Đầu làng có một ông cụ quanh năm sống cảnh đạm bạc, cơ hàn. Bỗng một tối nọ có một bà cụ lạ mặt gọi cổng và nói rằng: “Giả lễ cho tôi, tôi cho ông của để giải thoát cho tôi, vì tôi ở đây lâu quá rồi”. Ông cụ nhà nghèo hỏi giả lễ bằng gì thì bà cụ bảo giả lễ bằng 99 người đàn bà chửa.
Ông cụ hốt hoảng quá nói, cụ bảo tôi lấy của của cụ mà phải giết đi tới 99 mạng người thì của cải của cụ tôi không thể nhận, vì của đó chứa sự vô nhân không làm gì được. Nói rồi từ chối. Đến giờ, người già trong làng Mông Phụ truyền lại đời nay một truyền thuyết đầy ly kỳ, bí ẩn.
Từ khi mất kho báu, ngôi chùa mất thiêng. |
Khi chúng tôi hỏi đến, cụ Hà Văn Soạn cho biết đến cả tuổi tác như mình cũng chỉ được nghe lời truyền tai từ thế hệ trước mà thôi. Các cụ kể lại rằng thời Bắc thuộc nhiều người Trung Quốc được cử sang Việt Nam làm việc. Khi hết hạn về nước, những người này tích lũy được một số của cải mang về nước nhưng bị nhà nước Trung Hoa thu lại. Những người khác thấy vậy sợ mất của nên đã tìm cách giấu quanh nơi họ đã từng sinh sống và chỉ mang gia phả và hồ sơ chôn của về nước để sau này con cháu có điều kiện sang lấy về.
Câu chuyện người Tàu dùng cô gái đồng trinh để biến thành thần giữ của như thế nào thì chúng ta cũng đã nhiều người biết đến.
Mở kho báu với 99 cái đòng lúa
Trở lại câu chuyện người Tàu giấu của ở Chùa Ón, người già làng Mông Phụ truyền lại cho con cháu một truyền thuyết đầy ly kỳ, bí ẩn. Bẵng đi một thời gian, một buổi chiều nọ lại có một ông khách người Tàu đi bán thuốc dạo vào nhà ông cụ nhà nghèo xin ngủ nhờ một đêm. Cụ đồng ý ngay và còn mời ăn cùng nhưng nhà nghèo chỉ có ngô khoai độ bữa.
Ông khách vui vẻ chia sẻ bữa ăn và hỏi chuyện gia cảnh, cụ già cứ thực mà bảo tôi già yếu ăn không được, ngủ chả được. Bà nhà tôi trước đây sinh con bị sản hậu yếu lắm. Sinh đẻ muộn nên các con cũng ốm đau quặt quẹo luôn.
Người khách đến xuống ruộng ngắt lấy 99 cái đòng lúa để vào chiếc đĩa rồi đặt lên ban thờ thắp hương làm lễ. |
Nghe vậy ông khách bèn cắt thuốc ngâm rượu cho cụ ông, cụ bà uống và bảo không lấy tiền thuốc. Dần dần hai cụ khỏe ra, ăn ngon ngủ khỏe. Lại cho các con ông bà cụ ăn thuốc cam. Thời gian ngắn sau, các cháu đều khỏe ra.
Hàng ngày chủ khách cùng nhau chia sẻ ngô khoai ăn uống, lâu cũng coi khách như người trong nhà. Mỗi khi bà con hàng xóm có người lâm phải ốm đau bệnh tật, ông khách đều cho thuốc chữa mà không lấy tiền nên mọi người quý mến như người làng.
Nhờ sự quý mến ấy, người khách Tàu thoải mái đi lại nắm vững mọi địa chỉ, sơ đồ trong làng ngoài ngõ. Một hôm, ông khách hỏi chuyện cụ ông làng ta có mấy cái đình? Cụ ông thật thà trả lời, làng chỉ có mỗi một cái đình mà thôi. Nhưng ông khách lại như khăng khăng nói trong làng có hai cái đình, đó là đình làng và đình Ón.
Ông cụ nói với khách làng chỉ có một cái đình thôi, cái kia là chùa, nơi đây gọi là chùa Ón! Khách hỏi địa chỉ chùa cụ thể. Đã nắm vững nơi kia là nơi nào, ông khách Tàu âm thầm chuẩn bị cho cuộc lấy của của mình.
Cánh đồng chùa Ón ngày xưa chỉ cấy lúa một vụ. Vào khoảng tháng 9 âm lịch, lúa trổ đòng. Một hôm ông khách mời ông cụ nhà nghèo kia ra chùa Ón làm lễ.
Theo chân ông khách gánh gánh thuốc ra để giữa sân Chùa Ón, rồi ông ta xắn
quần lội xuống ruộng lúa trước cửa chùa ngắt lấy 99 cái đòng lúa để vào chiếc
đĩa rồi đặt lên ban thờ thắp hương làm lễ.
Không biết khách khấn khứa thế nào mà tự nhiên một chiếc hòm bỗng hiện lên. Ông
khách lễ tạ rồi bước tới bưng chiếc hòm lên đặt vào gánh thuốc của mình. Chứng
kiến từ đầu đến cuối, ông cụ chỉ biết há mồn trợn mắt ngạc nhiên. Về đến nhà,
ông khách Tàu lấy ra một đĩa bạc rời trong túi biếu ông cụ, rồi chào từ biệt,
quẩy gánh ra đi. Từ đó chùa Ón mất thiêng!
Và sự chậm chân của chủ nhân kho báu
Một thời gian sau, lại có một người Tàu sang tìm của tại Chùa Ón nhưng biết rằng
đã có người lấy mất. Ông cụ đó bí danh là Ôn Hòa Tự. Ông bèn bỏ tiền tu sửa chùa
và xin các cụ trong làng được trông coi chùa Ón và tự trồng cấy lấy lương ăn.
Vì ngày đó cánh đồng này chỉ cấy lúa một vụ mùa nên gặt xong thì từ sau tháng 10
âm lịch đến tháng 3 âm lịch năm sau, cánh đồng bị bỏ hoang, tụ tập các cháu mục
đồng đưa trâu bò đến ăn cỏ và nô đùa.
Ông cụ hàng ngày luộc khoai sắn mình đã trồng cấy cho các cháu ăn, và dạy các
cháu các trò chơi đấu vật thả diều và luyện tập võ nghệ. Bầu trời cuối đông sang
xuân mỗi khi có gió lại xuất hiện đủ các cánh diều vùng vẫy với mây trắng. Nào
diều Vằng, diều Cánh Cốc, tiếng sáo vi vút trời cao.
Cụ Ôn Hòa Tự phát tâm xin đúc một quả chuông lớn ghi chữ “Chung Hồng Hòa Tự”,
nay vẫn còn đặt tại đình làng Mông Phụ.
Một buổi chiều ngày mùng 3/3 âm lịch, cụ mất. Dân làng tưởng nhớ công lao dạy dỗ
con cháu mình vẫn đến thắp hương làm lễ và tổ chức hội truyền thống Phong cờ
thần, khiêng quả chuông ra đánh ba hồi chín tiếng hành lễ cầu an. Xong tổ chức
đấu vật thả diều trong một buổi chiều, từ 15h đến 17h.
(Theo Đất Việt)