Không chỉ má, mợ Bảy tôi cũng gọi cho tôi, vài ba ngày một cuộc, dù trước đây có khi cả năm mới gọi vài lần. Trong điện thoại, tôi thấy mợ cứ rơm rớm nước mắt khi nhắc về những cuộc “sinh ly tử biệt” mà bà xem qua tivi hay trên mạng xã hội. “Tội quá đi”, mợ tôi cảm thán rồi lại rưng rưng.

Tôi hay khỏa lấp cảm xúc đó bằng một câu hỏi khác, nhưng rồi người lớn tuổi ở quê nhà vẫn luôn lo lắng mình hoặc con cái có chuyện gì đó. “Đường sá xưa nay đã xa, giờ cách trở nhiều hơn do dịch bệnh”, má tôi hiểu khả năng mà chúng tôi có thể gặp nhau như hứa hẹn vài ba tháng một lần là bất khả trong lúc này.

Tôi xa má 18 năm tròn kể từ khi khăn gói vào TP.HCM học. Đó cũng là một phần hai thời gian tôi đã sống trên đời này. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc, mình với má muốn gặp nhau cũng không thể được như lúc này. Con trai tôi chưa hiểu gì nhiều, 3 tuổi, đang ở với nội nhưng trong mỗi cuộc gọi cũng hay nói “nhớ ba nhiều".

Tôi thấy thương con vì phải xa ba và cũng thương chính mình vì xa má. Tất nhiên, tôi biết con mình không khuyết tình thương từ tôi cũng như tôi không khuyết tình thương từ má, dù chúng tôi ở rất xa nhau, cả ngàn cây số.

{keywords}
BS Đặng Minh Hiệu gửi bình an cho má ở quê nhà Quảng Nam bằng những hình ảnh tích cực nơi tuyến đầu.

Trong cuộc trò chuyện trong đêm muộn, tôi chúc cô Đắc, một người đồng hương sức khỏe. Cô cũng đang xa con mình, cậu út Đặng Minh Hiệu của cô là bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, người có nụ cười lay động cộng đồng mạng khi tham gia tuyến đầu, tình nguyện ra Bắc Giang chống dịch. Những ngày này, bác sĩ Hiệu cũng đang cùng đồng nghiệp chăm lo cho bệnh nhân Covid-19 khi dịch bệnh lây lan mạnh ở TP.HCM.

“Thương hắn lắm con à, lo cho hắn nữa”, người mẹ của bác sĩ Hiệu nói với tôi. Tôi biết, đó cũng là nỗi lòng của những ông bố bà mẹ khác có con tham gia chống dịch ở tuyến đầu hoặc có con đang ở trong vùng dịch.

Tôi cũng như bác sĩ Hiệu đều hiểu rằng, giờ phút này, món quà lớn nhất dâng tặng ba mẹ, người thân thương của mình chính là sự bình an. Bạn bè tôi những ngày này vẫn hay hỏi nhau “có ổn không”. Tôi chỉ dám trả lời là “hiện tại vẫn còn ổn”, vì chưa biết ngày mai thế nào. Dịch bệnh đã ngấm sâu trong cộng đồng với số ca nhiễm theo biểu đồ đi lên, có lúc đi ngang nhưng vẫn ở mức cao.

Ở quê nhà, má tôi dù lo nhưng vẫn trấn an tôi bằng cách “đêm nào má cũng tụng kinh cầu an cho con và Sài Gòn hết đó”. Về lòng hiếu đễ, dân gian có câu ca: “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Nhưng thời dịch bệnh, cha mẹ phương xa lại thắp hương khấn vái Phật trời gia hộ cho con cái mình ở TP.HCM không có bất trắc nào.

Trước cái chết ai mà không sợ. Nhưng rồi, ai cũng sẽ phải đối diện vì điều ấy sẽ đến với mình hoặc người thân của mình. Hồi còn nhỏ, tôi vẫn hay xin trời Phật “cho má với ngoại con sống lâu trăm tuổi, con xin nhường tuổi thọ của mình lại cho má, ngoại con”.

Tôi nghĩ nỗi sợ mất mát và tình thương đã thôi thúc tôi cầu nguyện điều đó dù lúc ấy bản thân chưa hiểu biết gì nhiều. Nhưng rồi ngoại tôi cũng mất ở tuổi 70 do bệnh nặng. Lần đầu tiên tôi cảm nhận mình mất đi một thứ quý giá và cảm thấy đau đớn đến vô cùng, tưởng chừng không thể vượt qua.

