{keywords}
Tiến sĩ Nguyễn Phan Thắng hiện làm việc ở ĐH Gachon (Hàn Quốc), là một trong số 10 nhà khoa học nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2020.

33 tuổi, gia tài học thuật của Nguyễn Phan Thắng là 43 bài báo khoa học, trong đó có 28 bài thuộc danh mục Q1 (Nhóm các tạp chí khoa học uy tín nhất).  

Tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Phan Thắng đỗ học bổng tiến sĩ của ĐH Chung-Ang (Hàn Quốc). Sau 6 năm học tập và nghiên cứu, anh được nhận vào vị trí giáo sư tập sự và đang làm việc tại phòng thí nghiệm vật liệu chức năng cho ứng dụng năng lượng thuộc khoa Công nghệ hoá học và sinh học của ĐH Gachon.

‘Học được điều gì thay vì học được điểm gì’

Thắng nói, đam mê khoa học của anh được nuôi dưỡng theo cách rất đơn giản. “Khi còn nhỏ, mình chưa từng nghĩ ước mơ của mình là trở thành giáo sư. Hồi nhỏ xíu, khi được học chữ, học toán thì mơ ước làm thầy giáo. Lớn thêm một chút, mình hay theo bố làm công việc sửa các đồ dùng trong gia đình: lắp dây điện, sửa đèn, sửa máy bơm... Khi đó, mình luôn tò mò về sự hoạt động của các máy móc. Không ít lần mình phá hỏng những chiếc đồng hồ báo thức trước khi có thể sửa được chiếc đầu tiên”.

Chia sẻ về thành tích học tập thời phổ thông, anh kể: “Mình không học lớp chuyên hay chọn, mà học tại lớp học tiếng Pháp của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội)”.

Anh tự nhận mình học tốt các môn tự nhiên, tuy nhiên anh luôn đặt cao vấn đề học được điều gì hơn là học được điểm gì, nên không có nhiều thành tích nổi trội. Với 29 điểm thi đại học (3 môn), anh đỗ vào ngôi trường Bách khoa giàu truyền thống và bắt đầu con đường nghiên cứu vào năm thứ 4.

Học thạc sĩ xong, chưa định hình được con đường mình cần đi - theo hướng kỹ thuật, kinh doanh hay nghiên cứu, anh đã từng nghĩ mình nên chuyển hướng sang làm những công việc khác như bạn bè.

Sau khi xin lời khuyên và được khích lệ từ người thầy đã dẫn dắt anh ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, anh đã nộp hồ sơ, phỏng vấn và đỗ học bổng tiến sĩ Trường ĐH Chung-Ang.

Làm khoa học cần kiên trì để đối mặt với những bế tắc

{keywords}
"Các nhà khoa học người Việt dù đang làm việc ở đâu cũng góp phần đưa tên tuổi trí tuệ Việt Nam sánh tầm thế giới".

Hiện tại, nghiên cứu chính của anh ở ĐH Gachon là tìm hiểu về các vật liệu kích thước nhỏ cỡ nano mét: phương pháp chế tạo, phân tích đặc tính, cấu trúc và áp dụng cho các ứng dụng điện, quang, xúc tác.

Anh đang hướng các vật liệu nghiên cứu của mình về pin tích trữ năng lượng sử dụng ion kim loại Li, Na, Ca. “Vấn đề khó khăn của pin tích trữ hiện nay là dung lượng và độ bền của pin, cũng như làm thế nào để những pin chất lượng cao nhưng vẫn đảm bảo tính kinh tế”.

Những mảng anh từng nghiên cứu đều đã và đang bắt đầu phát triển mạnh ở Việt Nam. Anh nhận định, với sự lớn mạnh của các tập đoàn công nghệ, nhu cầu về phát triển nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn rất lớn. Việt Nam đang theo đà phát triển của thế giới và sẽ bắt kịp trong nay mai.

Anh cũng dự định sẽ về Việt Nam trong tương lai không xa để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu tại quê nhà, đóng góp cho nền khoa học trong nước và phát triển hơn các ứng dụng của khoa học hiện đại.

Tuy nhiên, anh cho rằng các nhà khoa học người Việt dù đang làm việc ở đâu cũng góp phần đưa tên tuổi của trí tuệ Việt Nam sánh tầm thế giới.

Anh luôn tâm niệm, một công trình khoa học được đăng lên là cả tâm huyết, đóng góp của mình và giá trị của nghiên cứu cho nền khoa học cơ bản hay giá trị ứng dụng thực tiễn.

Chia sẻ về việc có số lượng bài báo khoa học đáng nể, anh nói, “một phần do mình có tư duy mở, luôn muốn tìm hiểu những nghiên cứu liên ngành, do vậy ngoài các nghiên cứu chính, mình cũng thường tham gia liên kết, hỗ trợ các nghiên cứu khác từ mạng lưới trong và ngoài trường”.

