổ vật trên mạng, ông Phí Đình Thịnh (SN 1958) là người thôn Cao Xá phát hiện thấy 3 câu đối Quang bán có đặc điểm giống câu đối ở chùa Linh Tiên nên nghi ngờ, báo cho ni sư Đàm Chính.
Tấm bảng ghi lịch sử chùa Linh Tiên treo ở gian tiếp khách. |
Ni sư Đàm Chính gọi cho Hùng chất vấn. Lúc này, Hùng thú nhận toàn bộ sự việc. Hùng tìm anh Quang xin chuộc lại. Anh Quang nói đã mang lên chùa Đại Từ Ân (Đan Phượng) gửi tạm.
Ngày 24/9/2018, Hùng cùng ni sư Đàm Chính, anh Quang và 1 số người trong Ban quản lý di tích chùa Linh Tiên đến chùa Đại Từ Ân gặp sư thầy Thích Tiến Đạt xin đồ về.
Sau sự việc trên, ni sư Thích Đàm Chính đã báo cáo sự việc đến công an xã Đức Thượng và công an huyện Hoài Đức.
Ni sư bị dân đuổi khỏi chùa
Công an huyện Hoài Đức đã tiến hành điều tra và truy tố vụ án. Đối với bà Trần Thị Phích, tức trụ trì Thích Đàm Chính, giao 3 đôi câu đối của chùa Linh Tiên cho Nguyễn Đăng Hùng nhưng không biết Hùng đánh tráo nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức chưa đủ căn cứ xử lý.
Nguyễn Đăng Hùng bị Tòa án Nhân dân huyện Hoài Đức xét xử và tuyên tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, chịu mức án 4 năm tù giam.
Tòa án đề nghị phía Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội xử lý trách nhiệm của ni sư Đàm Chính khi tự ý mang 3 đôi câu đối đi sửa không báo cho cơ quan có thẩm quyền.
Hành vi này vi phạm Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ni sư Thích Đàm Chính |
Ni sư Thích Đàm Chính đã thừa nhận những sơ suất của mình. Tuy nhiên, hành vi đánh tráo cổ vật của Hùng khiến một số người dân Cao Xá hiểu lầm. Họ cho rằng nhà chùa mới là chủ mưu đánh tráo nên đến chùa gây náo loạn và đuổi ni sư khỏi chùa.
Một nhóm người còn viết đơn tố cáo ni sư Thích Đàm Chính về việc bán hàng trăm cổ vật trong chùa Linh Tiên.
UBND huyện Hoài Đức đã mời Cục Di sản (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) về kiểm kê cổ vật tại chùa Linh Tiên, đối chiếu với hồ sơ di tích để làm sáng tỏ những nghi vấn của người dân.
Theo kết quả kiểm kê trong hồ sơ di tích của chùa Linh Tiên lập trước đây, thống kê chùa có 175 hiện vật và di vật, đồ thờ. Đến năm 2019 khi đoàn về kiểm kê, có tất cả 546 hiện vật, đồ thờ, bao gồm cả hiện vật cổ trong hồ sơ di tích và hiện vật mới.
Những hiện vật cổ bị thiếu, gồm: 2 con nghê đá trước sân chùa; 3 tấm ván kinh và 2 cuốn thư; một tấm bia đá thời nhà Lê có kích thước nhỏ, cao 40cm, bề ngang 30cm.
Ni sư Đàm Chính cho hay, hai con nghê được xây dưới dạng chậu đốt vàng mã nên người dân thường hóa vàng ở đấy. Lúc còn tại thế, ni sư Đàm Phúc thấy tro vàng mã bay vào trong Tam bảo, lo xảy ra hỏa hoạn, nên đã phá bỏ 2 con nghê đó.
Ba tấm ván kinh và 2 cuốn thư đã bị mất do kẻ trộm đột nhập vào chùa lấy đi năm 2001. Nhà chùa đã làm đơn trình báo lên trên xã và huyện, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nhưng vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Sau đó, nhà chùa đã phục chế 2 cuốn thư khác.
Về tấm bia đá thời nhà Lê, ni sư Đàm Chính khẳng định, từ khi bà về chùa đến nay chưa từng được nhìn thấy và không biết mất từ bao giờ.
Tuy đã có kết luận từ cơ quan chức năng, khẳng định cổ vật trong chùa Linh Tiên vẫn còn. Đồng thời, tòa án đã chỉ rõ, ni sư Chính không phải đồng phạm trong vụ án đánh tráo cổ vật mà chỉ là người bị hại nhưng người dân thôn Cao Xá vẫn không cho ni sư Chính về chùa.
Bà Ngô Thị Hoa - người đang ở lại trông nom chùa cho biết, nhà bà ngay sát chùa Linh Tiên. Bà cũng như người dân thôn Cao Xá không đồng tình với kết luận của các cấp.
Người phụ nữ này nhấn mạnh, ni sư Chính là người chủ mưu bán cổ vật và lén lút mang hàng chục tỷ tiền công đức ở chùa Linh Tiên về Hưng Yên xây ngôi chùa khác.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi chứng cứ, bà Hoa chỉ khẳng định là có người dân ở Hưng Yên tiết lộ.
Bà Hoa chỉ chỗ treo câu đối cổ. |
"Đây là Quán Linh Tiên không phải chùa nên dân làng chúng tôi không cần sư về trụ trì. Chúng tôi sẽ cắt cử người nhang khói. Ba đôi câu đối cũng được chúng tôi cất kỹ. Khi nào vụ việc sáng tỏ mới treo lên", bà Hoa gay gắt nói.
Ông Phí Hữu Long, Trưởng Tiểu ban quản lý di tích thôn Cao Xá kiêm Trưởng thôn Cao Xá thông tin: “Sự việc của ni sư Chính, tôi từng tư vấn cho phía UBND xã, UBND huyện nên tổ chức cuộc họp 3 bên, gồm: đại diện nhân dân thôn Cao Xá, chính quyền và ni sư Thích Đàm Chính để giải quyết. Tuy nhiên, do tình hình căng thẳng, dễ xảy ra mất an ninh trật tự nên đến nay chưa tổ chức được”.
Trước việc bị người dân vu cáo mang hàng trăm cổ vật tuồn ra ngoài bán, trụ trì chùa Linh Tiên có ý kiến gì? Đại diện Giáo hội Phật giáo huyện Hoài Đức lên tiếng ra sao? Tất cả sẽ được đăng tải trong kỳ 2.
Chuyện lạ trong ngôi nhà gỗ hơn 100 tuổi ở Hà Nam
Đôi rồng đá nạm ngọc và chiếc lư hương bị đánh cắp nhiều năm. Trước khi lâm chung, người sở hữu 2 cổ vật này dặn con cháu mang trả cho gia đình cụ Nguyễn Khuyến.
Minh Khuê - Nam Phương