Rất may thời gian đã chữa lành nỗi đau ấy. Tôi thương ngoại nhiều và đã hoàn toàn nguôi ngoai nỗi đau ấy khi học được phép quán chiếu “người thân tôi không mất đi mà đang tồn tại ở một dạng sống mới”.

Thầy Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam dạy rằng, “một người chết đi là họ đang thay lớp áo cũ mục”. Ai hiểu được triết lý về sự tiếp nối trong lời dạy đó, thẩm thấu được lời giải thích về cái chết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - “Đám mây không mất đi mà được biểu hiện thành mưa” - thì có lẽ sẽ bớt đau lòng trước cái chết của người thân thương, không còn quá sợ hãi trước cái chết của mình sẽ đến trong lúc nào đó.

Tôi đã từng nghĩ về cái chết nhiều lần và mỗi ngày vẫn hay đọc “thần chú”: Nếu chỉ còn một ngày để sống, mình phải sống thật hạnh phúc ngày ấy.

Thực sự, khi chúng ta luôn nghĩ rằng cuộc sống ngắn ngủi và mình sẽ chết bất cứ lúc nào thì ta sẽ sống tốt hơn, tích cực hơn mỗi ngày. Trong những gạch đầu dòng sống tốt và tích cực ấy có cả việc mình sẽ quan tâm đến người thân thương của mình nhiều hơn.

Má tôi sợ tôi sẽ chết nên mỗi ngày đã gọi điện thăm hỏi để chúng tôi được thấy nhau. Mợ tôi rất ít gọi cho tôi nhưng cũng gọi để chia sẻ chuyện này chuyện nọ ở quê, bày tỏ tình thương với đứa cháu phương xa.

Tôi nghĩ đó là những cái giật mình của nhiều người trong thời điểm dịch bệnh lan tràn này. Dường như Covid-19 đã nhắc nhở mỗi người về tình thương và sự quan tâm, đừng quên đó mới là điều quý giá trong đời này.

Rất nhiều khi chúng ta thiếu quan tâm một ai đó cho đến khi họ bệnh hoặc không còn nữa. Nhưng rồi, giữa lối sống gấp gáp, ta lại lãng quên nhanh chóng cảm giác có lỗi vì sự vô tâm ấy. Covid-19 giúp tô đậm hơn bài học mà mình dễ quên trước đó.

Tháng Bảy âm lịch được định danh là mùa hiếu hạnh, rộng hơn là mùa tri ân và báo ân. Tháng Tám âm lịch lại là mùa đoàn viên với ngày Tết Trung thu. Tôi gọi đây là những mùa thương. Khi chúng ta thương một ai đó mình sẽ quan tâm đến họ, đó là sự thụ hưởng vì ngay phút ấy mình cũng có hạnh phúc.

Sự kết nối trong những ngày này chắc chắn là vì tình thương. Một câu hỏi thăm, một cuộc gọi của con cái với ba mẹ và ngược lại là sự bơm sạc oxy cho tinh thần để mỗi người đang ở xa nhau không thấy khó thở vì những nỗi lo lắng ập về.

“Má yên tâm nha, dịch rồi sẽ ổn. Con sẽ tự bảo trọng bằng nguyên tắc 5K. Con đã tiêm hai mũi vắc xin rồi, nếu có nhiễm cũng nhẹ hơn… Trung thu năm sau con sẽ về với má”. Vì thương, tôi đã lấp bớt nỗi lo trong lòng má bằng những tin vui và sự cam kết an lành như vậy.

Trung thu này tôi chỉ có thể tặng má chừng đó, một chút bình an nơi “vùng đỏ”.

Lưu Đình Long

Trung thu mùa Covid: Rước đèn online, phá cỗ trực tuyến

Trung thu mùa Covid: Rước đèn online, phá cỗ trực tuyến

Tết Trung thu rước đèn đi chơi... Nhưng đó là mọi năm, chứ không phải năm 2021! Với Hà Nội mến thương, tôi vẫn hy vọng tất cả chúng ta sẽ cùng đón Tết đoàn viên theo một cách đặc biệt nhưng an toàn. 

Gia đình Việt tại Nhật làm bánh Trung thu cho vơi nỗi nhớ nhà

Gia đình Việt tại Nhật làm bánh Trung thu cho vơi nỗi nhớ nhà

Tuy xa quê đã gần 10 năm nhưng Trung thu nào vợ chồng chị Hào cũng tổ chức cho các con phá cỗ theo đúng phong tục của người Việt.