Như tất cả người làm khoa học khác, để có được thành quả như ngày hôm nay, anh đã không ít lần thất bại. “Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, có những ngày mình làm việc 16 tiếng để giải quyết những khó khăn trong thí nghiệm, những bế tắc, hay những nghiên cứu muốn được lặp lại nhiều lần để hiểu rõ hơn”.

Sau mỗi lần thất bại, anh lại rút ra được nhiều bài học cho bản thân. Anh nói, khoa học cần cả một biển rộng kiến thức và kinh nghiệm, có thể có những thất bại mình sẽ vẫn phải đối đầu. Nhưng với những kinh nghiệm đã tích lũy, người làm khoa học có thể sẽ hạn chế và dễ dàng vượt qua những trở ngại.

Theo anh, phẩm chất mà người làm khoa học cần có ngoài việc nắm chắc kiến thức nền tảng, còn rất cần sự chăm chỉ, kiên trì và luôn giữ được niềm đam mê với công việc.

“Các bạn trẻ đã lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học nên vững tin vào bản thân mình, chăm chỉ rèn giũa kỹ năng, kiến thức. Nhưng quan trọng  nhất vẫn là luôn giữ được ngọn lửa đam mê trong tim. Trên con đường khoa học có những lúc mọi việc thuận lợi, có cả lúc khó khăn, chỉ cần mình đủ bản lĩnh, tỉnh táo và vững tin thì các bạn sẽ đạt được những thành quả lớn lao, thiết thực cho con người và đất nước”.

Tình yêu của người làm khoa học là logic, sáng tạo

{keywords}
Anh và các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm. 

Không như nhiều người nghĩ, anh nói, làm khoa học không phải là một công việc khô khan. “Người nông dân yêu cánh đồng, mùa màng và thu hoạch. Người nghệ sĩ yêu ca từ, giai điệu và sự giải trí cho đời. Người làm khoa học cũng vậy, họ yêu sự logic, tính sáng tạo và giá trị thực cho đời. Vậy nên, mỗi một công việc có những đặc thù riêng, nó khô khan với người ngoài nghề nhưng lại là tình yêu với người trong nghề. Tôi cảm thấy rất vui khi mỗi ngày được tìm hiểu, thực hiện các nghiên cứu, được sáng tạo và nghĩ đến giá trị của chúng sau này”.

“Hạnh phúc nhất của người làm khoa học là được tạo ra những sản phẩm khoa học có giá trị cho cuộc sống, được xã hội công nhận, quan tâm và ủng hộ”.

Để cân bằng công việc và cuộc sống, anh hay tìm đến các hoạt động thể thao như chơi bóng bàn, leo núi, hoặc đi dã ngoại, tụ tập cùng gia đình, bạn bè. “Khi các hoạt động ngoài trời không cho phép, tôi có thể ngồi đàn hát, hay nhâm nhi tách trà nóng. Tất cả những hoạt động đó làm tôi có những phút sống chậm lại để tận hưởng cuộc sống, tiếp bước động lực cho thời gian làm việc chăm chỉ”.

Khi được hỏi, nếu không làm khoa học, anh sẽ làm gì, anh đáp: “Tôi có thể làm một người nông dân - trồng cây, rau và hoa màu. Bất cứ công việc nào tạo ra giá trị cho cuộc sống, tôi đều thấy nó rất ý nghĩa và không ngại thử mình”.

 

TS. Nguyễn Phan Thắng (SN 1987)

Giáo sư tập sự (Assistant Professor), Trường Đại học Gachon, Hàn Quốc

Thành tích nổi bật:

- 43 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, trong đó: 28 bài thuộc danh mục Q1 (14 bài là tác giả chính), 11 bài thuộc danh mục Q2 (6 bài là tác giả chính), 04 bài thuộc danh mục Q3 (1 bài là tác giả chính).

- Khen thưởng của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc: Có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Hội thảo các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc ACVYS 2016, 2017

- Giải thưởng General poster award, Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về vật liệu điện và công nghệ nano vì môi trường xanh (ENGE 2016), Jeju, South Korea.

Hoạt động cộng đồng:

- Tham gia các phong trào của hội sinh viên tại Hàn Quốc.

- Tham gia công tác tổ chức, là ủy viên chủ chốt ban tổ chức 2016 và tham gia phản biện; làm chủ nhiệm chuyên đề Hóa học 2017 tại Hội thảo các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc ACVYS.

- Tham gia phản biện cho một số tạp chí uy tín: Journal of Alloys and Compounds, Solar Energy, Molecular Liquids

- Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2020 

Xem thêm video: Robot chế biến thức ăn

Khoản vay 2.000 Euro và những đêm rửa bát thuê của giáo sư Việt 31 tuổi

Khoản vay 2.000 Euro và những đêm rửa bát thuê của giáo sư Việt 31 tuổi

'Hai cảnh tượng đối lập nhau mà tôi không thể quên trong buổi tối hôm ấy. Nhưng đó là những ngày tháng giúp tôi trưởng thành'. 

Nguyễn Thảo

Ảnh: NVCC