Xem video: Thương hồ miền Tây chở hoa Tết đến bến Bình Đông

Tất bật bến Bình Đông

Đi từ khuya ngày 19 tháng Chạp, chiếc ghe chở đầy hoa, cây cảnh Tết của anh Nguyễn Minh Tâm (37 tuổi, ngụ huyện Cái Mơn, tỉnh Bến Tre) cập bến Bình Đông (Quận 8, TP.HCM) lúc trời vừa hửng nắng. Thả vội mỏ neo, anh cùng những người đồng hành chuyển hoa Tết xuống vị trí đã thuê trước đó bày bán.

Anh Minh Tâm nói, Tết năm nay là tròn 20 năm anh chở hoa xuân lên bến Bình Đông phục vụ khách. Anh đã theo ghe khi còn là cậu bé ham thích cảnh tất bật đầu xuân tại TP.HCM. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch, anh quyết định giảm số lượng hoa xuân, chở lên bến ít hơn so với mọi năm.

{keywords}
Ghe hoa Tết của thương hồ từ miền Tây cập bến Bình Đông.

Chiếc ghe gỗ cập vào bến, anh bắc chiếc cầu tạm nối liền thân ghe và bờ kè rồi cùng bạn khiêng những chậu mai Tết xuống bến. Gần sát mặt đường, người đi chung đang tất tả bán những chậu cây kiểng đầu tiên cho khách.

Cách đó không xa là gian hàng hoa cúc, vạn thọ… của bà Trần Thị Kiều (54 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre). Bà Kiều nói những ngày đầu, bà chủ yếu bán hoa vạn thọ, cúc nên không di chuyển bằng ghe lớn. Thay vào đó, bà bỏ một số tiền lớn để thuê xe đò chở hoa lên bến Bình Đông.

{keywords}
Sau khi cập bến, thương hồ tất bật vận chuyển hoa xuống bến.

“Tôi đi bữa tối 19 rạng sáng 20 tháng Chạp đã đến bến. Hôm rồi, tôi không đi ghe. Đến 25, 26 Tết, ghe của tôi mới lên. Mấy hôm nay, tôi chủ yếu bán cúc, vạn thọ đi xe cho cơ động, bán hết xe này, tôi lại lên xe khác. Nếu đi ghe, mình phải lên hoa hết rồi chất dưới ghe neo ngoài sông khiến bông không tươi, chăm cực lắm”, bà Kiều chia sẻ.

Cùng bán hoa Tết tại bến Bình Đông vào những ngày đầu xuân nhưng bà Võ Thị Nga (54 tuổi) lại không phải là dân trồng hoa chuyên nghiệp. Bà nói mình cũng là thương lái. Vào những ngày giáp Tết, bà đến các làng hoa tại miền Tây đặt mua cây kiểng rồi chở lên bến Bình Đông bán.

{keywords}
Anh Tâm cho biết, anh đã theo ghe bán hoa Tết từ khi còn rất nhỏ.

Bà Nga chia sẻ: “Năm nay thời tiết thuận lợi, hoa, cây cảnh đẹp nhưng tôi vẫn canh cánh nỗi lo bán không được vì dịch bệnh. Nói chung, năm nào cũng phải đến 25-26 Tết mới biết có bán được hay không nhưng vào giờ này năm ngoái, tôi thấy các bạn hàng đã lên bến đông đúc, tấp nập”.

“Ai cũng rộn ràng, khách hàng cũng vui vẻ hỏi giá, nói chuyện rôm rả. Bây giờ, dịch bệnh phức tạp, khách cũng ngại chỗ đông người, không dám tụ tập đông lựa hoa, trả giá…”, bà Nga nói thêm.

{keywords}
Các ghe lớn thường chở mai Tết “khủng” có giá trị cao.

Hiện tại, dù chưa vào đỉnh điểm dịp mua hoa Tết nhưng bến Bình Đông đã đặc kín các gian hàng hoa cảnh Tết của các thương hồ. Các ghe lớn của những nhà vườn chuyên bán, cho thuê mai Tết đã cập bến từ sớm, chất mai dày đặc bên bờ sông.

Trong khi đó, các ghe nhỏ hơn thường chở các loại hoa, cây cảnh nhỏ cũng đang tất bật bày bán tạo nên không khí tấp nập, rộn ràng trong những gam màu xanh, đỏ… rực rỡ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số các thương hồ đều đã gắn bó với công việc bán hoa Tết tại bến Bình Đông hàng chục năm nay. Thế nên, dẫu bị ảnh hưởng của đại dịch, đến hẹn họ vẫn lên, bày bán các loại hoa cảnh rực rỡ sắc màu.

