- Tay trái ông ôm cây đàn. Tay phải còn lại, ông kẹp chặt cây ghi-ta phím lõm. Những thanh âm vang lên lúc khoan lúc nhặt, lúc trầm bổng lúc du dương...
Xem video:
Vượt hơn 100 km dưới cơn mưa lất phất dai dẳng, chúng tôi đến xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang) tìm nhà ông Hai 'cụt', một nghệ nhân đàn ghi ta phím lõm.
Ông Hai đang làm vườn. Thấy chúng tôi đến, ông dừng việc bước vào đón khách. Ông tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ giản dị.
Ông Hai đang làm vườn |
Ông tên thật là Thái văn Hai, 67 tuổi. Ông là người khuyết tật, chỉ còn tay trái. Theo lời ông, năm 1966, lúc mới 16 tuổi, ông bị một viên đạn găm vào tay phải. Từ đó ông đành mất cánh tay.
Sau tai nạn, ông cố gắng phụ giúp gia đình làm ăn sinh sống trên mảnh vườn của mình. Những lúc rảnh rỗi, ông mở radio nghe những bản cải lương mùi mẫn. Niềm mong ước được là người đệm đàn cho ca sĩ hát manh nha trong ông từ đó.
Ông Hai nói tiếp: "Ngày đó, cả khu vực cù lao Ngũ Hiệp rộn ràng tiếng hát tiếng đờn. Cứ mỗi buổi chiều, sau một ngày làm việc mệt nhọc, mọi người quây quần vừa uống trà vừa chơi đờn ca tài tử. Người biết đàn thì đàn, người biết hát thì hát, không khí rất sôi động".
Ông Hai bên cây đàn |
Ông kể tiếp: "Tôi mê đàn nhưng chỉ còn một tay. Tôi luôn có mặt khi mọi người tập trung ca hát. Trong lúc nghỉ ngơi, khi người đánh đàn bỏ cây đàn xuống, tôi mon men tiếp cận.
Nhiều người trêu tôi: "Người ta 2 tay đàn 2 tay chưa xong, anh một tay làm sao đánh?" nhưng cũng có người khuyến khích: "Một tay mà đờn được mới hay". Nghe vậy tôi mừng lắm, ngày đêm cố gắng luyện tập.
Tôi ôm cây đàn lên. Tay trái cầm cần đàn, một khúc tay phải còn lại tôi dùng để kẹp chặt thùng đàn. Tôi tập bấm, ban đầu bấm 1 ngón, gảy 1 ngón. Sau đó tăng dần lên bấm 2 ngón, 3 ngón cho đến khi thuần thục.
Tôi tập càng ngày càng khá lên nhưng cũng chỉ là mới biết cầm đàn. Tôi cố học thêm bằng cách nghe và nhìn đàn anh chơi rồi quay về áp dụng với cách đàn một tay của mình. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã đàn được một vài bài bản vắn như: Nam xuân, Nam ai, Tây Thi…".
Tuy chưa hay lắm nhưng ông Hai tiếp tục đến các đoàn cải lương, các tụ điểm đờn ca tài tử để nghe và để xem đánh đàn.
Trong thời gian này, một người anh của ông là nghệ nhân đờn ca tài tử Thái Văn Chính đã thường xuyên bồi dưỡng kèm cặp, giúp ông có kiến thức nhiều về cổ nhạc.
Ông tiếp tục kể: "Cái thuở ban đầu của tôi rất vất vả. Đúng như người ta nói hai tay còn chưa làm được huống chi tôi một tay. Với tôi niềm đam mê cổ nhạc thấm vào trong máu nên càng khó tôi càng cố gắng. Cũng nhờ niềm đam mê đó, tôi đã đứng lên và trụ vững.
Năm 1969, tôi gia nhập đoàn cải lương Rạng Đông - Mỹ Lệ, một gánh hát thuộc hàng trung của Vĩnh Long. Trong thời gian này, tôi đã cố gắng khổ luyện cùng các anh em trong ban nhạc. Nhờ vậy tôi cứng nghề và chính thức theo đoàn 'sống kiếp tằm trả nợ dâu' quanh năm với gạo chợ nước sông, rày đây mai đó".
Câu chuyện đến đây thì tạm dừng. Từ dưới nhà một người phụ nữ đứng tuổi bước lên châm nước. Đó là vợ của ông Hai. Ông nói: "Anh biết không, tôi cưới được bà ấy cũng nhờ vào ngón đàn này".
Theo đó, năm 1971, trong lúc đi diễn, đoàn hát dừng chân ở Sóc Trăng. Sau những buổi biểu diễn đờn ca tài tử có rất nhiều cô thôn nữ xinh đẹp đến xem. Nhiều cô gái đã bày tỏ cảm phục tài nghệ của ông và muốn có dịp cùng ông kề cận.
Thế nhưng ông chọn bà - một trong số các thiếu nữ đó để đi trọn cuộc đời còn lại.
Ông Hai trong một lần đàn cho ca sĩ hát. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Ông kể tiếp: "Năm 1977, tôi không theo đoàn hát nữa, dẫn vợ con về quê nhà. Từ đó đến giờ, tôi luôn có mặt ở các đám tiệc để phục vụ ca nhạc.
Năm 1978, địa phương phát động phong trào văn nghệ quần chúng, tôi đã đoạt nhiều giải nhờ màn độc tấu ghi-ta phím lõm. Nhờ vậy mà tôi được tham dự hội diễn văn nghệ quân khu 9. Dịp này, tôi đoạt được huy chương vàng cũng nhờ màn độc tấu".
Năm 2014, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Tiền Giang, từng nhận xét về tiếng đàn của ông Hai: "Nếu so với những danh cầm như Văn Vĩ, Văn Giỏi... thì ông Hai không thể bằng được. Tuy nhiên phải thừa nhận ông Hai Cụt là một tài năng đặc biệt.
Ngay cả người có đủ hai tay còn chưa chắc đờn được. Người biết đàn cũng chưa chắc đờn hay. Ông Hai chỉ có một tay mà đờn khá hay như vậy là rất hiếm".
Trời cũng đã ngớt mưa. Trước khi chia tay, ông ôm cây đàn trong lòng và tặng chúng tôi một khúc nhạc.
Tiếng đàn réo rắt theo chúng tôi suốt đoạn đường về...
Xôn xao người phụ nữ 'quỵt' tiền vé máy bay của cô gái khuyết tậtTôi bán mỗi vé chỉ được lãi mấy chục ngàn đồng. Hoàn cảnh của tôi khó khăn, tôi bị khuyết tật và lại đang là mẹ đơn thân, vậy mà... Cuộc sống khổ cực, bệnh tật của vợ chồng 40 năm vớt xác, cứu ngườiHơn nửa đời người sống bằng nghề sông nước, cuộc sống của vợ chồng ông Ba Chúc đến giờ vẫn còn nhiều khó khăn. Mấy năm nay, khi vợ bị bệnh tiểu đường sức khỏe suy giảm, gánh nặng trên vai ông Ba Chúc thêm chồng chất. |
Trần Chánh Nghĩa