Bà nói bằng cái giọng ngấm nguẩy và giận dỗi: “Chả biết, thấy về tay không. Chắc ăn đẫy mồm rồi, không biết đến ai. Chỉ tội bố mày và thằng Thắng (tức chồng tôi - nv), thấy có đám cưới thì hăm hở đi hái rau thơm. Tưởng trưa có đĩa mồi để nhắm. Ai ngờ con dâu ăn sạch”.

Đọc bài viết "Họ nhà gái ngỡ ngàng vì màn ăn cỗ khác lạ của nhà trai" đăng trên quý báo, tôi chợt nhớ lại quãng thời gian hơn 1 năm trước.

Khi ấy, tôi mới về làm dâu. Nhà chồng tôi ở một huyện nghèo của tỉnh Nam Định. Tất nhiên, sau khi cưới xong, vợ chồng tôi không ở Nam Định mà về Hà Nội sống và làm việc.

Ngày cưới con gái của một bác trong họ nhà chồng, vợ chồng tôi về quê ăn cỗ cưới. Nhưng đúng sáng hôm đó chồng tôi lại có việc gấp phải lên xã xin giấy tờ, bố mẹ chồng thì già, lại tiếc tiền phong bì nên cả nhà cử tôi làm đại diện, đến mừng và ăn cỗ, nếu tiện dọn dẹp được gì thì phụ giúp nhà bác.

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn Internet

Đến đám cưới, tôi được xếp ngồi mâm với các thím, các dì trong làng. Theo phép lịch sự, tôi gắp từng miếng thịt gà bỏ vào bát cho mọi người rồi mới gắp bỏ bát mình để ăn. Nhưng ăn xong miếng thịt gà, tôi ngẩng mặt lên thì không thấy ai ăn. Ai cũng bỏ miếng thịt tôi vừa gắp sang bên cạnh mâm.

Tôi nghĩ, chắc ở đây không thích gắp bỏ. Vậy nên, tôi không gắp cho ai nữa mà ngồi quan sát mọi người. Thế nhưng, suốt thời gian ngồi nhìn (khoảng gần 1 phút) tôi không thấy ai động đũa vào các món thịt. Ai cũng chỉ gắp miếng rau, miếng bí để ăn. Thậm chí có người còn chan cơm với canh rồi ăn cho nhanh.

Tôi thấy vậy thì băn khoăn lắm. Tôi bảo, sao các cô, các dì không ăn thức ăn, lại cứ ăn mấy thứ rau củ ấy làm gì ? Một vài người chỉ cười. Một vài người khác thì bảo, cái đó để tí chia phần. Mỗi người một ít mang về.

Ăn xong, tôi bê đĩa dưa hấu ra mời mọi người tráng miệng rồi cầm một miếng để ăn. Tuy nhiên, cũng không ai động vào đĩa dưa ấy. Mấy phút sau, một bà thím trong mâm lôi đâu ra cái tệp nilon rồi gắp bỏ những thứ còn lại trên mâm vào đó.

Chỉ trong 3 phút thím ấy ra tay, trên mâm sạch banh không còn cục xương. Sau đó, một thím khác đặt vào tay tôi túi nilon bự. Trong đó có  3 túi nilon nhỏ. Một túi đựng giò, chả, thịt …, một túi đựng món xào và một túi đựng xương xẩu (đem về cho nhà ai có chó - nv).

Tôi ớ người và dứt khoát không cầm. Tôi bảo, tôi đã ăn rồi và tôi không có thói quen lấy phần. Sau đó, tôi trở về nhà mà trong đầu vẫn không thôi nghĩ về thói quen chia phần của các thím, các dì.

Về đến cổng, mẹ chồng tôi chạy ra đon đả. Tuy nhiên, chỉ sau nửa phút đon đả ấy, nụ cười trên môi bà tắt hẳn. Tôi thấy rất lạ nhưng cũng không nghĩ ra chuyện gì. Tôi vào bếp sắp xếp cơm nước cho bố mẹ chồng thì nhìn thấy một rổ rau thơm to. Ngoài ra, tôi không tìm thấy bất cứ loại thức ăn nào khác. Tôi hỏi mẹ chồng thì bà im lặng, không nói năng gì.

{keywords}
Ảnh minh họa

Một lúc sau, chị gái chồng tôi đến, ngó mâm cơm chỉ có một đĩa rau thơm, một bát mắm và một đĩa trứng tôi vừa rán thì tỏ vẻ bất ngờ.

Chị hỏi mẹ tôi : “Sao cái Thùy (tức tên của tôi - nv) đi ăn cỗ mà không lấy phần cho bố mẹ và chồng nó à? Nó ăn hết à?”. Tức thì mẹ chồng tôi chẹp miệng.

Bà nói bằng cái giọng ngấm nguẩy và giận dỗi: “Chả biết, thấy về tay không. Chắc ăn đẫy mồm rồi, không biết đến ai. Chỉ tội bố mày và thằng Thắng (tức chồng tôi - nv), thấy có đám cưới thì hăm hở đi hái rau thơm. Tưởng trưa có đĩa mồi để nhắm. Ai ngờ con dâu ăn sạch”.

Tôi nghe mà sững sờ. Vì thực sự, tôi không biết đến cái lệ ấy. Tôi vội chạy lên thanh minh với mọi người nhưng không một ai cảm thông với tôi. Chồng tôi chỉ bảo khẽ: "Thôi, cả nhà có gì ăn nấy"...

Sau đó, dù tôi đã đi Hà Nội để làm việc nhưng lần nào điện về hỏi thăm, mẹ chồng cũng kiếm cớ nhắc lại chuyện cũ. Thậm chí, gặp ai ở trong làng, bà cũng mang chuyện đó ra để kể lể rằng tôi ăn hết phần của người ở nhà. Điều đó khiến tôi bức xúc đến tận bây giờ...

Phương Thùy (Hà Nội)