{keywords}
Người dân rôm rả trò chuyện khi chọn mua hoa Tết tại bến Bình Đông.

Theo ghe hoa Tết từ năm lên 3

Anh Tâm kể, anh bắt đầu theo ghe hoa Tết từ miền Tây lên TP.HCM từ khi 3 tuổi. “Lúc đó, tôi đi ghe với ba. Tôi chỉ nhớ thời đó, người ta đi ghe đông lắm. Nào là ghe chở mai, tắc, vạn thọ, dưa hấu…

Chúng tôi đi cùng một lượt, cùng ghé bến một ngày nên đông vui vô cùng. Lên bến, tôi được thấy cảnh người dân TP tấp nập lựa hoa, mua trái cây… vui hơn ở quê nhiều”, anh Tâm kể.

Cũng theo anh, trước đây đi ghe rất tốn thời gian nên gần như cả nhà anh đều cùng đi một lượt. Họ chuấn bị gạo, thức ăn, bếp để nấu nướng, ăn ngủ trên ghe. Bây giờ, hiện đại hơn, anh ăn cơm hộp, mắc võng ngủ ngay tại khu vực bán hoa.

{keywords}
Khu vực bán hoa hồng Tết thu hút nhiều khách hàng nữ.

Trong khi đó, bà Kiều theo ghe bán hoa Tết từ khi con gái bà mới 1-2 tuổi. Đến nay, con gái bà đã thành thiếu nữ và đang quán xuyến việc kinh doanh giúp mẹ. “Năm nay nó 18 tuổi rồi. Năm nào,con cũng theo tôi lên bán. Nay bán ít, nó chưa lên. Ít bữa nữa, em nó mới theo ghe lên sau”, bà Kiều nói.

Bà Kiều nói rằng, dù không phụ thuộc vào mùa hoa Tết nhưng mỗi năm, bà đều mong ngóng ngày chở hoa lên bến Bình Đông bán dù rất vất vả.

Bà nói: “Năm nào tôi cũng lên trước. Khoảng 25 Tết, ghe nhà mới lên sau. Ghe chưa lên, một mình tôi ở đây cũng có nhiều điều bất tiện. Không có bà con thân thích trên này, tôi phải nhờ mấy quán cà phê xung quanh để sinh hoạt cá nhân”.

{keywords}
Bà Kiều tư vấn cho khách hàng của mình chọn mua những chậu cúc nở vàng rực rỡ.

“Mới đầu, họ cũng khó chịu. Nhưng sau này quen, tôi cũng chủ động tặng hoa, cây kiểng Tết cho họ nên bây giờ đỡ rồi. Khi nào ghe lên, tôi mới được nấu nướng, ăn, ngủ dưới ghe chứ bây chỉ ăn cơm hộp, ngủ võng 'nuôi muỗi' Sài Gòn thôi”, bà Kiều dí dỏm chia sẻ thêm.

Cũng như anh Tâm, bà Kiều, đa số thương hồ tại bến Bình Đông đều đã gắn bó với công việc bán hoa Tết tại đây trên dưới 20 năm. Thế nên, khi đại dịch bùng phát, họ cùng chung nỗi lo hoa rớt giá.

{keywords}
Người đàn ông chọn được cây bông giấy đỏ rực và chuẩn bị chở về nhà.

Anh Tâm nói, chưa năm nào như năm nay, đêm theo dòng nước lên Sài Gòn, anh cứ gác tay lên trán suy nghĩ, lo lắng mãi chuyện hoa bán không chạy.

“Cũng lo lắm vì dịch bệnh ai cũng khó khăn. Nhưng tôi không bỏ được vì đây là cái nghề của mình rồi. Dẫu biết trước là khó khăn nhưng tôi vẫn phải đi”, anh Tâm chia sẻ.

20 năm mang đào cổ 'độc nhất vô nhị' vào Sài Gòn chiều lòng khách chơi Tết

20 năm mang đào cổ 'độc nhất vô nhị' vào Sài Gòn chiều lòng khách chơi Tết

Suốt 20 năm qua, anh Sơn đều tuyển chọn những gốc đào cổ thụ có tuổi đời lớn, dáng đẹp, nhiều hoa để 'Nam tiến', phục vụ khách hàng tại TP.HCM.

Bài, ảnh và clip: Nguyễn Sơn